Tiếng Việt | English

30/11/2022 - 20:30

Ngoại giao vắc-xin - bài học kinh nghiệm thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới

Chiều 30/11, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vắc-xin. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam cùng dự hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa dự.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và trực tuyến tới trụ sở UBND một số tỉnh, thành phố cùng các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nhắc lại, cách đây hơn 1 năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 138 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và chuyển trạng thái phòng, chống dịch bằng các biện pháp chuyên môn, nhất là vắc-xin. Thực tế chứng minh, quyết định này đã đúng và kịp thời, giúp Việt Nam kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt, kinh tế từ tăng trưởng âm hơn 6% trong quí III/2021 đã đạt tăng trưởng dương ở quí tiếp theo và quí sau cao hơn quí trước.

Hội nghị lần này nhằm nhìn lại những việc đã làm được cũng như chưa làm được thời gian qua trong ứng phó với đại dịch Covid-19, nhất là công tác ngoại giao vắc-xin. Từ đó, xác định nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để không chỉ áp dụng cho công tác ngoại giao vắc-xin mà tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

Tính đến ngày 11/9/2022, Việt Nam đã nhận hơn 258 triệu liều, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều vắc-xin, chiếm gần 50%, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23 ngàn tỉ đồng). Về trang thiết bị y tế, hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ các trang thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương 2 ngàn tỉ đồng).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa dự tại điểm cầu tỉnh Long An

Để có được kết quả này, các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã có hơn 130 cuộc điện đàm, tiếp xúc, trao đổi; gửi hơn 100 thư tới lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và tập đoàn sản xuất vắc-xin để vận động, thúc đẩy chuyển giao vắc-xin cho Việt Nam.

Có thể khẳng định, chiến dịch ngoại giao vắc-xin hết sức thành công, giúp “xoay chuyển tình thế”, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia “đi sau về trước” trong triển khai tiêm chủng, một trong những quốc gia quyết định chuyển chiến lược ứng phó với dịch bệnh sớm nhất tại khu vực, đưa Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao thứ 4 thế giới ở thời điểm đó.

Dù còn hạn chế về nguồn lực, nhưng Việt Nam lại sẵn sàng đóng góp trách nhiệm vào những nỗ lực chung của quốc tế, trở thành một trong ít nước đang phát triển đóng góp 1 triệu USD cho chương trình COVAX. Đồng thời, trong năm 2022, Việt Nam còn hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế cho nhiều nước gặp khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Tại Long An, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Y tế và các ngành liên quan phối hợp thực hiện việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 7 và 8/2021 đã triển khai tiêm ngừa cho 1.205 cá nhân là người nước ngoài hoạt động tại các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Long An. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ nguồn lực, trao tặng vật tư y tế như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn,… cho 2 tỉnh giáp biên giới Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia.

Dịp này, Chính phủ khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai công tác ngoại giao vắc-xin./.

Trà Long - Thái Bạch

Chia sẻ bài viết