Tiếng Việt | English

19/10/2023 - 09:31

Muốn làm giàu, phải giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất

Mở lớp tập huấn để chuyển giao khoa học - kỹ thuật là cách ngành Nông nghiệp giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Tham gia lớp tập huấn, nông dân xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ được thực hành ngay trên đồng ruộng

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Đinh Thị Phương Khanh thông tin: “Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở mở 15 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với trên 450 học viên tham gia. Trong đó, 7 lớp đào tạo nghề phục vụ vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) với 210 học viên tham gia như nuôi tôm thẻ chân trắng ƯDCNC, trồng rau ƯDCNC, trồng lúa ƯDCNC; 8 lớp đào tạo nghề thường xuyên với 240 học viên tham gia như lớp nuôi ếch, trồng nấm rơm, trồng mai vàng, trồng mai chiếu thủy, trồng đậu phộng,... Nội dung các lớp dạy nghề xoay quanh kỹ thuật canh tác, chú trọng đến việc tăng cường phân bón hữu cơ, hạn chế phân bón hóa học, cách nhận biết sâu, bệnh, dịch hại,...”.

Xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ là một trong những địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hàng năm, xã phối hợp các đơn vị liên quan mở ít nhất 1 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hội Nông dân xã tiến hành điều tra tình hình thực tế ở địa phương, sau đó mới quyết định mở lớp học để tránh chạy theo số lượng, thành tích.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trinh Đông - Nguyễn Văn Thành cho hay: “Diện tích đất nông nghiệp của xã là 610ha, chủ yếu trồng lúa. Thông qua các lớp tập huấn, nông dân biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác lúa như chọn giống lúa cấp xác nhận, bón phân, xịt thuốc đúng lúc, đúng thời điểm,… Từ năm 2020 đến nay, bình quân hàng năm, xã mở 1 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, thu hút nhiều học viên tham gia”.

Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, lâu nay, nông dân vẫn chú trọng đến sản lượng hơn chất lượng sản phẩm. Điều này làm cho nông sản của tỉnh khó cạnh tranh ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc,... Do đó, nông dân cần thay đổi tập quán sản xuất, chú trọng đến chất lượng hơn sản lượng.

Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh - kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: “Hiện nay, tôi tham gia giảng dạy các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân. Qua đó, tôi thấy nhiều nông dân còn sản xuất theo kiểu truyền thống. Ví dụ, lúa phải thật là xanh, trong khi lúa xanh nhiều là bón thừa phân, tốn chi phí mà lúa dễ phát sinh bệnh. Hoặc nông dân đi thăm đồng nhưng chưa biết cách thăm đồng sao cho hiệu quả, thấy ruộng kế bên xịt thuốc, bón phân là làm theo. Chính vì vậy, nông dân tốn nhiều chi phí mà năng suất, chất lượng nông sản không đáp ứng được yêu cầu của thị trường”.

Xác định được tồn tại, khó khăn của nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đến việc mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp ngắn hạn. Đây là cách ngành Nông nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp trong tương lai. Tin rằng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhận thức của nông dân sẽ ngày càng nâng lên, góp phần đưa ngành Nông nghiệp tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết