Những vùng trũng thấp, nước chỉ mới lấp xấp vào chân ruộng
Xã Vĩnh Đại vốn là một trong những vùng trũng thấp nhất ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, những năm trước đây, khi con nước tràn về thì hầu như tất cả đều ngập, từ đồng ruộng, nhà cửa, trường học,…
Hàng trăm hộ dân ở đây cũng bám theo con nước mưu sinh, người giăng lưới thả câu, người đặt dớn, đặt lợp,… Mỗi ngày có khi kiếm được vài trăm ngàn đồng, mỗi mùa nước, thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống của một gia đình miền quê nghèo.
Thế nhưng năm nay, con nước vẫn đang ở mức thấp, nhiều khu vực bờ vẫn khô, ruộng đồng cỏ vẫn mọc um tùm.
Hàng trăm cái lợp của anh Nghĩa còn xếp gọn ở một góc nhà
Thời điểm này năm trước, anh Nguyễn Văn Nghĩa (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) đặt hơn 500 cái lợp, mỗi ngày thu về 300.000 - 500.000 đồng, có hôm kiếm được cả triệu đồng. Còn năm nay con nước chưa về, anh chỉ đặt hơn 100 cái lợp để kiếm cá ăn hàng ngày, số lợp còn lại của gia đình anh vẫn đang được xếp gọn ở một góc nhà.
“Nước trên ruộng thì không có, kênh thì chỉ có mấy đoạn mà nhiều người đặt nên muốn đặt nhiều lợp cũng không có chỗ. Tôi chỉ đặt được hơn 100 cái lợp ở dọc mấy đoạn kênh, miệng cống. Hai, ba ngày đi đổ một lần cũng chỉ kiếm được vài kg cá” - anh Nghĩa cho biết.
Mỗi ngày, hơn 10 bộ dớn và gần 1.000m lưới của ông Giới chỉ bắt được vài ký cá tạp
“Năm nay ít cá quá, toàn cá mồi!” - ông Nguyễn Văn Giới (xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng) than thở sau chuyến thu lưới và đổ dớn về. Hơn 10 bộ dớn, gần 1.000m lưới của ông chỉ thu được khoảng hơn 5kg các loại cá tạp.
Những năm trước, cũng với số lượng dớn và lưới này, mỗi ngày ông đổ vài chục ký cá, ngoài làm thức ăn cho cá lóc nuôi, bán kiếm được vài trăm ngàn đồng.
2.000m lưới của anh Nguyễn Văn Vũ chưa thể bắt cá vì nước lũ còn ở mức thấp
Còn anh Nguyễn Văn Vũ (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) cho biết: “Mùa khô, gia đình canh tác 3ha đất sản xuất lúa, mùa nước làm nghề cá để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Làm nghề giăng lưới cá cả chục năm mà chưa năm nào như năm nay. Mọi năm, khoảng Rằm tháng 7 là con nước đã phủ trắng các cánh đồng, cá, cua về đầy đồng. Năm nay, gần hết tháng 7 rồi mà vẫn chưa thấy nước đâu. Gia đình tôi sắm mới chục tay lưới (2.000m), tốn 5 triệu đồng để đợi nước về rồi đi giăng cá. Thế mà đến tận bây giờ vẫn chưa thấy nước đâu cả, lưới đã chuẩn bị xong rồi cũng xếp để đó chứ có chỗ đâu mà đặt. Mấy năm trước nước lớn, giăng 2.000m lưới thì ngày nào cũng kiếm được từ 300.000 - 500.000 đồng”.
Dọc theo các tuyến kênh lớn trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng những ngày này, con nước vẫn còn nằm sâu dưới lòng kênh. Những cánh đồng không phủ trắng nước như những năm trước mà vẫn xanh màu cỏ, lúa chét sau mùa thu hoạch. Có chăng chỉ những vùng trũng thấp nước lấp xấp vào chân ruộng.
Anh Trần Thanh Tâm, nông dân xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, lo lắng: "Nếu lũ không về hoặc lũ nhỏ thì nỗi lo toan của người dân sản xuất lúa như đồng ruộng không được vệ sinh, lượng phù sa bồi lắng giảm nghiêm trọng, chi phí đầu tư cho bơm trục, thuốc diệt cỏ, sâu rầy, phân bón sẽ tăng, đương nhiên sẽ tăng giá thành hạt lúa”.
Nhiều cánh đồng vẫn xanh màu cỏ, lúa chét sau mùa thu hoạch
Hàng năm, mỗi khi mùa lũ về mang lại nhiều sinh kế cho người dân, người thì giăng câu, đánh cá, người thì thu hoạch các sản vật mùa nước nổi như bông súng, bông điên điển, hẹ nước,… Đó là những sản vật trời ban, giúp người dân nghèo có thêm thu nhập để lo cho các cháu đi học, mua sắm ít vật dụng trong gia đình,… Con nước về cũng mang theo phù sa bồi đắp đồng ruộng, góp phần cho vụ mùa bội thu.
Nếu lũ về thấp không chỉ khiến những người quen nghề mưu sinh theo con nước khốn khó, mà nó còn ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Bởi vậy, trong thâm tâm mỗi người vùng lũ, ai cũng lo lắng, mong chờ con nước về tràn bờ, bởi khi đó họ sẽ kiếm tiền trên mảnh đất quê hương mình./.
Văn Đát