Tiếng Việt | English

21/06/2022 - 08:22

Lòng đam mê của 2 thế hệ

Tiết mục Mẹ anh hùng là 1 trong 3 tiết mục đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia năm 2022. Tiết mục do tài tử Trung Kiên và tài tử Huỳnh Lý thể hiện. 2 tài tử thuộc 2 thế hệ nhưng lại có một điểm chung hết sức đặc biệt là sự đam mê dành cho nghệ thuật ĐCTT.

Tài tử Trung Kiên (ảnh: NVCC)

Tài tử Trung Kiên (ảnh: NVCC)

1. Tài tử Trung Kiên tên thật là Huỳnh Thị Kiên, sinh ra và lớn lên ở xã Hưng Điền A, huyện Tân Hưng. Cô có 44 năm theo đuổi nghệ thuật ĐCTT. Đam mê văn nghệ từ nhỏ, mỗi ngày, cô đều lắng nghe các bài ca được phát trên chương trình phát thanh và lẩm nhẩm học theo. Năm 12 tuổi, cô tham gia đội văn nghệ của địa phương khi bản thân chưa biết gì về giai điệu. Tuy nhiên, cô lại có khả năng cảm âm, học theo bài hát khá tốt. Chính vì vậy, cô nhanh chóng trở thành nòng cốt của câu lạc bộ và bắt đầu mối duyên nợ với ĐCTT.

Trải qua mấy mươi năm, với nhiều thăng trầm trong cuộc sống, cô chuyển chỗ ở cũng đôi lần nhưng dù chuyển đến đâu, cô cũng liên hệ được với câu lạc bộ văn nghệ ở nơi đó để sinh hoạt và tham gia các hội thi từ huyện đến tỉnh. Nhờ vậy, tài tử Trung Kiên được nhiều người trong giới đờn ca biết đến.

Tài tử Trung Kiên kể, mấy mươi năm theo đuổi ĐCTT, cô chưa từng qua một trường lớp ĐCTT chuyên nghiệp nào. Hầu hết dựa vào tiếng đờn để điều chỉnh giọng ca, luyến láy cũng hoàn toàn dựa vào năng khiếu và kinh nghiệm cá nhân.

Tài tử Trung Kiên nói: “Tôi không có nhiều thời gian nên không thường xuyên tham gia sinh hoạt, tập luyện cùng các anh chị em, nhưng vì đam mê nên tôi quyết lòng theo đuổi. Tôi tự học bài ca mới rồi thỉnh thoảng đến nhờ các anh chị nghe và chỉnh sửa giúp”.

Với cô, đứng trên sân khấu là một niềm hạnh phúc. Khi đó, cô tự mình hóa thân thành nhân vật, toàn tâm toàn ý cho tiếng đờn, bài ca của mình, diễn hết khả năng. Có lẽ nhờ vậy mà hình ảnh người mẹ trong tác phẩm Mẹ anh hùng đã khiến khán giả xiêu lòng, xúc động. Hình ảnh người mẹ mặc bộ bà ba đen cùng cô con gái mặc bộ áo dài trắng với mái tóc dài thướt tha trên nền hình ảnh những người mẹ Việt Nam anh hùng đã gây ấn tượng mạnh cho người xem.

Tài tử Trung Kiên kể, cầm bài ca trên tay, cả cô và Huỳnh Lý đều rất lo lắng vì đó là bài ca mới và 2 người chưa từng làm việc cùng nhau trước đây, những khó khăn do chưa hiểu ý nhau là khó thể nào tránh khỏi. Hai tài tử chỉ có không đến 10 ngày tập luyện cùng nhau. Đó thực sự là một thử thách không nhỏ. Tài tử Trung Kiên giải thích: “Trong nghệ thuật ĐCTT, có những chữ yêu cầu luyến láy, nếu ca không “chín”, chữ sẽ bị “phô”. Dù chỉ một lỗi cũng ảnh hưởng đến chất lượng cả bài ca”. 

Tuy nhiên theo cô, có một may mắn là cả cô và Huỳnh Lý đều có tinh thần cầu tiến, học hỏi, sẵn sàng lắng nghe góp ý, chỉnh sửa từng lời ca, ánh mắt để có được sản phẩm hoàn thiện nhất. Cô kể: “Chỉ riêng phần điệu bộ biểu diễn trên sân khấu, tôi với Lý thay đổi gần 10 lần, đến sát giờ dự thi vẫn thay đổi. Chúng tôi không ngại khó, chỉ mong xây dựng được sản phẩm hoàn hảo nhất”.

2. Có lẽ đó chính là điểm chung của 2 tài tử và cũng là nguyên nhân chính giúp Mẹ anh hùng giành được Huy chương Vàng. Dù thuộc 2 thế hệ khác nhau nhưng tài tử Trung Kiên và tài tử Huỳnh Lý gặp nhau ở chính niềm đam mê và quyết tâm theo đuổi đam mê dù khó khăn, vất vả.

Tài tử Huỳnh Lý là giáo viên, hiện công tác tại xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa (ảnh: NVCC)

Tài tử Huỳnh Lý là giáo viên, hiện công tác tại xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa (ảnh: NVCC)

Huỳnh Lý là giáo viên, hiện công tác tại xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa. Chị Lý kể, gia đình không ai theo nghệ thuật nhưng đặc biệt yêu thích cải lương, tài tử. Chị Lý yêu thích bộ môn ĐCTT từ nhỏ có lẽ phần nhiều do ảnh hưởng của gia đình. Khi lớn lên, thông qua Internet, chị Lý tìm nghe các bài ca, học cách hát và đăng ký tham gia lớp ĐCTT do Nhạc viện TP.HCM mở. Cô sinh viên năm 2 Huỳnh Lý chính thức bước chân vào nghệ thuật ĐCTT. Với chị Lý, tham gia lớp học tại Nhạc viện để có thể hiểu rõ về ĐCTT từ gốc rễ.

“Nhờ đăng ký học tại Nhạc viện, tôi thấy mình có nhiều động lực để cố gắng. Trước đó, tôi chỉ biết hát vọng cổ. Tham gia lớp học, tôi hiểu về giai điệu, cảm nhận được nhiều hơn, biết nhiều bài bản hơn” - Huỳnh Lý chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm, chị Lý vẫn theo học lớp tại Nhạc viện, chỉ đến khi về quê công tác, Huỳnh Lý mới dừng tham gia lớp sau suốt 6 năm dài theo đuổi. Về quê, công tác tại biên giới xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn cũng không khiến cô giáo trẻ Huỳnh Lý từ bỏ đam mê ĐCTT. Mỗi tuần đôi ngày, sau giờ dạy, chị Lý từ Thuận Bình về TP.Tân An tham gia lớp ĐCTT do Nghệ nhân ưu tú Hồng Cúc mở vào buổi tối rồi lại tất tả trở lại trường cho kịp giờ dạy hôm sau.

Mẹ anh hùng là 1 trong 3 tiết mục đoạt Huy chương Vàng của đoàn Long An

Mẹ anh hùng là 1 trong 3 tiết mục đoạt Huy chương Vàng của đoàn Long An

Ở nhà dù không ai theo nghệ thuật nhưng rất ủng hộ Huỳnh Lý theo đuổi đam mê. Thấy chị Lý vất vả, gia đình xót xa nhưng cũng không ngăn cản, chỉ động viên chị nếu yêu thích thì cứ mạnh dạn làm. Ngày nhận được tin tiết mục Huỳnh Lý biểu diễn đoạt Huy chương Vàng, cả nhà như vỡ òa trong niềm vui xen lẫn tự hào.

Huỳnh Lý kể: “Biết tôi đoạt Huy chương Vàng, cả nhà vui lắm. Tôi thì cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy niềm vui của cha mẹ. Đó là kết quả từ sự cố gắng của cả tập thể bởi tôi đã nhận được rất nhiều sự hướng dẫn của các cô chú trong đoàn trong quá trình tập luyện và biểu diễn. Ngoài niềm vui đoạt giải thưởng, tôi còn vui khi nhận được sự quan tâm của các cô chú dành cho mình”.

Liên hoan ĐCTT quốc gia đã khép lại nhưng niềm vui dường như vẫn còn đọng lại trong mỗi tài tử, nghệ nhân. Thành tích đó như động lực, giúp các tài tử tiếp tục theo đuổi đam mê, giữ gìn và phát huy nghệ thuật ĐCTT - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết