Người nuôi gia cầm gặp khó do giá con giống, thức ăn tăng
Nuôi cầm chừng
Hơn 2 năm trở lại đây, giá bò thịt, bò giống liên tục giảm trong khi giá thức ăn lại tăng nên người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Trước đây, ông Võ Thanh Quang (xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa) nuôi khoảng 20 con bò thịt nhưng do giá bò thịt liên tục giảm từ 120.000 đồng/kg xuống còn 70.000 đồng/kg khiến ông càng nuôi càng thua lỗ nên phải giảm đàn. Ông Quang cho biết, trước đây, nuôi từ 18-20 con bò thịt và mỗi khi xuất bán có lợi nhuận từ 15-18 triệu đồng/con nhưng từ năm 2022 đến nay thì chỉ từ hòa vốn đến thua lỗ. Do đó, ông phải bán bớt đàn bò và chỉ nuôi cầm chừng 6 con.
Với mức giá heo hơi từ đầu năm 2024 đến nay từ 55.000-60.000 đồng/kg, người nuôi có lợi nhuận từ 3-5 triệu đồng/con. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người chăn nuôi vẫn e ngại, chưa dám tăng đàn mà chỉ nuôi cầm chừng ở mức từ 50-70% công suất chuồng nuôi.
Ông Nguyễn Văn Khởi (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) hiện nuôi 20 con heo thịt, tương đương khoảng 50% công suất chuồng nuôi. Ông Khởi nói: “Tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, cùng với đó, giá thức ăn tăng cao nên nuôi heo không có lợi nhuận cao và nhiều nguy cơ thua lỗ. Do đó, tôi chỉ nuôi cầm chừng để có “đồng ra, đồng vào”. Hy vọng ngành chức năng sớm bình ổn giá thức ăn chăn nuôi để giảm áp lực cho người nuôi”.
Cũng giống như người nuôi gia súc, người nuôi gia cầm cũng gặp nhiều khó khăn do giá các loại gia cầm và sản phẩm gia cầm thời gian qua giảm đáng kể. Theo nhiều người nuôi gà trên địa bàn huyện Cần Giuộc, thời gian qua, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn từ dịch bệnh, giá thức ăn tăng, giá con giống tăng,... Trong khi đó, giá gà thịt và trứng gà liên tục giảm từ tháng 12/2023 đến nay và chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Ông Nguyễn Đức Lợi (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Mỗi ngày cung cấp ra thị trường gần 6.000 trứng gà, với mức giá bán từ 18.000-20.000 đồng/chục. Với giá này, tôi chỉ trang trải đủ tiền thức ăn, không đủ để chi trả cho các khoản như điện, nhân công,... Nếu tình hình này kéo dài, tôi buộc phải giảm đàn”.
Vẫn xảy ra những ổ dịch nhỏ, lẻ
Người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đầu tháng 5/2024, dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 38 hộ thuộc 23 xã của 7 huyện: Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa với tổng số heo tiêu hủy là 1.060 con, tổng trọng lượng tiêu hủy là 55.145,9kg.
Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dại xảy ra 7 trường hợp trên chó tại 6 xã của 3 huyện: Đức Hòa, Tân Hưng và Đức Huệ; ngoài ra, ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh dại tại thị trấn Tân Hưng và xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng vào đầu tháng 02/2024 và 1 ca nghi dại trên người tại xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng. Về bệnh cúm gia cầm, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch cúm gia cầm (H5N1) xảy ra tại 1 hộ thuộc xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa với tổng số 2.010 con gia cầm bị tiêu hủy (2.000 con chim cút và 10 con đà điểu).
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đến nay, mặc dù dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát. Bởi tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh còn cao; việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế. Vì vậy, trong thời điểm giao mùa, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm cần được người chăn nuôi đặc biệt quan tâm.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh thông tin: "Để phòng bệnh cho đàn vật nuôi, từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục phối hợp các địa phương triển khai tiêm 26.750 liều vắc-xin phòng lở mồm long móng; 6.540 liều vắc-xin phòng heo tai xanh; 90.152 liều vắc-xin phòng dại; 13.475 liều vắc-xin phòng viêm da nổi cục và 1.322.294 liều vắc-xin phòng cúm gia cầm. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp các địa phương rà soát, tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin phòng các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi".
Hiện là thời điểm giao mùa, thời tiết thường thay đổi đột ngột khiến đàn gia cầm dễ mắc các bệnh như viêm phổi, cúm, tiêu chảy, tụ huyết trùng,... Người chăn nuôi nên áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm các quy trình phòng, chống dịch bệnh. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc bệnh, người chăn nuôi phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh ra diện rộng./.
Bùi Tùng