Đáng nói, loại tội phạm này đang len lỏi sâu đến tận nơi làm việc, phòng trọ của lao động nghèo gạ gẫm, mời chào... khiến cuộc sống của họ vốn khó khăn nay càng cùng cực trước áp lực cơm áo gạo tiền và cõng thêm lãi suất tiền vay.
Nhắm mắt làm liều
Điển hình là trường hợp của chị N.N.L (công nhân may mặc, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) phải vay nặng lãi vì không có tiền chi trả bệnh tật. Chị L. là mẹ đơn thân, đang nuôi con gái học lớp 9. Chị sống cùng ba mẹ và con của người em gái đã mất; bố chị L. đi làm thuê quanh xóm, tháng được chừng 3 - 4 triệu đồng, còn mẹ chị L. bán hủ tiếu, thu nhập không ổn định.
Tháng 7/2021, chị L. phải nghỉ việc vì dịch Covid-19. Đến tháng 10/2021, thời điểm TP.HCM bắt đầu nới lỏng quy định giãn cách xã hội, cả nhà chị mừng rơi nước mắt vì sẽ có việc làm. Chị tìm ngay được một công việc ở công ty chuyên về phân bón gần nhà. Nhưng mới đi làm được 10 ngày, chị L. bị tai nạn lao động, hóa chất dính vào mắt khiến mắt chị L. ngày càng mờ và phải trải qua 2 lần mổ với tổng chi phí tới 40 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc men… Số tiền này là gánh nặng cho cả nhà chị.
Chẳng đặng đừng, chị L. vay tiền của một người (ngụ H.Bình Chánh) 17 triệu đồng, trả lãi suất 1,3 triệu đồng/tháng (hơn 7,6%/tháng), không xác định thời hạn mà đến khi nào trả đủ gốc thì dừng. “Tôi định mổ xong, ổn định lại thì đi làm trả nợ. Ai ngờ một mắt mù vĩnh viễn, mắt còn lại thì mờ, giờ chỉ bán được nước mía gần nhà. Tôi lúc nào cũng nghĩ mình là gánh nặng của gia đình”, chị L. kể.
Nhiều lần đến hạn nhưng chưa có tiền trả nợ, chị L. bị chủ nợ gọi điện chửi bới, mắng nhiếc. “Người ta chửi, nói những câu khiến mình đau lòng lắm. Tôi cũng muốn khỏe mạnh để đi làm trả nợ chứ không muốn thế này”, chị L. nói.
Cũng là mẹ đơn thân, chị H. (quê Trà Vinh) cho hay, chị đang nợ tới 3 bên cho vay những 8 năm ròng. Chị H. vay 3 ứng dụng: F., M., E., cứ vay tiền chỗ này trả nợ cho chỗ khác, nhưng không ngờ ngày càng lún sâu.
Nhà nghèo, có tật ở chân, chị H. lên TP.HCM làm công nhân công ty may ở Q.12. Đứa con lớn của chị H. đang học lớp 12 sống cùng bà ngoại ở dưới quê; còn đứa nhỏ ở trọ với chị. Công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên đơn hàng, nguồn thu giảm sút, lương chị ba cọc ba đồng. “Tôi vay là nhắm mắt làm liều chứ biết rủi ro lớn lắm, nhưng biết làm sao được”, chị H. nói.
Chị H. liên tục bị các số lạ nhắn tin, gọi điện yêu cầu đóng tiền góp
Chị H. kể, vay qua app F. 50 triệu đồng, nhưng số tiền thực chất nhận chỉ có 45 triệu đồng và tổng cả gốc lẫn lãi phải trả là 95 triệu đồng, trả trong 3 năm (trả lãi hơn 16 triệu đồng/năm).
“Ban đầu họ (phía cho vay) hứa hẹn cho vay không thu phí, lãi thấp, không khủng bố, không gọi người thân. Nhưng rồi họ trừ mất 5 triệu đồng nói là tiền hồ sơ. Trước hẹn trả lãi mấy ngày là họ gọi hàng trăm cuộc bất kể giờ giấc. Cứ chặn số này thì số khác gọi. 8 năm làm được bao nhiêu đều để trả nợ. Giờ cứ mỗi lần gần tới ngày đóng tiền lãi là tôi thức trắng đêm, đứa con cứ hỏi sao mẹ chưa ngủ... Nhiều khi tuyệt vọng vô cùng, không biết đời mình sẽ đi về đâu”, chị H. vô vọng và cho hay, không chỉ khủng bố mình, nhiều lần lỡ hẹn vì gồng nợ không nổi, bên cho vay gọi điện đe dọa cả người thân, bạn bè, công ty chị đang làm. “Người lạ đến nhà tôi ở tận quê, đe dọa cả mẹ già tôi, rồi nói bán hồ sơ vay của tôi cho xã hội đen”, chị H. nói và cho biết, trong công ty của chị, rất nhiều đồng nghiệp vay qua app, thậm chí có người bị tạt mắm tôm vào nhà.
Dọa chặt đầu cả gia đình
Chị V.T.X (công nhân ở Q.Bình Tân, TP.HCM; quê Đồng Tháp) gồng số nợ tới 60 triệu đồng. Theo chị X., chị phải nuôi 2 đứa con nên lúc đời sống khó khăn quá, chị hỏi vay từ công ty tài chính C. 20 triệu đồng, đóng lãi hơn 800.000 đồng/tháng (lãi 4%/tháng). Đóng được 7 tháng tiền lãi thì công ty chị X. làm việc tạm ngừng sản xuất, chị mất việc, không kham nổi số nợ.
Lúc này, công ty C. dọa nạt chị X. nên chị sợ, xoay xở đủ kiểu để đóng tiền. Nhưng ai ngờ, sau 3 tháng, phía công ty C. bất ngờ tăng tiền lãi mỗi tháng lên 900.000 đồng, 1 triệu đồng, 1,2 triệu đồng... Tiền lãi tăng cao, mất khả năng trả nợ, đến nay chị X. liên tục bị bên cho vay “khủng bố” bằng việc đe dọa qua điện thoại. Gia đình chị ở quê cũng bị gọi điện thoại xúc phạm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Giọng chị X. run lên khi kể lại: “Sau đó, tôi bị cướp giật ĐTDĐ nên tôi chuyển sang dùng số khác. Bên cho vay không điện được, nên gọi về cho bố mẹ, anh trai tôi. Họ còn dọa sẽ chặt đầu cả nhà anh trai. Suốt nhiều tháng ròng, tôi không dám về quê vì sợ liên lụy gia đình”.
Tờ quảng cáo dán ở cột điện trước một nhà trọ đông công nhân tại Q.12, TP.HCM
Ngoài ra, chị X. còn vay tiền của một nhóm cho vay ở khu chị trọ với lãi suất cao ngất ngưởng. “Tôi vay 40 triệu đồng, trả lãi 5 triệu đồng/tháng (12,5%/tháng), cứ làm có tiền là gồng mình trả nợ”, chị X. cho hay.
Trường hợp của anh P.P.T (25 tuổi, quê Vĩnh Long) lâm vào cảnh tán gia bại sản vì nợ chồng nợ. Năm 2010, anh T. lên TP.HCM làm bốc xếp cho một nghiệp đoàn ở chợ đầu mối Thủ Đức, lương 15 triệu đồng/tháng. “Theo bạn bè rủ rê, tôi vướng vào một khoản nợ. Đúng lúc túng quẫn thì có nhiều nhóm nhắn tin mời gọi tôi vay nóng, thủ tục đơn giản. Tôi tin theo nên vay, ai ngờ toàn đụng tới các nhóm tín dụng đen, trong khi số tiền vay đã lên tới 400 triệu đồng”, anh T. nói và kể thêm rằng anh trả theo tháng, cứ vay 1 triệu đồng thì trả 1,2 triệu đồng/tháng với lãi suất 20%/tháng; còn trả theo ngày thì vay 1 triệu đồng, mỗi ngày đóng tiền lãi suất 10.000 đồng (tức mỗi tháng đóng lãi suất 30%). Anh T. chọn trả theo tháng, nhưng không thể nào kham nổi khoản trả trong khi số nợ ngày càng chồng chất.
“Tôi cũng năn nỉ nhưng bất thành, họ bắt đầu khủng bố. Ban đầu, họ liên tục gọi điện hăm dọa tôi. Sau đó, họ tìm tới tận nơi tôi làm, đe dọa ông chủ. Tôi nghỉ việc, không có việc làm, họ còn tìm tới chỗ tôi ở trọ để đe dọa”, anh T. nhớ lại.
Theo lời anh T., nhóm cho vay tìm đến mẹ anh T. để hăm dọa. Sợ hãi, thương con và bẽ mặt với bà con lối xóm, mẹ anh T. bỏ quê lên thành phố đi giúp việc với hy vọng kiếm tiền trả nợ. “Nhưng dịch bùng lên, cả nhà tôi thất nghiệp. Mẹ tôi về quê, bán miếng đất tổ tiên để lại để trả nợ cho tôi…”, anh T. nói.
Anh L.V.P (quê Sóc Trăng, công nhân ở KCN Tân Tạo, TP.HCM), gia đình làm nông, nghèo khó nên anh lên TP.HCM làm công nhân. Sau 10 năm quần quật làm việc, anh P. tích góp rồi cưới vợ, sinh con, nhưng hạnh phúc đi kèm với gánh nặng. Khi dịch Covid-19 bùng phát hồi năm ngoái, anh P. thất nghiệp nhưng giấu vợ, vay nặng lãi chừng 50 triệu đồng, nhưng lãi mẹ đẻ lãi con lên tới 120 triệu đồng. Mất khả năng trả nợ, bên cho vay đăng hình bêu rếu anh trên mạng xã hội. Thậm chí họ còn điện về khủng bố gia đình, họ hàng của anh. Anh P. bẽ bàng với bà con lối xóm, ba mẹ anh chạy vạy vay mượn nhiều nơi nhưng vẫn không đủ số tiền 120 triệu đồng, nên cuối cùng nhà vợ anh phải góp thêm để trả…
Theo Thanh niên