Tiếng Việt | English

03/10/2023 - 23:40

Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển

Gần đây, nhân sự kiện Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam và trước những thông tin tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công trên biển Đông, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại ráo riết tung ra những luận điệu xuyên tạc, cho rằng Việt Nam đang “đu dây” và sự lạc hậu về chính sách đối ngoại sẽ khiến Việt Nam khó giữ được các quan hệ an ninh với các “phên giậu láng giềng”.

Tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc

Trên các trang mạng xã hội, nổi cộm như Việt Tân, Chân trời mới, Hội anh em dân chủ,... và một số hãng truyền thông nước ngoài như RFA, VOA, RFI, BBC, Vietnam Times,... rầm rộ đưa tin, bình luận các sự kiện trên và xuyên tạc, xỏ xiên rằng “đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay là “đu dây”, “tự sát”, bị lệ thuộc, chi phối bởi các cường quốc. Rồi họ đưa ra "lời khuyên" Việt Nam nên bỏ chính sách quốc phòng “4 không” để nghiêng về phương Tây, gắn với thực hiện “dân chủ hóa Việt Nam””,...

Với các bài viết Việt Nam sẽ thế nào khi tiếp tục chính sách "đu dây" giữa Mỹ và Trung Quốc?, Lợi ích và tác hại của chính sách "đu dây", Đài Á Châu tự do đưa ra những nhận định hết sức hồ đồ rằng: “Chỉ nên xem "đu dây" là giải pháp tình thế, tạm thời, vì đó là sự khôn ngoan của kẻ yếu thế mà láu cá chứ không phải cách hành xử lâu dài của người thông minh”. Còn trang web của Việt Tân cũng không ngần ngại "ngậm máu phun người" khi cho rằng: “Lãnh đạo nhà nước Việt Nam không đu dây mà đang làm một việc tồi tệ hơn, đó là ôm chân Trung Cộng và lợi dụng lòng tốt của Mỹ với ý nghĩ rằng Mỹ đang cần sự ủng hộ của Việt Nam”... Rồi họ đưa ra “lời khuyên”, “chỉ đường” cho Việt Nam nên bỏ chính sách “4 không” để nghiêng về phương Tây, gắn với thực hiện “dân chủ hóa Việt Nam”, xem đây là giải pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Kiên quyết đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch

Những năm qua, Đảng ta không ngừng bổ sung, hoàn thiện quan điểm, phương châm của đường lối đối ngoại, đó là: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” (Đại hội VII của Đảng); “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế” (Đại hội IX của Đảng); “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” (Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng).

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu, rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Trước các diễn biến phức tạp của thời cuộc, quan hệ ngoại giao của Việt Nam đã góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước. Quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một số nước lớn tuy có lúc trải qua thăng trầm nhưng hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chảy chính. Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời, quyết tâm, kiên trì, kiên quyết giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Điều này luôn được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ.

Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, Việt Nam đang có quan hệ ngoại giao với 189 nước, trong đó, có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; có quan hệ kinh tế với trên 220 thị trường nước ngoài, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 quốc gia. Việc Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2022 đã khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng nâng cao. Do đó, việc cho rằng Việt Nam cần đi theo và dựa vào một bên để làm điểm tựa chống lại bên khác như một số “luận điệu rao giảng” chỉ là ảo tưởng, phi thực tế và vô căn cứ.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các cấp, các ngành cần chủ động phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm minh theo pháp luật đối với các hoạt động chống phá đường lối đối ngoại của Đảng ta; kiên quyết không để các thế lực thù địch, cơ hội tập hợp lực lượng, gây rối chính trị, làm mất an ninh, trật tự, gây rối loạn lòng dân, ảnh hưởng lợi ích đất nước. Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý các hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, Internet, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter,...), các cuộc hội thảo, hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội về những vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, đối ngoại,...; chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng thù địch, kích động, xuyên tạc, phá hoại đường lối đối ngoại đúng đắn, tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta./.

Cựu chiến binh Long An

Chia sẻ bài viết