Tiếng Việt | English

08/04/2021 - 20:50

Tăng cường các giải pháp phục vụ đời sống người dân mùa khô, hạn

Hiện bước vào mùa khô hạn, tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy, UBND tỉnh có giải pháp ngăn mặn, xây dựng hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống người dân vùng sâu, vùng xa.

Xây dựng cống ngăn mặn Bà Hai Màng trên địa bàn xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa

Xây dựng 7 cống ngăn mặn dọc sông Vàm Cỏ Tây

Được biết, tỉnh Long An và Tiền Giang có chung dự án (DA) Bảo Định và kiểm soát lũ với tổng diện tích trong vùng DA 158.849ha (tỉnh Tiền Giang 128.540ha, Long An 30.309ha). Gần đây, khô hạn liên tiếp xảy ra, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, đặc biệt những năm gần đây, hạn, mặn xâm nhập sâu trên địa bàn vùng Đồng Tháp Mười thuộc DA Bảo Định. Các huyện chịu ảnh hưởng nhiều bởi mặn xâm nhập dọc sông Vàm Cỏ Tây là Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Mộc Hóa, Tân Thạnh. Hạn, mặn xâm nhập làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân các huyện của tỉnh và các huyện: Tân Phước, Châu Thành, Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang.

Giai đoạn 2018-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống cống ngăn mặn dọc sông Vàm Cỏ Tây: Cống Bà Hai Màng, Ông Nhượng, Bà Định, Thủ Cồn và La Khoa. Tuy nhiên, do tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, một số kênh, rạch tiếp nối với sông Vàm Cỏ Tây trên tuyến Quốc lộ 62 (7 kênh, rạch) cũng bị ảnh hưởng nếu mặn xâm nhập sâu trên sông Vàm Cỏ Tây. Vì vậy, UBND tỉnh Long An và Tiền Giang đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cho xây dựng thêm các đập ngăn mặn (có điều tiết) trên 7 kênh tiếp nối với sông Vàm Cỏ Tây trên Quốc lộ 62: Bến Kè, Bún Bà Của, Rạch Chùa, kênh 12, kênh 1, kênh 2 và rạch Cái Tôm. Việc xây dựng cống ngăn mặn trên tuyến kênh, rạch nói trên giúp 2 địa phương Long An, Tiền Giang bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất vào mùa khô hạn; đồng thời, chủ động tiêu thoát nước cho nhiều năm tiếp theo.

Thông tin từ UBND tỉnh, DA xây dựng tiếp 7 cống ngăn mặn trên Quốc lộ 62 rất cấp thiết. DA hoàn thành sẽ bảo vệ sản xuất cho 127.190ha lúa và cây ăn trái của tỉnh Long An, Tiền Giang; đồng thời, bảo đảm an ninh nước ngọt cho trên 1 triệu dân thuộc 3 nhà máy nước: Đồng Tâm, Bình Đức (Tiền Giang) và Nhị Thành (Long An).

Đề xuất xây dựng hồ chứa nước ngọt

Từ năm 2016, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề xuất xây dựng hồ chứa nước ngọt trên mặt bằng hiện có của các hầm đất thuộc địa bàn huyện Thạnh Hóa. Việc xây dựng hồ chứa nước ngọt với diện tích rộng sẽ góp phần phòng, chống hạn, mặn; đồng thời, có nguồn trữ nước ngọt cần thiết phục vụ sản xuất, phòng cháy, chữa cháy rừng và phục vụ đời sống của người dân.

Chủ tịch UBND xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Văn Tèo cho biết: “Hiện đa số người dân trên địa bàn có nước hợp vệ sinh sử dụng. Tuy nhiên, có một số ấp còn gặp khó khăn do địa bàn xã là vùng nhiễm phèn nặng nên không thể khoan giếng để cung cấp nước cho người dân. UBND huyện, UBND tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm người dân vùng sâu, vùng xa có nước hợp vệ sinh để sử dụng”.

Thông tin từ UBND tỉnh, việc triển khai đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước ngọt tại xã Thuận Bình nhằm ứng phó tình hình khô hạn, xâm nhập mặn là hết sức cần thiết, trong khi đó, nguồn vốn ngân sách địa phương hạn chế, khó khăn nên không cân đối được cho DA trên.

Được biết, Thuận Bình là xã biên giới giáp ranh nước bạn Campuchia, trên địa bàn xã có diện tích rừng tràm và rừng đặc dụng khá lớn. Vì vậy, nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là hết sức cần thiết. Đồng thời, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để tiếp tục triển khai DA giai đoạn 2021-2025 theo mục tiêu đề ra, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, hỗ trợ kinh phí 700 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình an toàn nguồn nước giai đoạn 2021-2025 để tỉnh đầu tư DA hồ chứa nước ngọt./.

Đỗ Lâm

Chia sẻ bài viết