Tiếng Việt | English

03/09/2024 - 10:03

Những cựu chiến binh da cam son sắt, thủy chung với cách mạng

Dẫu chiến tranh đã lùi xa nhưng di chứng của chất độc da cam (CĐDC) vẫn hiện hữu trên từng phận người, để lại nỗi ám ảnh khó nguôi ngoai. Các thế hệ nạn nhân CĐDC phải gánh chịu những căn bệnh hiểm nghèo, dị tật bẩm sinh và đớn đau về thể xác, tinh thần. Chúng tôi có dịp gặp, nghe những “cựu chiến binh da cam" kể chuyện để hiểu, rồi thương và kính phục tinh thần son sắt, thủy chung với cách mạng không dời đổi.

Ông Nguyễn Thành Dũng (ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa) bên "bảng thành tích" của mình

1. Chúng tôi đến xã An Ninh Tây (huyện Đức Hòa) khi những chiếc lá còn ướt đẫm bởi cơn mưa vừa dứt. Nhìn ruộng đồng xanh ngát, nếu không nghe chuyện từ những người cố cựu, chắc chúng tôi không tin ngày xưa nơi đây là “vùng trắng”.

Trên một cánh đồng thuộc ấp An Thạnh, hơn nửa thế kỷ trước, một cậu bé chừng 10 tuổi đang vắt vẻo trên lưng trâu thì giặc xông tới đánh mấy bạt tai rồi vu cho tội “theo cộng sản”. Dù không dám nói gì (vì biết chúng độc ác) nhưng trong lòng cậu đã nung nấu ý chí đấu tranh, quyết tâm khi nào lớn sẽ đánh đuổi chúng ra khỏi quê hương. Ông Nguyễn Thành Dũng kể đến đây rồi chỉ vào mình, nói: “Thằng nhỏ đó là tui nè!”.

Năm 1971, ông Dũng 16 tuổi, tham gia cách mạng, làm nhiệm vụ du kích mật. Dần dần, ông biết cha mình làm Xã đội trưởng Liên xã An Ninh Tây - Lộc Giang, là người mà giặc thề giết cho bằng được.

Nối tiếp truyền thống gia đình, ban ngày, ông Dũng làm ruộng, coi trâu, tối làm giao liên, vận chuyển lương thực, súng đạn cho bộ đội, gài mìn giặc.

Trong đời binh nghiệp của mình, ông đã gài mìn làm bị thương 20 tên giặc. Đất An Ninh Tây xưa rừng bụi um tùm, là nơi trú ngụ lý tưởng của quân ta. Nhận thấy điều đó, giặc cho máy bay cán gáo rải chất độc hóa học xuống.

Chỗ nào bị rải, cây cỏ chết rụi, cảnh vật điêu tàn. Người dân thấy vậy, lại thêm chiến sự liên miên nên chạy tản cư lên vùng Lộc Giang, Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Lúc đó, cả vùng chỉ còn 3 cái chòi lá, một trong số đó là của ông Dũng. Ông ở lại vừa làm ruộng nuôi sống gia đình, vừa tiếp tế, liên lạc với bộ đội.

Giặc thấy ông còn trẻ nên bày đủ trò hăm dọa, dụ dỗ nhưng không ăn thua. Chúng nghi ông theo cách mạng nhưng không có bằng chứng gì, trong khi lực lượng chúng thiệt hại ngày càng nhiều.

Ông Nguyễn Thành Dũng bên bầy gà con vừa mới mua để tăng gia sản xuất

Những chiến thắng vang dội của ta trên khắp các chiến trường làm nức lòng quân, dân địa phương, làm giặc nhục chí.

Thừa thắng xông lên, quân ta với khí thế như vũ bão đánh tan tác các đồn giặc. Lúc này, ông Dũng với vai trò “tay trong” đã phối hợp bộ đội ta bắt sống 3 tên giặc, trong đó có 1 đồn trưởng, 1 đồn phó. Ông nhớ lại, ngày giải phóng, người dân mừng không ngủ được, ca hát cả đêm, cảnh hân hoan, náo nhiệt lan ra khắp mọi nơi.

Hòa bình lập lại, ông Dũng hăng hái tham gia xây dựng địa phương. Ông được kết nạp Đảng năm 1980, làm Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh Tây 20 năm (1991-2011).

Trong một lần Huyện ủy Đức Hòa gọi đi khám bệnh, ông phát hiện mình bị nhiễm CĐDC. Tuy nhiên, ông không quá đau buồn vì dự đoán trước kết quả. Ông thấy mình may mắn khi chỉ bị những di chứng nhẹ như tiểu đường, lâu lâu đau ngực, hay quên.

Vì từng làm Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC nên ông biết nhiều hoàn cảnh còn bi đát hơn mình. Có những đứa trẻ sinh ra thiếu một phần cơ thể, tay chân teo tóp rất đáng thương. Nhờ được cấp phát thuốc đều đặn, chế độ dinh dưỡng tốt nên giờ sức khỏe ông tương đối ổn, có thể một mình làm 0,5ha ruộng.

2. Rời nhà ông Dũng với nhiều cảm xúc, chúng tôi đến ấp 5, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, gặp ông Tạ Quang Bửu (SN 1944) - người từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Ông Bửu quê ở tỉnh Thái Bình, tham gia cách mạng năm 1965. Theo tiếng gọi cha anh, ông tình nguyện vào quân đội, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ông Bửu kể, lúc đó vui lắm, ai cũng nôn nao, háo hức, có người không được đi thì ngồi khóc. Thời đó gian khổ, cả tiểu đoàn phải đi bộ từ Hà Nội vào.

Trước khi đi, mỗi người được học tập, chỉnh huấn tư tưởng, rèn luyện thể lực. Mỗi ngày, ông cùng đồng đội vác ba lô nặng 18kg leo lên đồi rồi trở xuống. Dần dần, khối lượng lên 30kg. Nếu không nhờ đợt huấn luyện ấy, chưa chắc ông đã chịu nổi khi phải cuốc bộ 6 tháng trời với 30kg tư trang, lương thực, vũ khí trên vai.

Ông Tạ Quang Bửu (ấp 5, xã Phước Đông, huyện Cần Đước) chăm sóc cây kiểng, vườn tược quanh nhà

Một tháng đầu, đang mùa nắng nên hành trình đỡ vất vả. Tuy nhiên, bàn chân ai cũng phồng rộp, chai sần, mỗi ngày phải nấu nước muối hột ngâm.

Nhờ sức trẻ mau hồi phục nên chiến sĩ cũng vượt qua được giai đoạn ấy. Tuy nhiên, vào mùa mưa thì vất vả khôn cùng, nhất là lúc băng qua đồi núi cheo leo, suối sông nước chảy xiết. Người giao liên dẫn đường mắc sẵn dây trên đường đi. Lúc lên núi, chiến sĩ bám vào dây đi tới nhưng khi xuống bắt buộc phải đi lùi nếu không sẽ té ngã rất nguy hiểm.

Mùa mưa sợ nhất là sốt rét rừng. Ông Bửu cũng từng bị cơn sốt rét hành hạ nhưng may mắn qua khỏi nhờ quân y và những dây ký ninh. Nhiều đồng đội của ông phải bỏ mình vì những cơn sốt rét ấy.

Tiểu đoàn đi thẳng sang Campuchia nghỉ dưỡng 3 tháng rồi về lại chiến trường Đồng Tháp Mười. Ông Bửu được bổ sung vào Đại đội 13, đặc công tỉnh Kiến Tường. Lúc này, giặc làm đủ trò chiêu hồi như rải truyền đơn, bật những bản nhạc tỉ tê, ảo não hòng hạ nhuệ khí quân ta. Chúng còn tìm được danh sách, tên tuổi chiến sĩ rồi in ra rải ngoài quê, ghi: “Đã đầu hàng”.

Với tinh thần yêu nước, những người mẹ ở quê rất đau lòng, bởi thà con hy sinh còn đỡ đau hơn là đầu hàng giặc. Ông Bửu biết điều đó nhưng vẫn vững dạ bền lòng, quyết tâm đánh đuổi quân thù. Bởi ông biết chỉ có chiến thắng mới rửa sạch được nỗi oan của mình.

Ngày toàn thắng, về quê, ông mừng mừng, tủi tủi. Giải quyết xong mọi việc, ông trở lại Long An, công tác tại phòng tuyển quân tỉnh, đến năm 1987 thì về hưu.

Là con người năng động, không chịu cảnh nhàn rỗi, năm 1999, ông Bửu làm Bí thư Chi bộ ấp 5, gần 20 năm sau mới nghỉ hẳn.

Lúc này, cơ thể ông có một số biểu hiện của người nhiễm CĐDC do ngày xưa hành quân, sinh hoạt nơi những cánh rừng bị giặc rải loại chất độc này. Nhưng ông nghĩ tuổi mình cũng “gần đất xa trời” nên thôi không đi khám, chỉ nhắc nhở các con cẩn thận, đừng chủ quan với nó.

Những vết thương, CĐDC chỉ có thể làm đớn đau thể xác nhưng không mảy may ảnh hưởng tinh thần những cựu chiến binh. Họ vẫn sắt son, thủy chung trước sau như một với dân, với nước; vẫn cống hiến hết sức trong thời chiến lẫn thời bình. Họ tiễn chúng tôi với nụ cười hiền từ nhưng ẩn sâu trong đó là sự hào hùng, khí phách./.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết