► PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác TTĐN của tỉnh trong thời gian qua?
Ông Đỗ Hữu Lâm: Những năm qua, công tác TTĐN của đất nước nói chung, của tỉnh nói riêng từng bước phát triển khá toàn diện ở tất cả các mặt. Đặc biệt, sau khi Tỉnh ủy có Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN, các hoạt động TTĐN được thực hiện ngày càng hiệu quả hơn. Công tác tuyên truyền, quảng bá ngày càng đa dạng, phong phú, với các hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động, sử dụng cả 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, thu hút sự quan tâm của bạn bè trong nước và quốc tế, xây dựng hình ảnh Long An trong thời kỳ hội nhập. Hiện nay, Long An không chỉ được biết đến với truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” mà còn là một trong những địa phương đang chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Đỗ Hữu Lâm tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác thông tin đối ngoại năm 2017
► PV: Xin ông cho biết một số hoạt động nổi bật của tỉnh trong công tác TTĐN thời gian gần đây?
Ông Đỗ Hữu Lâm: Trước hết là công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Long An: Các cơ quan báo chí địa phương chủ động xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phục vụ công tác tuyên truyền và TTĐN: Chuyên mục Biên giới, biển, đảo, trang thời sự trong nước, quốc tế và đối ngoại,... Báo Long An online sau thời gian hoạt động, hiện có hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ truy cập và sau 9 tháng xuất bản, trang tiếng Anh cũng đạt hiệu quả thiết thực, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Long An ra bên ngoài. Duy trì tổ chức các hội nghị giao ban báo chí và họp báo định kỳ để thông tin về tình hình KT-XH của tỉnh đến các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, tỉnh chú trọng phối hợp các cơ quan báo chí ngoài tỉnh (Báo Nông Thôn Ngày Nay, Sài Gòn Giải Phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam,...) tạo ra những sản phẩm cụ thể phục vụ công tác TTĐN: Các sản phẩm trên Tạp chí Thông tin và Phát triển với chủ đề Long An - Tiềm năng và Điểm đến, ký sự Đi trên sông Vàm; các phóng sự trên Truyền hình Thông tấn: Long An phát huy lợi thế để phát triển và Long An điểm đến du lịch văn hóa đặc trưng Tây Nam bộ; chương trình Famtrip Ba địa phương - Một điểm đến tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp; chương trình giới thiệu đặc sản địa phương Mắm cá lia thia- huyện Đức Huệ và Đậu phộng Đức Hòa; video clip tư liệu về tình hình KT-XH, thế mạnh và những thành tựu nổi bật của tỉnh để quảng bá hình ảnh Long An đến các tỉnh bạn.
Thứ hai, tổ chức các sự kiện trong nước và nước ngoài giới thiệu, quảng bá về Long An: Tỉnh tập trung tổ chức tốt các lễ hội truyền thống; các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm và các hoạt động xúc tiến du lịch, thu hút hàng chục ngàn người trong và ngoài tỉnh đến tham gia, góp phần quan trọng vào việc quảng bá văn hóa, hình ảnh, sản phẩm, tính biểu tượng của địa phương; tổ chức đối thoại doanh nghiệp nước ngoài, thông tin về quan điểm, định hướng phát triển KT-XH của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện phương châm “Long An đồng hành cùng doanh nghiệp”. Duy trì các hoạt động họp mặt kiều bào và thân nhân kiều bào nhân dịp Tết Cổ truyền của dân tộc; thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại giao nhân dân, giao lưu văn hóa với các tỉnh Svay Rieng và Prey Veng (Vương quốc Campuchia), Khăm Muộn (Lào), Chungcheongnam (Hàn Quốc),...
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức nhiều đoàn công tác tìm kiếm cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),...; tham gia các sự kiện, lễ hội trong và ngoài nước nhằm tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá về tỉnh. Tiếp đón và giao lưu với nhiều đoàn nước ngoài đến giao lưu hữu nghị, hợp tác, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa tỉnh và khảo sát triển khai các chương trình, dự án hợp tác nhân dân,... Qua đó, kịp thời thông tin về thành tựu KT-XH của đất nước, của tỉnh cũng như các hoạt động giao lưu hợp tác nhân dân và mở rộng mạng lưới bè bạn quốc tế.
► PV: Riêng các huyện, thị xã biên giới có những việc làm gì cụ thể, thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Lâm: Bên cạnh những hoạt động chung của tỉnh, các huyện, thị xã biên giới chủ động tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - văn nghệ, đối ngoại, ngoại giao nhân dân với chính quyền và nhân dân các huyện, xã biên giới của nước bạn Campuchia, duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa chính quyền và nhân dân các địa phương của 2 nước. Phát huy hiệu quả các cụm panô tuyên truyền và các cụm loa trên tuyến biên giới, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về công tác đối ngoại, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Phối hợp tốt Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc ở khu vực biên giới” và Chỉ thị 06/CT-UBND của UBND tỉnh về thực hiện phong trào “Quần chúng nhân dân tự quản đường biên, cột mốc và giữ vững an ninh, trật tự xóm, ấp”, chủ động củng cố mô hình “Biên giới bình yên, nội biên vững mạnh”, “Tiếng kẻng vùng biên” trên địa bàn biên giới.
► PV: Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Long An có những định hướng, biện pháp gì để đẩy mạnh công tác TTĐN, thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Lâm: Thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước có những thời cơ, thuận lợi, đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho công tác TTĐN của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Vì vậy, tỉnh cần tranh thủ cơ hội, vượt qua khó khăn, vươn tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh xác định 3 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau
Trước hết, khẩn trương thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Công tác TTĐN cấp huyện; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thu hút đầu tư phát triển KT-XH; huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, người Long An đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài để phục vụ công tác TTĐN; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về TTĐN, đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Từng bước nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác TTĐN trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch hoạt động về TTĐN gắn kết chặt chẽ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng hàng năm. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đối ngoại, gắn hoạt động TTĐN với phát triển kinh tế, đối ngoại với bảo vệ, giữ gìn an ninh quốc gia.
Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình; chú trọng việc xử lý thông tin; làm tốt công tác phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, định hướng dư luận, định hướng báo chí để giành thế chủ động trong thông tin; kịp thời đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, nhất là xung quanh vấn đề biển Đông, biên giới đất liền, vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền,... Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức về tuyên truyền và TTĐN cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ phụ trách công tác TTĐN, phóng viên báo chí, biên tập viên, người phát ngôn,... Chú ý lựa chọn những nội dung, vấn đề thiết thực, đáp ứng tốt nhu cầu của các đối tượng, địa bàn cụ thể.
Trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt thời gian qua, cùng với việc xác định rõ ràng những định hướng, giải pháp trong thời gian tới và quyết tâm chính trị của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà, tôi tin rằng, công tác TTĐN của tỉnh tiếp tục “gặt hái” được nhiều kết quả quan trọng, đẩy mạnh phát triển KT-XH địa phương, đưa Long An hoàn thành mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
► PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Nga (thực hiện)