Việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể là yếu tố quan trọng hàng đầu để chế biến ra các suất ăn vừa bảo đảm dinh dưỡng, vừa hợp vệ sinh (ảnh minh họa)
Ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên
Thực phẩm có ĐTTN là loại thực phẩm bản thân có sẵn các chất độc, được chia làm 2 loại: Thực phẩm có nguồn gốc động vật như cá nóc, bạch tuộc đốm xanh, cóc, nhuyễn thể, mật cá,... và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như nấm độc, khoai tây mọc mầm, măng và khoai mì độc, củ ấu tàu, đậu, đậu phộng mốc, hạnh nhân đắng,...
Cà độc dược cũng được xem là món ăn độc. Hầu như năm nào cũng có một số trường hợp cấp cứu do ăn hoặc uống rượu ngâm cà độc dược. Những dấu hiệu phổ biến ở những bệnh nhân sau khi ăn cà độc dược là nôn ói, co giật, lảm nhảm,... Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần phân biệt con sam biển và so biển để phòng tránh ngộ độc, bởi trứng sam là một thức ăn ngon và bổ được ưa chuộng nhưng trứng so rất độc, ăn phải sẽ bị ngộ độc nguy hiểm. Chất độc giết người trong loài so biển là Tetrodotoxin, một chất cực độc giống độc tố của cá nóc. Độc tố này tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Hàng năm, vào thời điểm mùa xuân và đầu mùa hè thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng thực phẩm có chứa ĐTTN. Đặc điểm của NĐTP do ĐTTN là thời gian nung bệnh trung bình 2-4 giờ, lâu hơn so với NĐTP do hóa chất. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là hội chứng thần kinh kèm triệu chứng tiêu hóa. NĐTP do ĐTTN thường có số người mắc thấp nhưng số lượng người tử vong lại chiếm tỷ lệ cao.
Cà độc dược được xem là món ăn độc (Ảnh: Internet)
Để phòng ngừa NĐTP có ĐTTN, các chuyên gia khuyến cáo người dân không ăn cá nóc, bạch tuộc đốm xanh dưới bất kỳ hình thức chế biến nào kể cả đã nấu chín, cá khô, sấy hay làm mắm,... Không ăn các loại rau, củ, quả rừng lạ, chưa biết rõ nguồn gốc; chỉ sử dụng nấm khi biết chắc chắn nấm ăn được, tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm dại; không nên mua hoặc chế biến thức ăn từ những củ khoai tây đã mọc mầm hay vỏ đã chuyển sang màu xanh. Phơi khô, bảo quản tốt, tránh để các loại hạt ẩm mốc; không ăn những hạt đậu đã bị mốc, thâm đen. Nhựa cóc, gan, mật cóc có độc tố rất mạnh nên tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và các sản phẩm chế biến từ cóc. Tuyệt đối không sử dụng các loại cây, củ, con vật lạ để ngâm rượu,...
Bảo đảm an toàn bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố
Bếp ăn tập thể tại trường học, doanh nghiệp cung cấp suất ăn cho tập thể đông người và liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nhiều người một lúc nên việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) là điều cần thiết. Để bảo đảm ATTP bếp ăn tập thể, các trường học, doanh nghiệp cần quan tâm lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, bảo đảm điều kiện vệ sinh cơ sở, quá trình chế biến chú ý vệ sinh tay, dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; kiểm thực 3 bước và lưu mẫu theo Quyết định số 1246 của Bộ Y tế. Đặc biệt, thực hiện “ăn chín, uống chín”, ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín,... nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh, công nhân, lao động.
Cục ATTP khuyến cáo để bảo đảm ATTP, phòng tránh NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Thực hiện "ăn chín, uống chín". Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển. |
Quản lý bếp ăn Công ty (Cty) TNHH Dinsen, chi nhánh Long An (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) - Phạm Hoàng Việt Hải cho biết: “Việc bảo đảm ATTP là yếu tố quan trọng hàng đầu nên Cty áp dụng các biện pháp tối ưu nhất để chế biến các suất ăn vừa bảo đảm dinh dưỡng, vừa hợp vệ sinh, tuân thủ pháp luật và làm hài lòng khách hàng. Cty định hướng hoạt động theo tiêu chuẩn HACCP và ISO 22000. Nguyên, vật liệu khi nhập vào phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đều có ký kết hợp đồng trách nhiệm giữa bên mua với bên bán. Cty thực hiện quy trình bếp ăn 1 chiều; sử dụng 100% trang thiết bị là inox, được vệ sinh và sấy khô sau khi sử dụng; thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu theo Quyết định số 1246 của Bộ Y tế. Ngoài ra, Cty còn xây dựng phòng kiểm nghiệm thực phẩm bằng phương pháp test nhanh mỗi ngày để phòng ngừa mối nguy,...”.
Người tiêu dùng cần phân biệt con sam biển và so biển để phòng tránh ngộ độc (đuôi con sam có gờ mặt lưng rất rõ, hình tam giác) (Ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, việc bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố tại các quán ăn công cộng, gánh hàng rong, các loại nước uống tự pha chế,... mà đối tượng tiêu dùng là người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp, học sinh đang trở thành nỗi lo không những cho ngành chức năng mà còn là ẩn họa cho cả cộng đồng.
Để phòng ngừa NĐTP, người kinh doanh thức ăn đường phố phải hiểu biết về pháp luật, áp dụng các biện pháp bảo đảm ATTP như nơi bày bán phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; bày bán trên bàn, giá, kệ bảo đảm ATTP. Nguyên liệu chế biến có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh. Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh. Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Thời gian qua, một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã xảy ra nhiều trường hợp NĐTP dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Thời tiết nắng nóng, việc phát sinh các loại virút, vi khuẩn gây NĐTP là điều rất dễ xảy ra. Do vậy, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, mỗi người dân cần tích cực, chủ động kiểm tra và thực hiện tốt các biện pháp bảo quản thực phẩm để bảo đảm sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng./.
Để giảm thiểu nguy cơ NĐTP cần tuân thủ 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh ATTP:
1. Chọn thực phẩm an toàn. Chọn thực phẩm tươi. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, không làm đông đá lại.
2. Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.
3. Ăn ngay sau khi nấu. Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.
4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
5. Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại nhất thiết phải được đun nấu kỹ lại.
6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).
7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác.
8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau chén, đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn,... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
10. Sử dụng nguồn nước sạch, an toàn để chế biến thực phẩm.
|
Thùy Minh