Tiếng Việt | English

13/11/2024 - 16:30

Nâng chất công tác xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp

Thông tin từ Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Long An, thực hiện tốt Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020, hướng dẫn của TAND Tối cao về công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu CCTP, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh ban hành Nghị quyết lãnh, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2024, trong đó tập trung tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm và xem đây là tiêu chí đánh giá công chức cũng như là chỉ tiêu để xét thi đua khi kết thúc năm công tác.

Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh phối hợp Viện Kiểm sát tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp

Trong đó, TAND và Viện Kiểm sát nhân dân phối hợp lựa chọn các vụ án để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, khuyến khích lựa chọn những vụ án điển hình, tranh chấp xảy ra phổ biến ở địa phương, có tính chất phức tạp, đa dạng người tham gia tố tụng, có luật sư bào chữa cho bị cáo hoặc có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự; các vụ án có khả năng phát sinh tình huống tại phiên tòa; các vụ án trọng điểm hoặc bản án giải quyết vụ việc đó có khả năng được chọn làm án lệ.

Chánh án TAND tỉnh - Lê Quốc Dũng cho biết, để tổ chức các phiên tòa theo tinh thần CCTP, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, thẩm phán - chủ tọa phiên tòa, thành viên hội đồng xét xử, kiểm sát viên trao đổi, phối hợp lên kế hoạch hỏi, đối chất, công bố tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa bảo đảm nội dung hỏi các đương sự phải đi vào trọng tâm vụ án, nắm chắc các chứng cứ buộc tội, gỡ tội trong các vụ án hình sự cũng như đánh giá thận trọng từng chứng cứ của các bên đương sự giao nộp và các cơ quan, tổ chức cung cấp. Đặc biệt, chủ tọa phiên tòa chuẩn bị chu đáo kế hoạch điều khiển phiên tòa và kế hoạch xét hỏi bảo đảm theo đúng trình tự, thủ tục quy định, quyền phát biểu, quyền hỏi của đương sự, những người tham gia tố tụng khác và của kiểm sát viên tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án.

Theo thống kê của TAND tỉnh, đến hết tháng 8/2024, TAND hai cấp tỉnh tổ chức 279 phiên tòa rút kinh nghiệm. Trong đó, cấp tỉnh tổ chức 49 phiên tòa, cấp huyện 230 phiên tòa; có 15 phiên tòa trực tuyến hai cấp và 1 phiên tòa trực tuyến trong địa hạt cấp cao. Điểm nổi bật, hiệu quả trong các phiên tòa rút kinh nghiệm mang lại là nâng chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa. Theo đó, tại phiên tòa rút kinh nghiệm, chủ tọa phiên tòa điều hành phần tranh tụng theo đúng pháp luật tố tụng, yêu cầu đương sự, luật sư, những người tham gia tố tụng tranh luận đúng trọng tâm vấn đề cần giải quyết; kiểm sát viên chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm được diễn biễn, các tình tiết có liên quan đến vụ án, nắm chắc chứng cứ của vụ án, chuẩn bị đề cương xét hỏi, phát biểu luận tội, quan điểm đối đáp tại phiên tòa chặt chẽ, sắc bén, công khai, dân chủ. Đồng thời, kiểm sát viên chủ động, tích cực trong xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, cùng với hội đồng xét xử tìm ra sự thật khách quan của vụ án, không còn hiện tượng khi luận tội, kiểm sát viên chỉ phát biểu giữ nguyên quan điểm truy tố. Hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Ông Lê Quốc Dũng khẳng định, trên thực tế, tại các phiên tòa rút kinh nghiệm cũng như các phiên tòa hiện nay, chất lượng tranh tụng nâng lên rõ rệt. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia tranh luận, đối đáp với kiểm sát viên tích cực, chủ động bào chữa cho bị cáo; một số phiên tòa, luật sư còn đề xuất hội đồng xét xử trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân để điều tra bổ sung, làm rõ thêm các tình tiết có liên quan đến vụ án. Kết quả tranh luận được hội đồng xét xử quan tâm, ghi nhận và nhận định trong bản án, làm cơ sở cho việc đưa ra các phán quyết đúng, có căn cứ, đúng pháp luật. Sau phiên tòa, liên ngành Tòa án, Viện Kiểm sát đều tổ chức họp rút kinh nghiệm, qua đó góp phần củng cố, nâng cao kiến thức pháp luật và kinh nghiệm trong hoạt động xét xử. "Các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu CCTP trên địa bàn tỉnh đã phục vụ thiết thực chủ trương về CCTP theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính. Kết quả các phiên tòa hình sự, dân sự diễn ra đúng với nội dung, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ CCTP trên địa bàn tỉnh” - ông Lê Quốc Dũng cho biết./.

Nhật Minh

Chia sẻ bài viết