Tiếng Việt | English

13/11/2018 - 15:32

Hết lòng vì học sinh

“Trách nhiệm của thầy giáo, cô giáo không chỉ dạy kiến thức mà còn rèn luyện đạo đức, nhân cách cho mỗi học sinh (HS). Do vậy, là giáo viên, tôi luôn hết lòng vì HS, dạy học bằng cả cái tâm và xem các em như những đứa con của mình”. Đó là tâm sự và cũng là phương châm trong công tác dạy học của cô Mai Thị Thu - giáo viên môn Toán, Trường THCS Lê Đại Đường (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An).

Cô Mai Thị Thu

Cô Mai Thị Thu

Thay đổi phương pháp giảng dạy

28 năm gắn bó với nghề cũng là ngần ấy năm cô Thu tự rèn luyện bản thân, nỗ lực học hỏi, cập nhật kiến thức mới và có những thay đổi phù hợp với nhu cầu đổi mới. Cô học thông qua các lớp tập huấn, buổi dự giờ, thao giảng và đồng nghiệp, sách, báo, Internet,...

Từ những kiến thức mới ấy, cô linh hoạt vận dụng để thay đổi phương pháp giảng dạy. Đầu tiên, cô luôn tạo bầu không khí thật sự thoải mái mỗi khi lên lớp nhằm giảm căng thẳng và khuyến khích HS tham gia phát biểu xây dựng bài học. Tiếp đó, tùy vào yêu cầu và nội dung bài học, cô áp dụng phương pháp dạy học phù hợp. Trong đó, cô áp dụng phương pháp xây dựng bài giảng ngắn gọn, dễ hiểu nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ nội dung kiến thức. Theo đó, cô thường lấy các ví dụ cụ thể để HS dễ nắm bài hơn; đồng thời tạo tình huống có vấn đề để gây hứng thú học tập và đặt câu hỏi phù hợp với khả năng của từng HS. Ngoài ra, cô còn áp dụng phương pháp dạy học thông qua tổ chức trò chơi học tập, học tập theo nhóm, đố vui toán học, dạy học gắn liền với đời sống thực tế, áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn,... nhằm nâng cao hứng thú học tập, phát huy tính tự học và phát triển tư duy của HS.

Nhờ những thay đổi ấy, HS có sự tiến bộ trong học tập, hạn chế hiện tượng sợ học môn Toán và tạo không khí lớp học trở nên sôi nổi hơn. Cùng với đó, HS hăng hái phát biểu, làm bài tập và tích cực xây dựng bài, góp phần nâng tỷ lệ HS khá, giỏi, giảm tỷ lệ HS yếu, kém tại những lớp cô giảng dạy. Đặc biệt, thông qua những thay đổi phương pháp giảng dạy của cô, HS còn rèn luyện được tư duy độc lập và khả năng làm việc nhóm.

Cô Thu chia sẻ: “Trong quá trình dạy học, tôi thực hiện đan xen nhiều biện pháp, hình thức khác nhau, góp phần khơi dậy khả năng tư duy tích cực, chủ động độc lập, sáng tạo phù hợp với đặc điểm của môn Toán. Trong đó, tôi tâm đắc phương pháp cho HS học nhóm. Nhờ vậy, HS được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề được giao. Từ đó, các thành viên trong nhóm có thể nhận thêm thông tin từ bạn bè qua các quan điểm khác nhau và phát triển các kỹ năng giao tiếp, góp phần tạo sự gắn bó trong học tập, hình thành và phát triển khả năng làm việc hợp tác. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng của người lao động tương lai”.

Quan tâm học sinh yếu

Bên cạnh thay đổi phương pháp dạy học, cô Thu còn đặc biệt quan tâm HS yếu. Trên lớp, cô luôn theo sát và thường xuyên đặt câu hỏi, cho bài tập phù hợp với khả năng các em. Khi các em trả lời và làm bài tập đúng, cô đều khen ngợi trước lớp. Những HS chưa tiến bộ, cô quan tâm hơn nữa và thường xuyên động viên. Cô thường xuyên đưa ra nhiều hình thức thi đua nhằm khuyến khích các em học tập, nhất là động viên tinh thần cho HS yếu tham gia.

Đặc biệt, cô còn dạy phụ đạo cho HS yếu. Tại lớp phụ đạo, HS được củng cố, bổ sung kiến thức theo đúng năng lực và tự tin nói ra những suy nghĩ, hiểu biết của mình mà không cần sợ sai. Nhờ vậy, các em tiến bộ và rèn luyện khả năng tự tin hơn khi học toán.

Cô Thu chia sẻ thêm: “Để giúp HS yếu tiến bộ hơn, tôi thường trò chuyện cùng các em, nghe các em nói lên tâm tư, nguyện vọng và sở thích của mình. Từ đó, hiểu được khó khăn của các em ở đâu để có biện pháp giáo dục phù hợp. Thông qua cuộc trò chuyện đó, tôi giải thích cho các em biết sự cần thiết của việc học; đồng thời truyền đạt kinh nghiệm cho các em: Nắm chắc lý thuyết, sau đó mới làm bài tập, bài tập phải tự làm, trong các trường hợp bài khó, phải cố gắng suy nghĩ tìm cách làm cho bằng được, không bỏ cuộc, có thể hỏi bạn bè, thầy cô hoặc tham khảo thêm ở sách giải nhưng không được chép bài của bạn hay chép từ sách giải; cố gắng làm hết bài tập trong sách giáo khoa, có thể tìm thêm bài tập khác để giải; trong giờ học phải tập trung chú ý, về nhà phải học bài cũ, xem trước bài mới để bảo đảm việc tiếp thu bài mới ở lớp tốt hơn; có vấn đề nào không hiểu phải hỏi ngay để được nghe thầy, cô giải thích;...”.

Ngoài ra, cô Thu còn trao đổi với phụ huynh, nhằm tăng cường sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ nhà trường để cùng giáo dục các em tốt hơn. Nhờ sự nhiệt tình và tâm huyết với HS yếu của cô, các em dần có sự tiến bộ trong học tập. Các em tập trung, chú ý hơn trong giờ học và tích cực phát biểu khi biết. Cùng với dạy kiến thức, cô còn quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách mỗi HS. Thông qua các bài học, cô kể những câu chuyện thực tế, nêu gương để HS tự rút ra bài học kinh nghiệm, đạo đức. Đồng thời, bản thân cô cũng luôn gương mẫu, gần gũi và thương yêu HS để các em học tập và noi theo.

Với sự nỗ lực, tâm huyết và cống hiến của mình, cô Thu được ghi nhận với những thành tích nổi bật: Nhiều năm liền là Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, bằng khen của UBND tỉnh năm học 2010-2011, 2012-2013, 2015-2016 và được phong tặng Nhà giáo ưu tú năm 2017./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích