Sinh viên ký tên lên lá cờ Tổ Quốc, thể hiện tình yêu và trách nhiệm đối với quê hương đất nước. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Ngày 27/8, tại thành phố Choisy-le-Roi, ngoại ô thủ đô Paris, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) phối hợp với các hội đoàn người Việt Nam tại Pháp, đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông."
Cuộc tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Festival thanh niên, sinh viên Việt Nam tại châu Âu lần thứ 2, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về các vấn đề liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông, đồng thời giúp các bạn trẻ là thanh niên, sinh viên Việt Nam đang học tập tại châu Âu nâng cao nhận thức, xác định nghĩa vụ, trách nhiệm đối với đất nước trong tình hình mới.
Hai diễn giả chính của buổi tọa đàm là tiến sỹ sử học Patrice Jorland, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) và nhà báo Võ Trung Dung, một chuyên gia về tình hình Biển Đông đang sống và làm việc tại Pháp.
Đông đảo thanh niên, sinh viên tham dự Festival, đại diện các hội đoàn người Việt Nam tại Pháp cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp đã tham dự buổi tọa đàm.
Buổi tọa đàm mở đầu bằng việc trình chiếu bộ phim "Biển Đông - Chiến tranh các quần đảo" của đạo diễn người Pháp Marc Petitjean. Đây là bộ phim tài liệu đã được ông thực hiện và chiếu trên kênh truyền hình châu Âu Arte trong năm 2015.
Bộ phim cho thấy chiến lược "gặm nhấm" Biển Đông nguy hiểm của Trung Quốc thông qua việc bêtông hóa các đảo đá, bãi cạn và biến các đảo này thành sân bay và căn cứ quân sự. Các đảo nhân tạo này đe dọa tự do hàng hải và việc khai thác các nguồn lợi tài nguyên trên biển như cá, dầu mỏ…
Về phần mình, nhà báo Võ Trung Dung nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc cải tạo các bãi đá và rạn san hô trên Biển Đông trước tiên là nhằm mục đích quân sự quốc phòng, địa chính trị, sau đó mới là vấn đề kinh tế.
Trung Quốc cũng kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan về chủ quyền lãnh thổ để người dân tạm quên những khó khăn kinh tế trước mắt và những vấn đề nội bộ trong nước.
Trong khi đó, tiến sỹ sử học Patrice Jorland đi sâu phân tích nội dung phán quyết theo đó các tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và những nguồn tài nguyên trong đường 9 đoạn là không có "cơ sở pháp lý."
Ông khẳng định việc bồi lấp và xây dựng các đảo của Trung Quốc là hành động phi pháp.
Theo các bộ luật quốc tế, một bãi tạo lập (formation) chỉ có thể trở thành đảo nếu nó là tự nhiên, cho phép một cộng đồng người sống ổn định tại đó, không phụ thuộc vào nguồn tài nguyên bên ngoài và hoạt động triển khai trên đó không chỉ là hoạt động khai thác.
Do đó, không có bãi tạo lập nào do Trung Quốc xây dựng trên quần đảo Trường Sa đem lại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho nước này.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Patrice Jorland cho biết Hội hữu nghị Pháp-Việt vô cùng vui mừng và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết này do Trung Quốc đã tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Trong phần trao đổi tiếp theo, các diễn giả đã trả lời một số câu hỏi của các bạn sinh viên như vì sao Biển Đông lại gây ra sự thèm muốn, vì sao Trung Quốc lại tự đặt mình như một đối thủ với Hoa Kỳ và làm thế nào để tiếp cận được những thông tin chính thống.
Nhà báo Võ Trung Dung phân tích môi trường địa lý, chiến lược, chính trị của Biển Đông. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Nhà báo Võ Trung Dung đã phân tích rằng hiện nay các nguồn thông tin trên mạng rất nhiều và truyền thông thực sự là một cuộc chiến. Ông cũng khuyến khích các bạn trẻ, với thế mạnh là tri thức và ngoại ngữ, tìm đến những trang nghiên cứu chính thống để có cái nhìn khoa học và chính xác về các tranh chấp trên Biển Đông.
Sau đó, các sinh viên có mặt tại buổi tọa đàm đã ký tên lên cờ Tổ quốc, thể hiện tình yêu và trách nhiệm đối với quê hương đất nước trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, biển đảo.
Thay mặt cho Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), anh Lê Xuân Tuấn đã công bố Lời kêu gọi của UEVF, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông.
Lời kêu gọi này được đăng tải trên trang web của UEVF và được gửi tới lãnh đạo các cơ quan nhà nước của Pháp; lãnh đạo các thể chế của Liên minh châu Âu, đại sứ tại Pháp của các nước Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Australia, và một số nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Brunei, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Lào./.
Bích Hà/Paris (Vietnam+)