Tiếng Việt | English

29/04/2024 - 05:15

Hồi ức hào hùng trên sông Vàm Cỏ Tây

Vĩnh Hưng là huyện có nhiều sông, rạch, trong đó sông Vàm Cỏ Tây, đoạn chảy qua xã Tuyên Bình như một “chứng nhân” của nhiều sự kiện lịch sử chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước hào hùng của Nhân dân huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An nói riêng và người dân Đồng Tháp Mười nói chung.

Sông Vàm Cỏ Tây, đoạn chảy qua xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng từng chứng kiến nhiều chiến công oai hùng của quân, dân ta

1. Trong sách Vĩnh Hưng - Lịch sử truyền thống cách mạng được xuất bản tháng 11-1999 dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy Long An, do nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kiến Tường - Trần Ngọc Nhóm và nguyên Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Hưng - Nguyễn Thanh Liêm cùng thực hiện, có đoạn chép: “Sông Vàm Cỏ Tây chạy dài đến sông Lò Gạch, cặp sông Long Khốt ra Bình Châu, chạy qua vùng Tâm Son về tỉnh Soài Riêng, từ trung tâm huyện Vĩnh Hưng về Mộc Hóa, đến thị xã Tân An về sông Soài Rạp. Cuối thế kỷ 18, sông Vàm Cỏ Tây đường nước quanh co, cỏ cây rậm rạp, đất đai sình lầy đến lúc mưa lụt, nước đầy tràn ngập, trên đất liền đi thuyền cũng được”.

“Tên tuổi của sông Vàm Cỏ Tây từ nhà ông Cả Bảy, đến Chùa Nổi, Rạch Bay, Đầu Sấu, Cả Rưng, kinh Kháng Chiến ngày nay là kinh Ngang, xã Vĩnh Đại v.v… đã đi vào lịch sử kháng chiến của quân dân Nam bộ. Bởi nơi đây đã từng là căn cứ của các cơ quan cấp Xứ của Nam Bộ trong những năm 1947-1950-1951. Khi thực dân Pháp chiếm đóng, Nhân dân ta lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”, cuộc sống lại thêm muôn vàn khó khăn và điêu đứng”.

Sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh loạn lạc, ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng ngày nay, khi nhắc về quá khứ, ông Nguyễn Văn Lanh (ấp Rạch Đình, xã Tuyên Bình) vẫn kể lại rành mạch những năm tháng bị bọn thực dân Pháp áp bức: “Bọn chúng đi tàu dưới sông, cứ đến nhà nào là nó lùa quân lên đốt nhà, cướp gà, cướp heo, cướp gạo lúa của bà con. Bởi khi gặp tàu Pháp tới là người dân phải chạy vào rừng trốn”.

Không riêng ông Lanh, ông Nguyễn Văn Nhành ở cùng địa chỉ, may mắn sống sót sau mấy mươi năm tham gia cách mạng. Ông nhiều lần bị địch bắt giữ, đánh đập dã man. Năm nay, ông đã 84 tuổi. Nhớ về lứa tuổi thanh thiếu niên đã tham gia cách mạng chống Pháp, ông Nhành tự hào: “Khi 10 tuổi, tôi đã tham gia làm giao liên, truyền tín hiệu, rải truyền đơn giúp bộ đội ta, đến Hiệp định Giơnevơ mới có lệnh ngừng bắn”. Chín năm dài đằng đẵng, trải qua bao khó khăn, gian khổ, bằng tinh thần chiến đấu quả cảm, cuối cùng, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký vào năm 1954, buộc Pháp chấm dứt chiến tranh miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, đất nước vẫn còn bị chia cắt thành hai miền, Nam Bộ vẫn nằm dưới sự thống trị của đối phương. Thời gian này, lợi dụng Pháp suy yếu, đế quốc Mỹ thực hiện dã tâm bằng việc đưa Ngô Đình Diệm về chuẩn bị lập chính phủ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam dưới sự can thiệp của khối liên minh quân sự Đông Nam Á do Mỹ lập ra. Nhân dân xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng tiếp tục chiến đấu kiên cường chống lại bọn đế quốc xâm lăng trong suốt 21 năm dài kháng chiến.

2. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều trận đánh lớn, nhỏ đã diễn ra khiến địch tiêu hao lực lượng. Quân số ta cũng tiêu hao nhưng với tinh thần thép, quân, dân ta không ngại gian khó, bằng vũ khí thô sơ vẫn có thể đẩy lùi bọn tay sai ngụy quyền. Là gia đình có truyền thống cách mạng, nhiều anh chị hy sinh trong kháng chiến và bị thương tật do chiến tranh, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Văn Nhành từng vào tù vì bị địch bắt giam trong những lần làm nhiệm vụ. Mang trên mình nhiều vết tích chiến tranh, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn tự hào khi kể về những trận đánh oanh liệt trên sông Vàm Cỏ Tây, đoạn chảy qua xã Tuyên Bình: “Đánh không biết bao nhiêu trận mà tôi ấn tượng nhất là trận Đầu Sấu. Một tiểu đội của chúng tôi chỉ 12 người đánh bại cả một trung đội mấy chục người của địch, làm chết 5 tên, bị thương nhiều tên địch khác và thu được 8 súng, còn vũ khí hạng nặng không lấy được. Đó là trận đánh mà tôi tự hào nhất trong cuộc đời làm cách mạng”.

Sông Vàm Cỏ Tây, đoạn chảy qua xã Tuyên Bình còn là “nhân chứng” của trận đánh bại tiểu đoàn “Trâu điên” của địch nhằm giữ vững tuyến hành lang chiến lược từ biên giới xuống Khu 8. Trong trận này, du kích Tuyên Bình tiêu diệt và làm bị thương 17 tên địch, thu 20 súng các loại. Cùng tham gia đánh Mỹ trong giai đoạn này, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Phiên (SN 1941) trí nhớ đã giảm do tuổi cao nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về chiến tích, ông hồi ức về trận đánh cuối tháng 12-1967. “Lúc đó có hai tàu chiến của địch chạy lên tới Đầu Sấu, trên này quân ta có sự chuẩn bị và dưới sự chỉ huy của Tỉnh đội Kiến Tường, quân ta đánh hư một tàu chiến của địch còn nằm lại trên rừng tràm” - ông Phiên kể.

Cũng như nhiều cựu chiến binh khác, ông Nguyễn Văn Lanh đang hưởng chế độ bị địch bắt tù đày, tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi, từng chứng kiến thực dân Pháp đô hộ trên quê hương, ông đem lòng căm hận, cùng các anh chị tham gia chiến đấu chống lại ách thống trị của bọn tay sai và đế quốc Mỹ. Ông Lanh cho biết: “Gia đình có 5 anh chị em đi đánh giặc, có 2 người hy sinh. Hồi đó lớn lên mà không cho đi đánh giặc là giận lắm, tìm cách trốn đi theo các anh chị để được góp sức bảo vệ quê hương. Hồi đó không sợ chết chóc là gì, chỉ sợ không được đi đánh giặc thôi”. Hiện ông Lanh là tấm gương sáng cho con, cháu noi theo. Vượt qua mọi khó khăn, các con, cháu của ông đã trưởng thành và học tập thành tài, nhiều người trở thành y, dược sĩ công tác trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng và các tỉnh, thành phố phố lớn, góp sức cùng thế hệ hôm nay gìn giữ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Sông Vàm Cỏ Tây, đoạn chảy qua xã Tuyên Bình trải qua hàng chục năm chiến tranh khói lửa với hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ, vẫn giữ một khí thế hiên ngang, góp sức cùng quân, dân ta đánh bại kẻ thù. Con sông trở thành “nhân chứng” lịch sử sống mãi với thời gian./.

Minh Mãi

Chia sẻ bài viết