Loạt bài phóng sự điều tra của hãng tin AP (Mỹ) về nạn nô lệ lao động trong ngành đánh cá ở Đông Nam Á được trao giải Pulitzer về phục vụ cộng đồng vào hôm 18/4. Tác phẩm này ra đời từ nỗ lực điều tra nghiêm túc và vất vả của 4 phóng viên – những người đã thu thập tài liệu về những sự đối xử khắc nghiệt đối với các ngư dân bị giữ làm con tin ở một hòn đảo xa và về quá trình đưa sản phẩm do họ làm ra tới các siêu thị và nhà hàng ở Mỹ.
Các nô lệ trong nghề đánh cá ở Đông Nam Á. Ảnh: EJF.
Loạt bài này có kèm thêm ảnh và video cho thấy cảnh các nam giới bị nhốt trong cũi và một người đàn ông khóc nức nở khi được đoàn tụ với gia đình mà ông đã không được gặp trong suốt 22 năm. Loạt bài đã giúp giải cứu hơn 2.000 ngư dân và các lao động khác bị ép làm nô lệ thời hiện đại.
Quá trình tác nghiệp đặc biệt
Để có được tác phẩm này, các nhà báo AP đã phải đối mặt với nhiều hiểm nguy thực sự. Các nhà báo cũng gặp phải một vấn đề hóc búa là làm thế nào để vạch trần tội ác này mà không gây nguy hiểm cho các con tin.
Loạt bài “Hải sản đến từ các nô lệ” bao gồm nội dung đưa tin từ 4 nước, do các nhà báo AP là Margie Mason, Robin McDowell, Martha Mendoza và Esther Htusan thực hiện.
Nhóm tác giả sử dụng các bài phóng sự trước đó về nạn lao động cưỡng bức trong nghề đánh cá ở Đông Nam Á, đồng thời tác nghiệp thêm một năm nữa để nghiên cứu sâu về quá trình đánh bắt và chế biến tôm cùng các loại hải sản được bán ở Mỹ và nơi khác.
Tại trụ sở của AP ở New York, Chủ tịch hãng này Gary Pruitt và Quản lý biên tập Kathleen Carroll đã ca ngợi sức lực và quá trình lao động cật lực của nhóm nhằm thu thập tư liệu chi tiết về nạn nô lệ và chỉ rõ quá trình cung cấp thực phẩm cho các bàn ăn của người Mỹ dựa trên sức lao động đó.
Chủ tịch hãng AP Pruitt (quay lưng vào ống kính) ôm chúc mừng phóng viên Mendoza trong nhóm tác giả loạt bài điều tra về nô lệ nghề cá. Ảnh: AP.
Người phụ trách tin bài quốc tế của AP John Daniszewski nói: “Đây là một thành tựu báo chí, và tôi cho rằng điều đáng nói về các nhà báo là họ đã quyết tâm không dừng lại cho đến khi phơi bày chi tiết mọi thứ”.
Đây là tác phẩm đoạt giải Pulitzer đầu tiên của AP cho nội dung công ích.
McDowell và Htusan đã tới đảo Benjina của Indonesia, cách thủ đô nước này hơn 3.000km.
Các phóng viên đã tìm thấy và nói chuyện với các nam giới bị nhốt trong cũi và phỏng vấn những người lao động khác bị bắt làm nô lệ tại cảng của thị trấn này.
Lợi dùng màn đêm, họ đưa một chiếc thuyền vào để ghi hình các con tin miêu tả cảnh ngộ của mình. Sau đó một gã bảo vệ phát hiện ra. Gã này tức giận lấy thuyền đâm vào thuyền của các phóng viên (nhưng không thành công).
Các lao động khổ sai này là những nam giới nghèo đói đến từ Myanmar, Campuchia, Lào và Thái Lan. Họ kể lại việc bị lừa đến đây, bị nhốt, bị đánh đập và ép lao động. Họ chỉ cho các nhà báo một khu mộ, nơi hơn 60 lao động đã chết và được chôn cất với những cái tên giả.
Từ Benjina, nhóm phóng viên AP đã dựa vào công nghệ vệ tinh để dò tìm một tàu thủy chở hải sản do các nô lệ đánh bắt được sang Thái Lan. Ở đây hàng được dỡ khỏi tàu, đưa bằng xe tải tới các nhà máy đông lạnh. Thông qua các cuộc phỏng vấn, theo dõi và hải trình của tàu thủy, họ đã xác định được hành trình của hải sản được chế biến gửi sang Mỹ, tới các nhà cung cấp và bán lẻ như là Wal-Mart và các chuỗi nhà hàng như là Red Lobster.
Chấp nhận đưa tin chậm để bảo đảm an toàn cho nô lệ
Các phóng viên và biên tập viên biết mình có trong tay một sản phẩm báo chí có sức lan tỏa mạnh. Nhưng họ đã kiềm chế để không phát hành sản phẩm báo chí này vì điều đó có thể khiến các con tin gặp nguy hiểm. Thay vào đó, trước tiên họ cung cấp thông tin cho giới chức và đợi tới khi các nam nô lệ này được an toàn, dù rằng các nhà báo có nguy cơ sẽ mất lợi thế đưa tin trước.
Các nỗ lực của nhóm phóng viên đã dẫn tới việc giải cứu và đem lại tự do cho hàng trăm nô lệ trên đảo và trên tàu cũng như việc trấn áp các nhà máy xử lý tôm sử dụng lao động cưỡng bức gồm cả các trẻ em mới 15 tuổi.
Mason và Htusan đã tới Myanmar để chứng kiến cảnh đoàn tụ với gia đình của một trong những nam giới được thả tự do đó sau hai thập kỷ bị giam cầm.
McDowell cho biết nhóm AP đã cố gắng phản ánh sự việc theo hướng tạo điều kiện cho những chuyển biến lớn sau này.
Bà nói: “Tôi nghĩ là điều chúng tôi muốn làm ngay từ đầu là làm cho xã hội chú ý thật nhiều đến vấn đề này, và đó là lý do để chúng tôi liên hệ vụ việc này với chiếc bàn ăn tối của người Mỹ”.
McDowell nói tiếp: “Các chính phủ có thể gây sức ép lên Thái Lan, các nhóm nhân quyền có thể gây sức ép lên các tổ chức quyền lao động, nhưng chỉ khi nào các công ty và người tiêu dùng Mỹ yêu cầu thay đổi thì bạn mới bắt đầu thấy sự thay đổi”.
Chính phủ Indonesia đã bắt đầu mở một cuộc điều tra sau khi AP xuất bản loạt bài điều tra của họ. Loạt tác phẩm này cũng đã dẫn tới vô số vụ bắt giữ và thu giữ hàng hóa trị giá hàng triệu USD.
Giải thưởng lần này là giải thưởng thứ 2 dành cho Mendoza, người đã tham gia vào nhóm phóng viên AP được giải năm 2000 với tác phẩm “Chiếc cầu tại No Gun Ri” nói về các vụ thảm sát dân thường Hàn Quốc do quân đội Mỹ tiến hành trong Chiến tranh Triều Tiên.
Cho đến nay AP đã giành được 52 giải Pulizer, bao gồm một giải thưởng năm 2013 về các bức ảnh nội chiến Syria và một giải báo chí điều tra năm 2012 về việc Sở Cảnh sát New York theo dõi người Hồi giáo./.
Trung Hiếu/VOV.VN/Theo AP