Thành công với trái cây sấy giòn không dầu
Từng có 10 năm công tác trong ngành Ngân hàng, năm 2019, chị Dương Thị Trúc Giang (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) quyết định nghỉ việc, cùng chồng khởi nghiệp với trái cây sấy giòn không dầu. Chồng chị là kỹ sư cơ khí nên máy móc một tay anh làm. Những ngày đầu thành lập công ty (Cty) là khoảng thời gian khủng hoảng với vợ chồng chị.
Chị Giang chia sẻ: “Cty Cổ phần Thực phẩm HG thành lập chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 ập đến, chúng tôi không đủ điều kiện thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Song, trong “nguy có cơ” vì ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ đến việc sấy thanh long nhưng khi dịch bệnh, chúng tôi dành thời gian thử nghiệm với nhiều loại trái cây khác. Tôi không thể nhớ đã thất bại bao nhiêu đợt để làm ra được một mẻ sản phẩm đạt chất lượng”.
Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm HG - Dương Thị Trúc Giang nỗ lực phát triển sản phẩm trái cây sấy giòn không dầu
Đến nay, cơ sở của chị Giang cung cấp ra thị trường nhiều loại trái cây sấy giòn không dầu như thanh long, mít, chuối, khóm,... Nguyên liệu đầu vào được Cty mua trong tỉnh, một số ít được mua ở các tỉnh miền Tây. Theo chị Giang, sản xuất trái cây sấy giòn không dầu có chi phí cao nên giá bán cao, tuy nhiên ưu điểm của sấy không dầu là trái cây sẽ giữ được hương vị tự nhiên vốn có.
Kinh doanh ngành thực phẩm nên yếu tố chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được Cty đặt lên hàng đầu. Chị Giang thường xuyên nhắc nhở công nhân “mình phải ăn được thì khách hàng mới ăn được”. Ban đầu, Cty có 6 công nhân, 1 máy sấy, đến nay đã tăng lên 20 công nhân và 3 máy sấy, lao động chủ yếu là người dân địa phương. Thời gian tới, Cty sẽ tăng số lượng máy để đáp ứng yêu cầu công việc.
Dự án Trái cây sấy giòn không dầu HG đoạt giải Nhất trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Long An lần thứ III
Xuất thân là kỹ sư cơ khí nên chồng chị là người nghiên cứu, quản lý, bảo trì máy móc ở công xưởng, còn chị phụ trách công việc đối ngoại. Chị Giang tâm sự: “Tôi từng nhiều lần có ý định từ bỏ công việc này, song chồng tôi luôn kiên định, anh nói với tôi thất bại thì làm lại. Sau khi nghiên cứu thành công trái cây sấy, chúng tôi giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm do Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh để tiếp cận khách hàng. Cty cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ, quan tâm của tỉnh”.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, vợ chồng chị Giang mong muốn đa dạng các sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu và tận dụng các phụ phẩm từ trái cây để làm phân bón hữu cơ. Năm 2021, bộ sản phẩm trái cây sấy giòn không dầu HG là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; sản phẩm thanh long sấy giòn không dầu HG đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2022, Cty đạt tốp 100 thương hiệu vàng chất lượng quốc tế; được đánh giá và phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015; dự án Trái cây sấy giòn không dầu HG đoạt giải Nhất trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Long An lần thứ III;… Ngoài ra, chị Giang hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh. Dù đảm nhận bất kỳ vai trò nào, chị cũng luôn tâm huyết, hết lòng vì công việc.
Đam mê nghiên cứu, sáng tạo
Năm 2022, toàn tỉnh có 603 đề tài tham gia cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng ở các cấp. Em Trần Lâm Đăng Khoa - học sinh Trường THPT Tân Hưng, huyện Tân Hưng, dự thi đề tài mô hình Nuôi thủy sản công nghệ cao DKF-2022 và đoạt giải nhì (có 2 giải nhì), cuộc thi không có thí sinh đoạt giải nhất. Em Khoa chia sẻ: “Đây là lĩnh vực mới nên em gặp nhiều khó khăn khi triển khai. Em dành hơn 1 năm nghiên cứu và hoàn thiện mô hình. Sau khi có ý tưởng, em bắt đầu lên bản vẽ khung sườn cho máy, đặt các thiết bị, vật liệu về ráp. Em phải thử nghiệm 3 lần mới hoàn thiện sản phẩm”.
Em Trần Lâm Đăng Khoa - học sinh Trường THPT Tân Hưng (huyện Tân Hưng), bên mô hình Nuôi thủy sản công nghệ cao DKF-2022 ảnh: Hà Lan
Cũng theo em Khoa, mô hình này ra đời từ mong muốn cải thiện môi trường nuôi thủy sản, phát triển kinh tế gia đình. Thông qua mô hình giúp chất lượng nước được bảo đảm, không có cặn lắng đọng trong hồ nuôi, hạn chế phát sinh mầm bệnh trong môi trường nuôi thủy sản vì có diệt khuẩn bằng đèn UV, ozone. Hiện nay, ngoài tiếp tục nuôi thủy sản trên mô hình đã dự thi, Khoa còn áp dụng nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao trên diện tích 200m2.
Đam mê nghiên cứu, sáng tạo nên từ khi học lớp 9, Khoa đã mạnh dạn tham gia cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh và đoạt giải khuyến khích với mô hình Tưới cây theo độ ẩm của đất. Em luôn sắp xếp thời gian hợp lý giữa việc học và nghiên cứu. Năm học 2021-2022, em đạt học sinh giỏi. Năm 2022, em được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã đạt thành tích đoạt giải trong cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 15.
Dám nghĩ, dám làm
Trong lúc nhiều bạn bè đồng trang lứa chọn cách rời quê đi lập nghiệp thì anh Cao Phú Khánh vẫn “bám quê” lập nghiệp. Câu chuyện anh Khánh khởi nghiệp thành công với con ếch, con cá và thành lập Hợp tác xã Thủy sản Long Thạnh (huyện Thủ Thừa) đã không còn xa lạ với người dân trong và ngoài xã. Bên cạnh nuôi ếch, cá, thời gian qua, anh không ngừng học hỏi cùng một người bạn nghiên cứu chế tạo máy cuốn lục bình.
Chia sẻ về bước ngoặt mới trong công việc, anh Khánh nói: “Trước khi bắt tay cùng bạn nghiên cứu chế tạo máy cuốn lục bình, tôi đã tìm hiểu những lợi ích của lục bình trong trồng trọt và nhận thấy cây phát triển rất tốt. Song, để tạo ra máy cuốn lục bình là cả một quá trình gian nan, tốn nhiều tiền bạc và công sức. Chúng tôi từng có một khoảng thời gian từ bỏ việc nghiên cứu nhưng khi nghĩ đến lý do đã bắt đầu cũng như công sức đã bỏ ra, cả 2 quyết định trở lại nghiên cứu. Sau hơn 2 năm, với khoản đầu tư trên 2 tỉ đồng (gồm máy móc và các chi phí khác), tháng 9/2022, máy chạy thử nghiệm và thành công”.
Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Long Thạnh - Cao Phú Khánh thử nghiệm trồng nấm rơm từ lục bình
Được biết, 1 giờ máy cuốn được 4 tấn lục bình. Sau khi để ráo khoảng 2 ngày, lục bình được bán với giá 1 triệu đồng/tấn. Bên cạnh khách hàng trong tỉnh, nhóm của anh Khánh còn cung cấp lục bình cho các trại trùn quế, trại nấm công nghệ cao, các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang,... Không chỉ cung cấp lục bình tươi, nhóm còn bán phân bón hữu cơ dạng viên. Để có được nguồn khách hàng như hiện tại, anh tham gia nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội, nhiều hội chợ, triển lãm nông nghiệp để giới thiệu sản phẩm.
Ngoài ra, anh Khánh còn thử nghiệm dùng lục bình để trồng nấm rơm. “Chất lượng nấm rơm trồng từ lục bình ngon hơn phương pháp trồng nấm rơm truyền thống, bởi trong lục bình có đến 16 dưỡng chất cần thiết cung cấp cho nấm, đặc biệt, chi phí sản xuất lại thấp” - anh Khánh cho biết.
Không chỉ dám nghĩ, dám làm trong công việc, anh Khánh còn là người giàu lòng nhân ái. Thời gian qua, anh đồng hành cùng UBMTTQ Việt Nam xã hỗ trợ con giống, thuốc,... cho 14 hộ nghèo, qua đó, giúp những gia đình này có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Năm 2022, anh hỗ trợ 10.000 con ếch giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi ếch cho TN tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. Từ năm 2021 đến nay, với vai trò Chủ nhiệm Hội quán TN khởi nghiệp, anh tổ chức hoạt động góp vốn xoay vòng với 38 thành viên, mỗi thành viên 1 triệu đồng, qua đó, các TN có hoàn cảnh khó khăn có thêm kinh phí để làm ăn. Những TN chăn nuôi còn được anh tận tình hỗ trợ kỹ thuật.
Từ nhiều việc làm ý nghĩa, anh Khánh từng nhận được nhiều giải thưởng từ Trung ương đến địa phương như TN tiên tiến toàn quốc, giải thưởng Lương Định Của, Công dân trẻ tiêu biểu tỉnh Long An,...
Bằng sự năng động, sáng tạo và tinh thần xung kích của tuổi trẻ, các cá nhân trên đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương./.
Nguyễn Dung