Tiếng Việt | English

14/03/2021 - 11:10

Ngày cô đơn bỏ lại...

Ngày em tám tuổi, sau khi trở về từ chuyến đi rừng cả tháng trời, bố em bỗng nhiên trở thành một người khác. Suốt ngày ông lẩm bẩm, thích lang thang khắp các ngõ ngách, ra ven sông nhặt nhạnh những thứ bỏ đi. Cuộc sống gia đình bỗng chốc đảo lộn. Mẹ em gầy rộc, khóc đến cạn nước mắt. Đám trẻ trong làng thấy bố em là hét toáng: Ông Bốn điên! Rồi chúng ê a bài vè “tự chế”: Nghe vẻ nghe ve, nghe vè ông Bốn/ ăn lông ở lỗ, chấy rận đầy người/ nghe vẻ nghe ve/ nghe vè ông Bốn, đi bằng bốn chân... Bố đứng nghe, chỉ cười ngơ ngẩn. Mẹ thở dài, em và anh Thức nhìn nhau im lặng. Nhiều năm, sự im lặng nặng nề làm em thấy mình cô độc.

Mẹ em khóc nức, tóc tai rũ rượi tuyệt vọng cầu xin. Không biết đã bao lần mẹ cam phận hứng chịu những cơn hoảng loạn của bố như thế.

- Mình ơi, đừng giết em, giết em rồi ai nuôi các con.

- Mày chết đi, mày là ai, là ai?

- Em là... vợ... vợ... mình!

Anh Thức phăm phăm nhào đến. Nhưng ngay lập tức bị bố đẩy ra góc nhà, đầu va vào cạnh giường. Máu túa ra. Anh lấy vội chiếc khăn quấn chặt ngang đầu, dồn hết sức lực của thằng con trai đang lớn, sấn lại túm tóc bố giật ngược và gào lên:

- Gã điên này, sao ông không chết quách đi?

Đôi mắt anh như có lửa. Bố đau quá thả lỏng tay. Mẹ em ngồi dậy được, đưa tay giằng tay anh, quát:

- Thức, thả ông ấy ra mau!

- Ông ta bại não rồi, là gã điên không hơn không kém.

Nói rồi, anh vùng chạy, máu thấm đỏ chiếc khăn.

Sau buổi học chiều, em đạp xe ngược dốc, những vòng xe thỉnh thoảng chững lại vì tuột xích. Mẹ và anh Thức lo quây cây rơm. Mưa lác đác rơi. Anh Thức từ trên cao đảo mắt nhìn quanh, hét vào tai em:

- Thi, bố đâu?

Em hoảng hốt chạy vào nhà. Chưa kịp nghĩ được gì đã thấy anh thở gấp gáp đứng ngay phía sau, gào lên tức tối:

- Ông ta lại ra sông rồi, nhanh lên, Thi...

Anh Thức đèo em gồng mình trong cơn gió ngược. Vòng xe khựng lại, bố em bẩn thỉu nằm vật trong đám rơm vàng hiu hắt. Anh thở dài, quay xe, lao theo hướng gió. Vết sẹo cuối chân mày đã khiến anh ngày một lì lợm. Đám trẻ trong làng nhiều lần bị anh cho ăn đòn vì cái tội lỡ lời châm chọc, sợ anh một phép. Những đêm trăng sáng nằm phơi mình trên võng, anh cứ đợi sao băng. Anh bảo “phải tìm cách gì đó đưa bố về, Thi à!”. Mẹ em nghe anh nói thì trầm ngâm, sự mệt mỏi và bất lực hằn lên đôi mắt quầng thâm. Nỗi buồn từ lâu đã chẳng gọi thành tên được nữa.

Ngày chuẩn bị lên cấp ba, anh nhất quyết không đi học nữa. Anh ra thủ đô hòa vào chợ người phố thị. Đó là nỗi buồn đè bẹp mẹ nhiều năm. Anh từng bảo, gia đình là nơi bình yên nhất nhưng lại là nơi anh ghét trở về.

*

*      *

Nhóc đã bao giờ hạnh phúc chưa? - anh Thức hỏi em sau bốn năm bố không còn hiện diện. Đám trẻ làng ham bắt dế sau trận mưa lớn đầu cơn bão đã không ngờ doi đất ven sông sẽ lở. Cũng may có ông Bốn điên mà gần cả chục đứa được đẩy lên bờ. Người làng tìm thấy bố không lâu sau đó, nhưng trái tim bố đã vĩnh viễn ngừng đập. Làng quê ai cũng sụt sùi, nhiều tiếng nấc nghẹn xót xa.

Anh ngồi lặng rít thuốc. Mùi thuốc lá hòa lẫn hương hổ phách thuộc về riêng anh. Đôi mắt lặng như nước kia vẫn thật đầy cám dỗ. Em biết, trái tim anh và cả em vẫn chưa thôi nhói buốt.

- Em đã từng hạnh phúc đấy. Là ngày em nhận giấy báo trúng tuyển vào trường Luật. Lúc bố “bỗng nhiên” tự tay cắt đi mái tóc dài bẩn thỉu mà cả mấy năm mẹ và anh không sao gội cho ông được, rồi khi bố thoăn thoắt sửa lại chuồng gà cho mẹ, nụ cười điềm đạm mà em ngỡ mẹ cũng đã quên chợt hiện diện trên gương mặt bố.

- Này nhóc, em là con gái cung hổ cáp à? Điểm hấp dẫn nhất là đôi mắt thăm thẳm và vẻ lạnh lùng đấy. Sao em không chịu yên ổn với một ai đó đi hả, đồ ngốc?

- Vậy còn anh?

- Con gái rất thích sự an toàn phải không? Chắc chưa nàng nào thấy an toàn khi bên anh cả.

Nhóc tin định mệnh không? - câu hỏi anh Thức đã hỏi em nhiều năm. Câu trả lời là có. Em đã từng mãnh liệt tin rằng sẽ có một mảnh ghép hoàn hảo cho em, từ cái nhìn đầu tiên em bắt gặp Quân. Em đã tin dù thế giới này có thay đổi ra sao, Quân vẫn sẽ lắng nghe em huyên thuyên, dỗ dành lúc em yếu đuối và sẽ luôn bảo vệ em. Nhưng Quân có quá nhiều những nỗi niềm sâu kín mà em không sao len vào được.

*

*      *

Em chưa bao giờ thấy trái tim tột cùng tê dại. Bố mất, em còn mẹ và anh Thức, rồi em có thêm người đàn ông em yêu. Khi Quân chọn đánh đổi em và địa vị cần có, anh Thức đã ôm em thật chặt, mẹ nấu nước lá gội đầu cho em, bảo em hãy đi chơi đâu đó cho khuây khỏa. Nhưng rồi em không thể gọi tên nỗi đau của mình khi biết tin anh Thức bị tai nạn trong đêm. Lúc điện thoại anh đổ chuông sau mười mấy cuộc gọi không liên lạc được, ngay khi giọng nói của người cảnh sát giao thông vang lên, em những tưởng tim mình bị ngàn mũi dao xiên thấu, ngừng đập và vỡ vụn. Hố mắt em khô chòng chòng. Bó tường vi anh mang tặng em nhân ngày sinh nhật lần thứ hai mươi sáu chỉ mới bắt đầu rủ xuống.

Hai năm sau ngày anh mất, những giấc mơ của em cứ ngập tràn giọng cười anh, dáng vóc anh, mọi thứ hiện diện thật gần. Em sẽ không thể viết giấc mơ của mình nếu không có anh. Tim em nhói lên mỗi lần tự tay nhuộm mái tóc trắng quá nửa của mẹ. Vòng xoáy công việc, tiền bạc cuốn em đến mệt nhoài, em chợt thấy linh hồn mình như đã bị đánh cắp thêm lần nữa. Em thực sự là một kẻ lữ hành cô đơn.

*

*      *

Nhiều năm nay, em hay tranh thủ làm việc và ngủ vùi ở một quán cà phê bệt quen thuộc vào những buổi trưa. Quán nhỏ quy mô gia đình, một ngày chỉ đón không quá hai mươi vị khách, đa phần là người thích không gian tĩnh lặng mà trở lại. Gần đây, có một chàng trai gương mặt thanh tú, vóc người cao lớn, nước da sáng chắc như đồng hay ghé quán đúng khung giờ của em. Lần đầu tiên anh ta đến quán, không biết thói quen của em nên đã quýnh quáng lay em dậy, đưa cốc nước ấm vào tay em với hàng tá câu hỏi. Thì ra anh ta sợ em ốm.

Lâu lắm em lại mới nhận tin nhắn vào đêm khuya. Dòng tin chúc ngủ ngon cùng biểu tượng mặt cười ngộ nghĩnh làm em bật cười./.

Mai Đình

Chia sẻ bài viết