Tiếng Việt | English

07/07/2022 - 17:52

Dự báo tất cả chỉ tiêu phát triển KT - XH năm 2022 đều đạt nghị quyết đề ra  

Chiều 07/7, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An – Mai Văn Nhiều làm Trưởng đoàn đến giám sát tình hình thực hiện nghị quyết về phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm 2022 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các chỉ tiêu để tham mưu UBND tỉnh có các giải pháp hiệu quả phục hồi, phát triển KT - XH

6 tháng đầu năm 2022, các chỉ tiêu KT - XH chủ yếu đạt kết quả khá tốt; dự báo cả năm 2022 tất cả các chỉ tiêu đều đạt Nghị quyết đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,11%. Đây là mức tăng trưởng tương đối khá và cao hơn dự kiến kế hoạch tăng trưởng của UBND tỉnh.

Về tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, tổng vốn UBND tỉnh đã giao đến nay trên 6.937 tỉ đồng. Đến hết tháng 6/2022, khối lượng thực hiện trên 2.425 tỉ đồng, đạt 34,9% kế hoạch; giá trị giải ngân trên 2.218 tỉ đồng, đạt 31,9% kế hoạch (cùng kỳ giải ngân 34,6%).

6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh thành lập mới 911 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 13.956 tỉ đồng (so với cùng kỳ tăng 6,9% về số lượng doanh nghiệp mới thành lập và tăng 1% về vốn đăng ký); cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 53 dự án trong nước (giảm 24 dự án so với cùng kỳ) với số vốn đăng ký trên 13.496 tỉ đồng (tăng trên 7.940 tỉ đồng).

Đối với thu hút đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay, tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 24 dự án đầu tư mới (giảm 6 dự án so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký là 246,5 triệu USD (giảm 2.983 triệu USD). Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.144 dự án FDI, vốn trên 9.803 triệu USD; trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.624 triệu USD.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư – Trương Văn Liếp báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết về phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022

Bên cạnh những kết quả tích cực, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, giá cả vật tư đầu vào, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá xăng dầu tăng cao, công lao động tăng và khan hiếm,... làm cho chi phí sản xuất tăng nên lợi nhuận của nông dân thấp hơn so với cùng kỳ.

Thị trường lao động chậm phục hồi sau đại dịch; giá cả, chi phí nguyên vật liệu sản xuất tăng cao; thị trường tiêu thụ bị thu hẹp;... ảnh hướng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của tỉnh đạt mức thấp, giảm điểm và giảm hạng so với với năm 2020; giảm 3,79 điểm và giảm 13 bậc trên bảng xếp hạng PCI cả nước, đây là mức giảm sâu nhất trong suốt 5 năm qua.

Tiến độ đầu tư hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp còn chậm. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư có mặt còn hạn chế. Tiến độ một số dự án đầu tư công còn chậm, khối lượng thực hiện và giải ngân chưa đạt yêu cầu. Hoạt động thương mại - dịch vụ tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng ngành này vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch còn giảm so với cùng kỳ, giảm 5,9%.

Trên cơ sở dự báo tình hình, Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trọng điểm, chiến lược; thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh; tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế;...

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh – Mai Văn Nhiều đề nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm công tác đào tạo, nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ; xem xét lại việc bố trí vốn, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư công; chú trọng làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, trong đó cần quan tâm chất lượng, hiệu quả các công trình.

Mặt khác, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, làm sao số hóa được quy hoạch. Tiếp tục rà soát các dự án không thể thực hiện được để thu hồi; có cơ chế hỗ trợ các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư thực hiện tốt chủ trương, chính sách của tỉnh. Đánh giá, phân tích kỹ hơn bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới; rà soát lại các chỉ tiêu để tham mưu UBND tỉnh có các giải pháp hiệu quả phục hồi, phát triển KT - XH./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết