Tiếng Việt | English

26/09/2022 - 10:34

Đồng hành, sẻ chia cùng người yếu thế

Người yếu thế là những người có hoàn cảnh khó khăn như khuyết tật, già neo đơn, hộ nghèo, trẻ em mồ côi, người bệnh nan y, người bệnh tâm thần,... Thế nhưng, họ không đơn độc trong hành trình vượt qua khó khăn bởi luôn có sự quan tâm, giúp đỡ và đồng hành của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út (giữa) tặng quà cho trẻ em mồ côi do Covid-19

Giúp người yếu thế vươn lên trong cuộc sống

Sinh ra và lớn lên không may mắn khi cơ thể bị khiếm khuyết nhưng chị Võ Thị Rằn (xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa) không buông xuôi cho số phận mà luôn cố gắng vượt qua khó khăn, lao động để tự nuôi bản thân, hòa nhập cộng đồng. Chị Rằn bộc bạch: “Không nhìn thấy ánh sáng nhưng tôi luôn khát khao chiến thắng bản thân để trở thành người sống tự lập, không phải là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cách đây 8 năm, tôi quyết định học nghề xoa bóp, bấm huyệt tại Hội Người mù tỉnh. Sau hơn 2 tháng học nghề, tôi được nhận vào làm chính thức. Hiện nay, tôi có thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Số tiền này không lớn với nhiều người nhưng đối với tôi nó rất ý nghĩa, bởi đây là minh chứng cho sự nỗ lực vượt khó, chiến thắng bệnh tật của bản thân”.

Chị Võ Thị Rằn có thu nhập ổn định từ nghề xoa bóp, bấm huyệt

Tương tự trường hợp của chị Rằn, anh Hà Trung Vinh (phường 5, TP.Tân An) cũng được Hội Người mù tỉnh dạy nghề và tạo việc làm sau học nghề. Anh Vinh cho hay: “Bị khiếm thị, chúng tôi không chỉ khó khăn trong tìm kiếm việc làm mà còn ngại giao tiếp với mọi người. Niềm mơ ước của người khiếm thị là có được việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân. Khi được Hội tạo điều kiện thực hiện ước mơ, tôi rất vui và cảm nhận được giá trị của bản thân. Tham gia tổ chức Hội giúp chúng tôi vừa có việc làm, vừa có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ khó khăn với những người cùng cảnh ngộ”.

Nhờ học nghề, anh Hà Trung Vinh (bên trái) tự tin hơn trong giao tiếp, hòa nhập cộng đồng

Theo Hội Người mù tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 50 hội viên có thu nhập ổn định từ nghề xoa bóp, bấm huyệt với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Chủ tịch Hội Người mù tỉnh - Trịnh Văn Đực cho biết: “Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội mà đời sống hội viên Hội Người mù được nâng lên về vật chất lẫn tinh thần, trong đó có nhiều hội viên tiêu biểu về nghị lực, vượt qua khó khăn, vươn lên khẳng định giá trị của bản thân và sống có ích cho gia đình, xã hội. Thời gian tới, Hội tập trung mở rộng mạng lưới chăm sóc người khiếm thị; nhân rộng các mô hình dạy nghề, tạo việc làm hiệu quả cho người khiếm thị. Cùng với phát huy sức mạnh nội lực, các cấp Hội mong muốn các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm tiếp tục chung tay giúp đỡ, hỗ trợ để người khiếm thị có thêm động lực tự lập tạo dựng cuộc sống”.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có trên 2.790 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm lo thông qua các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, khám, chữa bệnh,... Ngoài các chính sách theo quy định của Đảng và Nhà nước dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tỉnh còn thực hiện tốt công tác xã hội hóa chăm lo cho trẻ em thông qua nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo như mô hình Mẹ đỡ đầu, Sổ tiết kiệm,...

Huyện Cần Đước dạy bơi miễn phí cho trẻ em nghèo

Đặc biệt, vừa qua, các địa phương còn thực hiện tốt công tác dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Cần Đước - Phan Thị Hồng Diễm cho biết: “Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện mở 3 lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bình quân 20-25 trẻ/lớp, thời gian học 16 buổi (15 buổi thực hành, 1 buổi kiểm tra). Dự kiến, huyện tiếp tục mở thêm 17 lớp tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện”.

Những năm qua, trẻ em tử vong do đuối nước luôn là vấn đề quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Do đó, việc tạo điều kiện cho trẻ em học bơi là việc làm thiết thực, mang tính nhân văn, thể hiện trách nhiệm của người lớn đối với trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, góp phần giúp các em có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Phụ huynh em Nguyễn Tuấn Thanh (ấp 4, xã Tân Ân, huyện Cần Đước) cho hay: “Con tôi ham học bơi nhưng gia đình không có điều kiện cho con đi học. Chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Trường Tiểu học Tân Ân tạo điều kiện cho con tôi học bơi miễn phí. Cháu được học bơi tôi cũng mừng, vì an tâm được phần nào về tai nạn đuối nước”.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế, việc làm, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho các đối tượng người yếu thế trong xã hội như hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật, người già neo đơn, góp phần giúp họ ổn định cuộc sống. Trong đó, chính sách trợ cấp thường xuyên được xem là lưới an sinh xã hội giúp các hoàn cảnh yếu thế trang trải một phần khó khăn trong cuộc sống.

Bà Hồ Thị Tuyết Nga (SN 1949, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) nói: “Tôi lớn tuổi, sống một mình, bị bệnh ung thư. Chi phí sinh hoạt của tôi chỉ dựa vào số tiền trợ cấp của Nhà nước 540.000 đồng/tháng và sự quan tâm của các cấp, các ngành. Hàng tháng, nếu không nhờ số tiền trợ cấp của Nhà nước dành cho người già neo đơn và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, tôi không biết phải xoay xở ra sao. Đây là điểm tựa giúp tôi có thêm lòng tin, nghị lực để vượt qua bệnh tật, vươn lên ổn định cuộc sống”.

Bà Hồ Thị Tuyết Nga (SN 1949, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) có cuộc sống ổn định nhờ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước dành cho người già neo đơn

Hiện nay, toàn tỉnh trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho trên 70.000 đối tượng bảo trợ xã hội như trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, người bị nhiễm HIV thuộc diện hộ nghèo, người đơn thân nghèo đang nuôi con, người cao tuổi, người khuyết tật,... Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai khẳng định: “Sở chỉ đạo các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố thường xuyên rà soát, kịp thời bổ sung các đối tượng đủ điều kiện để được nhận trợ cấp xã hội, tránh tình trạng bỏ sót đối tượng; đồng thời, lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện để đưa vào Trung tâm Công tác xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc.

Ngoài ra, Sở còn phối hợp các cấp, các ngành tổ chức đoàn kiểm tra về tình hình hoạt động của các trung tâm, mái ấm, cơ sở tư nhân có nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người già và trẻ em mồ côi, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để công tác chăm sóc, bảo vệ người yếu thế tốt hơn, nhất là tránh tình trạng lợi dụng người yếu thế để trục lợi. Không chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước cấp, ngành còn tranh thủ huy động nhiều nguồn lực để khám bệnh, tặng quà, xây nhà,... cho người yếu thế với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau. Long An là một trong những điểm sáng trong thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội trong cả nước, góp phần cho người yếu thế có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp”.

Với nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước cùng sự chung tay, góp sức của toàn xã hội dành cho những hoàn cảnh yếu thế trong xã hội góp phần giúp họ vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, trở thành người sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết