Tiếng Việt | English

17/05/2023 - 09:44

Lãi suất giảm - Tín hiệu vui cho doanh nghiệp

Từ đầu tháng 5/2023, các ngân hàng (NH) lần lượt giảm lãi suất (LS) tiền gửi, lãi suất cho vay. Đây được xem là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp (DN). Mức LS huy động ở nhóm NH quốc doanh từ 5,1-7,2% tùy theo kỳ hạn và hình thức gửi. Ở nhóm NH tư nhân, cao nhất cũng chỉ ở mức 8,5%.

Cụ thể, Agribank giảm LS tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm. Vietcombank giảm LS tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng còn 4,6%/năm, kỳ hạn 3 tháng còn 5,1%/năm, LS từ 12 tháng trở lên được duy trì 7,2%/năm. Còn tại Vietinbank, LS kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống còn 4,6%/năm; từ 2 đến dưới 6 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống 5,1%/năm.

Trước đó, các NH tư nhân đã đồng loạt giảm LS tiền gửi tiết kiệm, đưa mức LS tiền gửi tiết kiệm từ 1-3 tháng về 4,3-5,5%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng trong khoảng 6,6-8,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 6,9-8,5%/năm.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, đã có 2 đợt điều chỉnh giảm LS NH. Hiện mức LS huy động ở nhóm NH quốc doanh từ 5,1-7,2%. Ở nhóm NH tư nhân, cao nhất cũng chỉ ở mức 8,5%. Nếu so với giai đoạn cao điểm cuối năm 2022, khi LS lên tới 12%/năm thì hiện tại, LS NH đã giảm rất mạnh. Theo thống kê của NH Nhà nước, từ đầu tháng 4 đến ngày 15/5/2023, đã có trên 24 NH thương mại giảm LS cho vay bình quân với khoảng 0,4%/năm. LS cho vay sản xuất dao động từ 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. LS vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 14%/năm.

Giảm LS để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn là cần thiết. Tuy nhiên, giảm đến mức nào, làm sao để hài hòa lợi ích của NH và DN lại là “bài toán khó”. Có ý kiến cho rằng, mức LS cho vay trên 10%/năm vẫn còn khá cao trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay khi nhiều DN đang đối mặt với việc thiếu đơn hàng sản xuất. Khó khăn chung của các DN là trong khi sức mua của thị trường giảm, số lượng hàng tồn kho lớn thì DN lại phải đối diện với các khoản vay đã đến hạn, nếu không có cơ chế xử lý thì nhiều DN sẽ chuyển sang nợ xấu. Và với mức LS trên 10%/năm, nhiều DN chưa dám vay để tái sản xuất, đầu tư dài hạn. Để giải quyết vấn đề này, NH Nhà nước tiếp tục thực hiện tốt các gói tín dụng ưu đãi của các NH thương mại đăng ký với quy mô khoảng 453.000 tỉ đồng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn LS tốt hơn. Hiện có 20 NH chủ động liên kết đưa ra gói tín dụng với LS ưu đãi từ 7-8% cho các nhóm ngành ưu tiên, gồm DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, thực hiện thông qua chương trình kết nối NH-DN. Đồng thời, NH Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các NH thực hiện đối thoại trực tiếp, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Việc giảm các mức LS điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, hướng tới giảm mặt bằng LS cho vay. Đây được xem là “đòn bẩy” cho DN sau một thời gian gặp khó khăn trong sản xuất. Việc giảm LS phải dựa trên cơ sở cân đối lợi ích giữa các bên. Khi LS huy động thấp, dòng tiền có xu hướng chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản,... Vì vậy, phải có những giải pháp để tiếp tục duy trì ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết