Dịch bệnh phức tạp, tôi quyết định đưa con trai nhỏ về quê vừa để tránh dịch, vừa sum họp gia đình. Ngày trước, gia đình nhỏ của tôi chia đôi cũng vì kế sinh nhai. Tôi ôm đứa con trai vừa dứt sữa mẹ lên TP.HCM đi làm công nhân, còn vợ và con gái mới sinh ở lại quê nhà, ngày ngày vun trồng mảnh vườn nhỏ đắp đổi qua ngày. Rồi đại dịch bùng lên, công ty nơi tôi làm tuyên bố phá sản. Mất việc làm, tôi cố bám trụ lại thành phố nhưng sau vài tháng, số tiền dành dụm cũng cạn dần.
Ảnh minh họa: INTERNET
Tôi chạy vạy xin việc khắp nơi nhưng làm dăm ba bữa cũng nghỉ. Xin phụ quán cơm được ít hôm thì có lệnh giãn cách xã hội, chỉ được bán mang về, ai nấy ngại ra đường, hàng quán ế ẩm, công việc của tôi không thể duy trì. Vừa xin chạy Grab thì TP.HCM bắt đầu siết chặt hơn Chỉ thị 16, tôi lại thất nghiệp. Ông chủ nhà trọ có mở một xưởng may nhỏ, biết tôi từng học may ở dưới quê nên ông giúp đỡ bằng cách cho tôi chân đạp máy may để kiếm bữa cơm qua ngày. Rồi tiếp tục thực hiện không tập trung đông người, ông đành đóng cửa xưởng, tôi lại thành người thất nghiệp. Cuộc sống chốn thị thành chật vật, tôi bấm bụng về quê.
Ngày rời phố, trở lại quê nhà, tôi còn nợ ông chủ nhà hơn hai tháng tiền thuê trọ. Trong lúc loay hoay chưa biết kiếm đâu ra tiền để trả thì thấy ông đẩy cửa phòng trọ bước vào, trên tay cầm vài hộp sữa, ít ổ bánh mì và vài gói mì. Ông còn dúi vào tay con trai tôi vài trăm ngàn đồng và dặn:
- Đây là ông cho con, không phải cho ba con, con cất đi, đừng nghe ba con mà trả lại ông.
- Ông chủ, tôi còn nợ ông…
- Nợ gì mà nợ! Cậu ở nhà tôi cũng mấy năm rồi, khi tôi cần, cậu đều giúp này, giúp kia. Về quê rồi không biết khi nào gặp lại, có vài thứ coi như tôi cho cháu để ăn dần lúc về quê.
Trước lúc rời đi, ông ngoái đầu lại nhắc cha con tôi nhớ đi xét nghiệm vì giờ muốn qua mấy chốt phải có giấy kết quả âm tính.
Tôi dắt con xe cà tàng, gói ghém đồ đạc rời thành phố. Con xe cà tàng cứ thế trôi đi, hòa vào dòng người về quê trên con đường quốc lộ xa tít tắp. Vẫn là một cuộc hồi hương như khi hai cha con về quê dịp tết nhưng chuyến trở về lần này, không hiểu sao lại nặng nỗi niềm như thế!
Sau một quãng hành trình, cha con tôi dừng chân nghỉ ven đường, lúc này bỗng nghe tiếng tri hô “cướp, cướp”. Chỉ kịp nhìn thấy bóng đen vụt chạy trong đêm và một người phụ nữ í ới chạy theo. Các anh công an trực chốt truy bắt trong đêm, đưa tên cướp về đồn và trao trả lại chiếc túi nhỏ cho chị. Chị mở túi ra xem, mọi người nhìn thấy mà không khỏi xót xa, nghẹn lòng. Bên trong túi chỉ duy nhất một chiếc bọc đựng vài trăm ngàn đồng ít ỏi, được gói ghém cẩn thận. Chị nói, đã nhịn đói cả ngày, quyết không tiêu một đồng mà để dành về quê. Anh công an nghe vậy liền nói:
- Tôi sẽ đưa chị về, địa chỉ này đi xe chưa đến một tiếng đồng hồ là tới. Còn trước mắt, chị ăn gì lót dạ đã.
Nhiều người trong cuộc hồi hương ấy đã san sẻ cho chị gói bánh, bịch sữa. Con trai tôi đứng nhìn rất lâu những hình ảnh đẹp ấy. Chuyến hồi hương lần này sẽ giúp nó hiểu hơn về tình người trong lúc khó khăn. Rồi nó nhìn tôi, tôi gật đầu, nó lấy một hộp sữa dúi vào trong túi chị, chị cúi đầu như cảm ơn…
Ước chừng chiều là về tới nhà nên trưa, tôi bấm bụng mua hai hộp cơm cho hai cha con. Ngoài miếng sườn, chị chủ quán còn cho thêm cà rốt.
- Con ghét cà rốt quá ba ơi!
- Ăn đi con, cho no, giờ rau thiếu thốn, có cà rốt ăn là mừng rồi con à.
Giữa lúc hai cha con đang nói chuyện thì thấy một nam thanh niên trong bộ dạng gần như đói lả bước vào quán xin tô mì. Chị chủ nhìn bộ dạng tội nghiệp của anh liền bới một chén cơm. Người thanh niên cảm động, nói lời cảm ơn. Anh kể, đã nhịn đói suốt 2 ngày. Anh cũng hồi hương vì không thể bám trụ lại thành phố.
Lúc đầu, anh đi xe đạp về quê nhưng giữa đường xe hư, anh đành đi bộ. Nghe vậy, con trai tôi lấy hộp cơm của nó, chia cho anh một nửa, kể cả miếng sườn mà nó để dành. Hộp cơm của nó giờ chỉ còn ít cơm và mớ cà rốt mà nó ghét, nhưng khi nhìn “người lạ” ăn một cách ngon lành, tôi có cảm giác trong lòng nó đang thay đổi. Nó ăn một miếng cơm thật to và cà rốt rồi nhìn tôi cười thật tươi:
- Đột nhiên con thấy cà rốt cũng không quá tệ./.
Lê Hứa Huyền Trân