Tiếng Việt | English

08/04/2021 - 09:45

Giáo dục học sinh cá biệt bằng sự quan tâm

Trong một tập thể lớp, có những học sinh (HS) rất ngoan, chăm học nhưng cũng có một số em tỏ ra bất cần, ngỗ nghịch. Có em lại chống đối, không nghe lời thầy cô, thường xuyên gây gổ, đánh nhau. Giáo viên (GV), nhất là GV chủ nhiệm rất “đau đầu” với những trường hợp này vì các em không những làm ảnh hưởng đến thành tích của lớp mà còn làm ảnh hưởng đến các bạn khác. Vậy đâu là cách giáo dục, cảm hóa HS cá biệt? Có nên áp dụng các biện pháp cứng nhắc với các em?

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Khuyến khích học sinh cá biệt phát huy sở trường

Đó là trường hợp của Huỳnh Thế Anh - cựu HS Trường THPT Hùng Vương (TP.Tân An). Thế Anh chia sẻ, sức học của mình không được tốt lắm lại thích tụ tập, quậy phá cùng nhóm bạn. Biết chuyện, cha Thế Anh thường đưa đón con đi học và thường xuyên liên lạc với GV để biết tình hình học tập của con. Tuy vậy, bạn ấy vẫn trốn học đi chơi.

Biết con học không tốt các môn tự nhiên, gia đình cũng tạo điều kiện để con học thêm nhưng sức học của Thế Anh vẫn không khá hơn. Và cứ đến những giờ học, Thế Anh lại tỏ ra chán nản, không hứng thú. Bên cạnh thường xuyên động viên, quan tâm, cô giáo chủ nhiệm khơi dậy và giúp Thế Anh phát huy sở trường. Biết cậu HS cá biệt có niềm đam mê tin học, thích quay video, dựng phim nên trong những tiết sân khấu hóa bài giảng, cô thường giao cho Thế Anh nhiệm vụ này.

Dần dần, bạn tích cực tham gia các phong trào của lớp và thể hiện được khả năng của mình. Tốt nghiệp THPT, Thế Anh theo học lớp đồ họa, thiết kế quảng cáo và học thêm các lớp quay video, dựng phim. Hiện, Thế Anh và nhóm bạn lập kênh Youtube riêng đăng tải những phim ngắn về những mối quan hệ trong cuộc sống của giới trẻ, giới thiệu những cảnh đẹp của quê hương Long An. Thế Anh cho rằng, chính mình cũng chưa nhận ra được sở trường, điểm mạnh bản thân đến khi cô chủ nhiệm động viên, khuyến khích và mạnh dạn giao việc, bạn mới tự tin theo đuổi niềm đam mê của mình.

Thế đấy, nếu biết khơi đúng điểm mạnh và quan tâm, chia sẻ bằng tất cả tình cảm thì việc “cảm hóa” HS cá biệt không quá khó.

Quan tâm, chia sẻ với các em

HS cá biệt thường là những em có cá tính mạnh. Không phải hầu hết HS cá biệt đều có sức học không tốt, ngược lại, một số em có khả năng tiếp thu các môn học rất tốt. Vì nhiều lý do, có khi chán nản gia đình, bất mãn với GV hay gặp một “biến cố” nào đó mà các em trở thành HS cá biệt. Với sự quan tâm, chia sẻ, GV hoàn toàn có thể tiếp cận và định hướng các em.

Cô Thanh Hà - GV Trường THPT Tân Thạnh, chia sẻ về câu chuyện của một HS lớp 10 cô từng dạy. Lúc đó, cô mới ra trường, nhận chủ nhiệm lớp 10. Trong lớp có một HS nữ lầm lì, ít nói và thường phản kháng, không nghe lời GV dạy Toán. Qua tìm hiểu, cô được biết trước đó, bài kiểm tra Toán của em này được 6 điểm, trong khi theo em thì bài kiểm tra phải được 8 điểm. Nguyên nhân có 1 bài, GV cho rằng cách giải của em không đúng, không giống như cách đã được học trên lớp nên không chấm điểm bài này. Trong khi đó, em HS lại cho rằng do mình không học thêm nên bị cô “đì”. Bất mãn với GV vì lời giải thích không được lắng nghe, ghi nhận nên em thường phản kháng, tỏ ra bất cần trong giờ học Toán.

Nhờ sự phân tích của cô Hà, em dần hiểu ra và điều chỉnh thái độ của mình. GV dạy Toán cũng có thái độ quan tâm hơn, giúp em tìm lại hứng thú trong học tập. Ở độ tuổi “nổi loạn”, đôi khi chỉ một hành động, lời nói của GV cũng có ảnh hưởng lớn đến các em. Để giáo dục, cảm hóa HS cá biệt, điều cần thiết là phải tìm hiểu các em đang “vướng” ở điểm nào để giúp tháo gỡ; đồng thời, quan tâm, chia sẻ, động viên để các em hiểu được mình sai chỗ nào, đúng chỗ nào. Khi “tâm phục, khẩu phục”, các em sẽ thay đổi./.

Minh Trang

Chia sẻ bài viết