Tiếng Việt | English

01/09/2020 - 07:23

Phát huy hào khí Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2-9:

Long An đạt nhiều thành tựu trên lĩnh vực văn hóa - xã hội

Trong những ngày tháng Tám và hướng tới Quốc khánh 2-9, Long An tự hào là tỉnh lỵ đầu tiên “mở màn” cho phong trào khởi nghĩa tại miền Nam. Cuộc tiến công vừa là sứ mệnh lịch sử, vừa là kết quả sự quyết đoán, tài trí của lãnh đạo cách mạng thời kỳ đó. Tiếp nối truyền thống thế hệ cha anh, chính quyền và nhân dân Long An cùng nhau dựng xây quê hương ngày càng giàu, đẹp.

Không chỉ tại khu vực thành thị, cả ở các huyện vùng sâu, vùng xa, trường học cũng được đầu tư xây mới khang trang. Ảnh: Quế Lâm

Đi lên từ những khó khăn

Khi miền Nam vẫn còn nằm trong gọng kìm của giặc Pháp, đời sống người dân hết sức khó khăn, thiếu thốn. Khoảng năm 1888, tỉnh Tân An có 16 trường tiểu học với tổng số 568 học sinh, cứ 120 người dân mới có 1 học sinh tiểu học. Giai đoạn 1945-1954, Long An tồn tại song song 2 khu vực giáo dục (GD) khác nhau: Vùng do chính quyền tay sai quản lý và vùng kháng chiến. Thành tựu lớn nhất của GD thời điểm đó chính là phong trào bình dân học vụ. Đến giai đoạn 1954-1975, Tiểu ban GD (tiền thân Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)) của tỉnh được thành lập trong vùng giải phóng. Tại một số huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức thành lập được Phòng GD. Đó được xem là một thành tựu lớn trong công tác GD của ta trước ngày giải phóng.

Không chỉ tại khu vực thành thị, cả ở các huyện vùng sâu, vùng xa, trường học cũng được đầu tư xây mới khang trang. Ảnh: Quế Lâm

Tuy nhiên, đến ngày thống nhất đất nước, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 37.000 người bị mù chữ. Chính quyền và nhân dân đã ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống, đẩy mạnh GD, xóa mù chữ,... Sau 1,5 năm được giải phóng, Long An xóa hoàn toàn nạn mù chữ và được Quốc hội tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Song song với GD, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng. Khi còn hoạt động bí mật, các tờ báo: Chiến Thắng, Nhứt Trí, Hòa Bình Thống Nhất,… vẫn được phát hành dù trong điều kiện hết sức khó khăn và hạn chế về số lượng. Có giai đoạn, tờ báo in trên khổ giấy học trò, mỗi kỳ ra được 4 trang nhưng báo vẫn được duy trì nhằm thực hiện công tác tuyên truyền. Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), đội ngũ làm công tác báo chí của Kiến Tường, Phân khu 2, Phân khu 3 đã có những đóng góp quan trọng cho thắng lợi của chiến dịch.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Báo Long An và Đài Phát thanh - Truyền hình Long An đã góp phần đáng kể trong công tác phục vụ bạn đọc, khán, thính giả. Cũng trong thời gian đó, hoạt động sáng tác văn học có bước phát triển mạnh mẽ. Phong trào đọc và làm theo sách, báo được hình thành. Từ đó, người dân có điều kiện để học tập, tiếp cận thông tin ngày một tốt hơn.

Hình thành gắn liền với khí phách vùng đất Nam bộ, người dân Long An coi trọng sự hòa thuận, đầm ấm trong gia đình. Dẫu khó khăn, người dân vẫn giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp trong đạo đức, lối sống. Đó là nền tảng giúp phong trào xây dựng đời sống văn hóa sau này phát triển một cách mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu.

Phát huy truyền thống đáng tự hào

Sau ngày “Nam Bắc một nhà”, phát huy truyền thống của thế hệ cha anh, chính quyền và nhân dân Long An nỗ lực xây dựng quê hương. Tỉnh luôn quan tâm đầy đủ, kịp thời người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, giúp họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thông qua nhiều chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề,…

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách, tỉnh còn chú trọng xã hội hóa trong các hoạt động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo,… đặc biệt là chương trình của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang khởi xướng và mạnh thường quân đồng hành hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, trường học, bệnh viện, nước sạch, di tích văn hóa - lịch sử, hỗ trợ bò giống, nhà ở cho hộ nghèo,…vùng biên giới, vùng khó khăn với số tiền trên 600 tỉ đồng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo niềm tin, sự phấn khởi cho người dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm dần qua từng năm. Hiện nay, tỉnh chỉ còn 1,52% hộ nghèo; cơ bản không còn gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Công tác trẻ em, người cao tuổi, bình đẳng giới và các vấn đề xã hội cũng được tập trung thực hiện tốt.

Khi kinh tế dần phát triển, công tác GD trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu. Nhiệm kỳ qua, lĩnh vực GD&ĐT có sự chuyển biến tích cực, toàn diện. Bằng nhiều phương thức từ nguồn vốn ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học được tăng cường đầu tư, trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới đạt 50,5%. Không chỉ tại khu vực thành thị, các địa phương vùng sâu, vùng xa, trường học cũng được đầu tư xây mới khang trang. Trang thiết bị dạy và học từng bước được trang bị đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh vùng khó khăn được dạy và học một cách tốt nhất.

Nhờ vậy, công tác phổ cập GD được thực hiện tốt. Hiện tỉnh hoàn thành phổ cập GD mầm non, tiểu học và THCS. Toàn tỉnh có 83% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Công tác xã hội hóa GD được thực hiện tốt, nhất là các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và đầu tư phát triển GD. Trình độ dân trí ở các huyện vùng sâu, vùng biên giới được nâng lên. Học sinh, sinh viên thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ, tạo điều kiện học tập.

Hiện tỉnh có 95% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Ảnh: Quế Lâm

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao, đến nay đạt 91,54%. Hoạt động của hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Ngoài Bệnh viện (BV) Đa khoa Long An và các BV khu vực ở Hậu Nghĩa, Cần Giuộc và Đồng Tháp Mười, hệ thống trung tâm y tế huyện cũng được đầu tư xây dựng khang trang, đầy đủ trang thiết bị. Đề án “BV vệ tinh” giúp các BV trong tỉnh, đặc biệt là BV Đa khoa Long An tiếp nhận nhiều kỹ thuật chuyên môn cao, góp phần nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ. Mới đây, BV Sản Nhi Long An chính thức đi vào hoạt động, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về y tế được quan tâm. Xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế hiện đạt 95%. Đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế được tăng cường. Mục tiêu đến cuối năm 2020, cứ 1 vạn dân trong tỉnh sẽ có 8 bác sĩ. Không chỉ chăm sóc sức khỏe mà công tác phòng, chống dịch bệnh cũng luôn được quan tâm. Ngành Y tế tỉnh kiểm soát, kiềm chế tốt các dịch bệnh. Khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành Y tế cùng với cả hệ thống chính trị kiểm soát tốt tình hình. Đến nay, tỉnh chưa ghi nhận ca mắc Covid-19.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh ngày càng đi vào thực chất. Toàn tỉnh có 97,3% hộ được công nhận gia đình văn hóa, 97,5% ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa và 125/188 xã đạt chuẩn văn hóa, phường, thị trấn văn minh đô thị. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Phong trào xây dựng xã văn hóa, xã nông thôn mới giúp bộ mặt nông thôn các địa phương thay đổi tích cực. Đường sá, trường học, trạm y tế,… khang trang hơn, cảnh quan môi trường được bảo đảm, an ninh, trật tự ổn định.

Ngoài ra, tỉnh còn đặc biệt chú trọng công tác phát triển du lịch. Những năm qua, tỉnh triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, khai thác những tiềm năng nhằm đưa Long An trở thành điểm đến thú vị đối với du khách. Nhiều biện pháp thiết thực được triển khai nhằm quảng bá hình ảnh Long An như tham gia hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thiết kế logo, khẩu hiệu du lịch, ra mắt thí điểm Cổng thông tin điện tử và Ứng dụng du lịch thông minh,...

Trong bối cảnh hội nhập và công nghệ phát triển mạnh mẽ, tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính, đạt kết quả bước đầu. Bên cạnh đó là công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp, chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ thiết bị và năng lực cạnh tranh của tỉnh được nâng cao.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân, tỉnh chú trọng thực hiện tốt quy định của Luật Tiếp cận thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp, truyền tải những thông tin chuẩn xác, kịp thời đến với bạn đọc, người dân. Nhờ vậy, hoạt động báo chí trong tỉnh ngày càng đa dạng, chuẩn xác, kịp thời. Các thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Long An đạt hiệu quả tích cực, góp phần đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

75 năm trôi qua nhưng hào khí Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 như vẫn âm vang. Truyền thống anh dũng, kiên cường vẫn được lưu giữ, phát huy. Mỗi giai đoạn lịch sử có những khó khăn, thách thức khác nhau nhưng tiếp nối truyền thống hào hùng của thế hệ cha anh, chính quyền và người dân Long An tự hào đã gặt hái nhiều kết quả trong quá trình xây dựng quê hương. Thách thức sẽ còn nhiều, tuy nhiên, với quyết tâm chung và sức mạnh tập thể, tin rằng, Long An sẽ ngày càng xứng đáng với truyền thống 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”./.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa

Chia sẻ bài viết