Kênh dài đất rộng trời xanh
Tháp Mười cảnh đẹp mời anh ghé vào
… Tháp Mười đất rộng bao la
Dân thì hiền hậu đất hòa tình thương
… Em là con gái Tháp Mười
Dáng đi cũng đẹp, nụ cười cũng duyên…
Xin mượn mấy câu dân ca trên để hình dung phần nào vùng đất Vĩnh Hưng - huyện nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, huyện biên giới của tỉnh Long An. Đặc trưng của huyện Vĩnh Hưng là đồng ruộng mênh mông cò bay thẳng cánh; nửa năm nắng hạn, nửa mùa nước dâng. Nơi đây không chỉ có đồng ruộng phì nhiêu, màu mỡ mà còn có nhiều sản vật, nhất là khi mùa lũ về, nước ngập trắng đồng.
Người dân Vĩnh Hưng không chỉ hiền hòa, chất phác mà còn giàu lòng mến khách. Khi khách đến nhà thì có gì ngon đều đem ra đãi. Chuyện kể ngày xưa, bà con xứ này khi đi làm đồng hay vắng nhà thường nấu thêm nồi cơm rồi treo lên, không cho chó mèo phá, trong nhà thì có sẵn muối, mắm, còn ngoài vườn thì có rau, hành, ớt,... để khi có ai đi lỡ đường ghé vào là có cơm ăn lót dạ. Hoặc khi khách đến mà gặp lúc nhà không còn gì đãi thì dù chỉ có con gà mái đang ấp trứng, chủ nhà cũng bắt làm thịt đãi, cốt sao cho khách vui khi đến nhà mình, xứ mình. Hay khi khách ra về thì chủ nhà tặng các sản vật của quê hương xứ Đồng Tháp Mười.
Có lẽ từ những suy nghĩ trên mà tác giả Lê Tài đã điểm tô quê hương Vĩnh Hưng qua từng câu hát trong các bài ca vọng cổ mà anh sáng tác suốt mấy mươi năm qua. Tác giả Lê Tài sinh ra và lớn lên ở huyện Mộc Hóa trước đây, nay là thị xã Kiến Tường. Nhưng hiện nay, anh trở thành người dân huyện Vĩnh Hưng. Tác giả Lê Tài cho biết: “Gia đình không có ai theo đờn ca tài tử, cải lương nhưng tôi yêu thích loại hình này từ lúc còn nhỏ. Tôi thường xuyên nghe, xem đài, đọc báo về các tiết mục văn hóa, văn nghệ, từ đó hình thành việc sáng tác bài ca cải lương để thỏa đam mê và cũng để trải lòng mình với quê hương và nghề nghiệp”.
Về nghề nghiệp, tác giả Lê Tài vào ngành Công an được hơn 10 năm thì anh được điều động sang Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Vĩnh Hưng, sau đó được điều động làm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy rồi Bí thư Đảng ủy thị trấn Vĩnh Hưng và hiện nay làm công tác kiểm tra. Có nhiều người nói, Lê Tài với nghề nghiệp như vậy nên rất khô khan... Đó là những ai chưa tiếp xúc, khi đã gặp gỡ thì sẽ nhận ra anh là người sống rất nội tâm, sâu lắng và tình cảm.
Có thể nói, Vĩnh Hưng là quê hương thứ hai của Lê Tài nhưng nơi đây đã cho anh biết bao buồn vui, sướng khổ, kỷ niệm êm đềm. Vĩnh Hưng không chỉ cho anh sự bình yên, hạnh phúc mà còn cho anh cả niềm tin và ý chí của sự vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh. Vì vậy, anh yêu quê hương này, anh nguyện với lòng làm tốt những gì có thể với xứ sở đồng bưng biên giới xa xôi này. Từ đó, ngòi bút của anh dần dần khắc họa quê hương Vĩnh Hưng qua từng bài ca vọng cổ mà anh sáng tác để thỏa lòng đam mê.
Tác giả Lê Tài kể: “Tôi tiếp cận công tác văn hóa - văn nghệ vào những năm 1990 và manh nha sáng tác bài ca vọng cổ khi làm Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Hưng từ năm 2001. Thời gian này, anh có dịp tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, tác giả, soạn giả trong và ngoài tỉnh như soạn giả Thanh Hiền, Ngô Hồng Khanh, Kha Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn, Diệp Vàm Cỏ, Việt Sơn, Xuân Kim Bảo, Nguyễn Phấn Đấu, nhạc sĩ Trịnh Hùng, Lê Phương,... Qua công tác, giao lưu, học tập, được các bậc đàn anh đi trước có nhiều kinh nghiệm động viên, chỉ bảo, anh tập tành sáng tác các bài ca cổ vào đầu những năm 2000. Mục tiêu ban đầu của anh là thỏa lòng đam mê nhưng dần dần, nhận thấy mình có khả năng sáng tác; đồng thời, được mọi người động viên, khích lệ nên anh đã dấn thân từ đó đến nay”.
Nói về đôi nét chấm phá khắc họa chất liệu của tác giả Lê Tài trong bài ca vọng cổ, có thể điểm qua những hình ảnh đồng lúa xanh bao la, vời vợi cánh cò, rặng tràm xanh, lũy tre làng, dòng kênh uốn lượn, đồng nước nổi, bông điên điển, bông sen, bông súng, cá tôm, xuồng ghe,... cùng các địa danh nổi tiếng như gò Măng Đa, gò Ông Lẹt, gò Châu Mai, Long Khốt, sông Cái Cỏ, Bến Phố,... Đặc biệt, hình ảnh người nông dân được anh nâng niu và chắt chiu trong từng câu văn đưa vào câu hát của mình. Như bài ca Nặng tình quê, tác giả khắc họa “... Vĩnh Hưng quê em không chỉ đẹp trong mơ mà đẹp cả trong thơ trong lời ca tiếng hát... Quê em mùa này đồng nước dâng cao, cho cánh đồng xa xanh thẳm một màu. Em dịu dàng trong chiếc áo bà ba, màu áo tinh khôi giữa trời mây bát ngát...”. Rồi những làng quê bình dị, đơn sơ nhưng cũng trở thành thiêng liêng trong tâm thức “... Em đưa tôi đi thăm Đồn Bến Phố, thăm Bình Tứ quê mình in dấu bậc tiền nhân...”. Và quê hương Vĩnh Hưng cũng như bao làng quê khác ở vùng Đồng Tháp Mười, đó là “... Yêu biển lúa mênh mông, những cánh chim không mỏi, yêu xóm thôn làng len lỏi mấy dòng kênh. Thẳng cánh cò bay mùa vàng trĩu hạt, Vĩnh Hưng ơi thơm ngát tình đời...”.
Vĩnh Hưng ngày nay đã “đổi thịt, thay da”. Vùng đất đồng bưng ngày xưa bây giờ là đồng lúa xanh rì rào với những con đường thẳng tắp, xe vào tận thôn xóm, những mái ngói đỏ tươi, những ngôi trường ê a tiếng trẻ. Có thể nói, cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang về trên quê hương bưng biền mà ngày xưa bom cày, đạn xới. Cảm nhận điều này, tác giả Lê Tài đã sáng tác một số bài ca ngợi quê hương. Trong số này có bài Vĩnh Trị miền quê mới, có đoạn “... Nhớ Vĩnh Trị quê mình một thời gian khó, nay đã vươn lên no ấm biết bao. Lò Gạch thương chờ con sông nhỏ xuyến xao, chan chứa yêu thương tình em miền biên giới. Vĩnh Trị ơi mùa xuân tới, nghe trong trái tim phơi phới tình hồng...”.
Và khi mùa xuân ngự trị trên quê hương thì tình xuân cũng làm cho tâm hồn mỗi người thêm lâng lâng, xao xuyến. Tác giả Lê Tài cũng vậy! Anh cảm nhận mùa xuân về trên quê hương thật nồng nàn hương vị. Vì mùa xuân không chỉ cho hương hoa tươi đẹp mà còn có sắc biếc trời xanh và tình người cao rộng. Và với Vĩnh Hưng thì anh đã cảm nhận “... Vĩnh Hưng ơi, biết mấy tự hào. Phố chợ khang trang đón chào xuân mới, chung sức chung lòng vươn tới tương lai. Tình người đâu dễ nhạt phai, Vĩnh Hưng muôn thuở chẳng ai quên mình...”. Và tác giả cũng tin tưởng vào sự vươn lên của quê mình trong xây dựng và bảo vệ miền biên giới. Trong bài Về Vĩnh Hưng, anh viết “... Cuộc sống quê mình đang chắp cánh bay lên, nhà mới tầng cao người đông vui náo nhiệt. Dòng kênh “Hăm Tám” con nước lững lờ trôi chở nặng phù sa cho đời vui no ấm. Nông thôn mới rộn ràng đang mời gọi, cùng góp sức dựng xây cao rộng những công trình. Trăn trở lo toan đi lên từ gian khó, cho Vĩnh Hưng hôm nay rạng rỡ đón xuân về...”.
Ngoài ra, tác giả Lê Tài còn sáng tác một số bài ca vọng cổ ca ngợi về quê gốc của mình là thị xã Kiến Tường với bài Kiến Tường quê tôi. Anh có dịp đi nhiều nơi để giao lưu, học hỏi. Cứ mỗi lần như vậy, anh đã ghi lại cảm xúc của mình qua các bài hát. Khi đến Hải Phòng, anh viết bài Nhớ về miền quê biển, đến Tây Ninh thì viết bài Tây Ninh mến yêu; đến huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, tác giả đã sáng tác bài Dầu Tiếng quê tôi và Về Kiến An. Đặc biệt, Lê Tài đã sáng tác về ngành mình đang công tác với bài Tình người kiểm tra. Bài ca có đoạn "... Ai nói với tôi nghề kiểm tra là khô là khó nhưng đối với em đầy ắp tình người. Đảng ở trong ta như đuốc sáng ngời. Anh hái tặng em cành mai vàng rực rỡ, hoa nói thay lời với người nữ kiểm tra. Tình em nồng đượm thiết tha, tình em người nữ kiểm tra ân tình..."./.
Việt Sơn