Tiếng Việt | English

19/12/2024 - 23:51

Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, hướng tới nền nông nghiệp xanh

Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) là một hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường cụ thể. Mục tiêu của chương trình này là nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

Phù hợp với thực tiễn

Vụ Thu Đông 2024, ông Nguyễn Văn Lự (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) có 1,8ha lúa áp dụng canh tác theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM). Đây là năm thứ 3 gia đình ông áp dụng đồng bộ các biện pháp IPM trên ruộng lúa do ngành Nông nghiệp huyện, tỉnh hỗ trợ, chuyển giao. Thực tế khi triển khai, chỉ với một số biện pháp kỹ thuật cơ bản như sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ, bón phân cân đối đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Theo chia sẻ của ông Lự, ruộng lúa áp dụng chương trình IPM được sạ thưa hơn, sử dụng phân bón hữu cơ thay phân bón hóa học. Về phòng trừ sâu, bệnh, trước đây, cứ thấy lúa bị sâu, bệnh là ông phun thuốc bảo vệ thực vật; đến khi áp dụng chương trình IPM, ông học được cách điều tra, tính toán và chọn thời điểm phun phù hợp giúp tăng hiệu quả, giảm số lần phun, lúa thu hoạch cho năng suất cao.

Nhờ áp dụng IPM, nông dân giảm được chi phí sản suất, tăng năng suất, chất lượng lúa

Ông Nguyễn Văn Nha (xã Tân Bửu, huyện Bến Lức) đã được cán bộ hướng dẫn về chương trình IPM theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, học lý thuyết gắn với thực hành. Theo ông Nha, tham gia lớp huấn luyện giúp học viên nhận diện đúng các đối tượng dịch hại cũng như thiên địch trên ruộng lúa; biết được nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa qua từng giai đoạn, xác định đúng thời điểm bón phân và lượng phân bón, sức khỏe của đất. Từ đó, mở ra hình thức canh tác thân thiện với môi trường, giúp giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng lúa.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đang triển khai, thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng và từ năm 2025 sẽ triển khai chương trình IPHM để giải quyết toàn diện các vấn đề về dịch hại, an toàn thực phẩm, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người, hướng tới nền sản xuất xanh.

Các biện pháp tác động của chương trình IPHM dựa trên nền tảng môi trường cụ thể như đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích. Mục tiêu nhằm giảm thiểu những tác động gây bất lợi cho cây trồng và phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại; đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

IPHM được phát triển trên nền tảng quản lý dịch hại tổng hợp, tuy nhiên có bổ sung một số nội dung đi sâu về sức khỏe của đất. Hơn nữa, chương trình IPHM còn giúp nông dân nắm bắt kiến thức sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, ngăn ngừa suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế, từ đó hướng đến nền sản xuất nông nghiệp canh tác bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Trần Thị Mộng Thi thông tin: Đơn vị đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp tỉnh đến năm 2030 nhằm bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, sức khỏe con người, động vật, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển IPHM để tăng cường sức khỏe cây trồng, nâng cao khả năng phòng, chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

Cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh thường xuyên cùng nông dân thăm đồng

Trong đó, tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 phấn đấu hơn 50% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái,... được áp dụng IPHM; lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30%, tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất thông thường.

Phấn đấu khoảng 50-80% số xã (có sản xuất nông nghiệp tập trung) có đội ngũ nông dân nòng cốt, hiểu biết, có kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.

Toàn tỉnh có ít nhất 5 giảng viên IPHM quốc gia và 10-20 giảng viên IPHM cấp tỉnh; mỗi xã, phường (có sản xuất nông nghiệp tập trung) có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng. Phấn đấu hơn 90% số xã, phường (có sản xuất nông nghiệp tập trung) thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định.

Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã xây dựng, phổ biến các mô hình sinh hoạt cộng đồng phù hợp để người sản xuất chia sẻ kinh nghiệm, tương tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp,... nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng IPHM. Xây dựng tài liệu tuyên truyền về quy định của pháp luật trong quản lý vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, giống, phân bón và hướng dẫn thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; tăng cường mở rộng diện tích ứng dụng kỹ thuật SRI trong canh tác lúa trên phạm vi toàn tỉnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Thời gian tới, Sở tăng cường phát triển nguồn nhân lực để phát triển IPHM. Theo đó, Sở lựa chọn và cử cán bộ chuyên môn tham gia các lớp đào tạo giảng viên TOT-IPHM để nâng cao chất lượng giảng viên cấp tỉnh trong IPHM.

Đây là những nhân tố nòng cốt, thuyết phục, lan tỏa mạnh mẽ IPHM trong thời gian tới, góp phần làm thay đổi, nâng cao nhận thức của nông dân và tạo cơ sở vững chắc để nông nghiệp tỉnh chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững và đa giá trị./.

6 nguyên tắc cơ bản của IPHM gồm:

1. Đất khỏe: Đất giúp điều tiết nước và các chất hòa tan đi xuống hoặc qua đất. Đất duy trì sự sống của thực vật và động vật, sự đa dạng và năng suất của các sinh vật sống phụ thuộc vào đất. Đất lọc và làm giảm, ngăn ngừa các ô nhiễm tiềm tàng. Đất giúp sự ổn định và hỗ trợ về mặt vật lý.

2. Cây trồng khỏe: Gồm giống tốt, cấy mật độ phù hợp, dinh dưỡng hợp lý, sinh vật gây hại thấp, bảo đảm năng suất chất lượng,...

3. Đầu tư thông minh: Trước những tác động tiêu cực từ
biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt, sức ép từ bảo đảm an ninh lương thực do tăng dân số và yêu cầu ngày càng cao hơn về chất lượng đối với nông sản, thực phẩm tại thị trường trong
nước cũng như thị trường xuất khẩu, Việt Nam đang theo đuổi
xu hướng phát triển nông nghiệp thông minh với việc chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến của thời kỳ Cách mạng 4.0 ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp cao.

4. Bảo vệ môi trường sinh thái: Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, trong đó bao gồm địa chất, đất, không khí, nước và tất cả các sinh vật sống.

5. Giám sát và kiểm tra đồng ruộng: Nông dân nâng cao trình độ hiểu biết, nắm được tình hình sinh trưởng, phát triển cây trồng, biết được dịch hại, thời tiết, đất, nước.

6. Nông dân chuyên nghiệp và có trách nhiệm: Nông dân phân tích, nhìn nhận, so sánh các yếu tố trên đồng ruộng, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý, tuyên truyền kinh nghiệm, kiến thức, chia sẻ cho nông dân khác, bảo vệ an ninh lương thực cho địa phương, quốc gia.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


XSMN t2 trực tiếp