Công tác quản lý quy hoạch, chỉnh trang đô thị được TP.Tân An tăng cường thực hiện
Nỗ lực khắc phục tồn tại, hạn chế
Năm 2021 là năm có nhiều khó khăn, thách thức khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, 9 tháng năm 2021, TP.Tân An có 11/19 chỉ tiêu đạt và vượt so với NQ năm 2021. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát, từng bước trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Trong năm, thành phố chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai các chương trình đột phá. Công tác quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị được tăng cường thực hiện. Đầu tư xây dựng cơ bản được triển khai ngay từ đầu năm và giải ngân các nguồn vốn theo kế hoạch. Trên lĩnh vực nông nghiệp, thành phố tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ven đô TP.Tân An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được quan tâm nâng chất.
TP.Tân An tiếp tục tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân
Dù đạt một số kết quả khả quan nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế thành phố phát triển chậm so cùng kỳ, nhất là quí III-2021. Thu ngân sách không đạt tiến độ (tính đến ngày 30-9, chỉ đạt 56,3% dự toán tỉnh giao), thu cân đối đạt thấp. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công trình đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây. Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội tuy giảm nhưng tội phạm về ma túy có xu hướng tăng,...
Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh, những tháng đầu năm, sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có mặt chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất. Công tác nắm tình hình, địa bàn của cấp ủy, người đứng đầu ở một số nơi chưa tốt. Từ đó, ảnh hưởng đến việc dự báo, đưa ra các biện pháp xử lý khi có tình huống xảy ra, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan, Thành ủy Tân An xác định tinh thần quyết tâm và nghiêm túc rút kinh nghiệm để triển khai, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra. Trong đó, thành phố bắt tay ngay vào thực hiện các giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, lấy xã, phường là “pháo đài” và người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch.
Ông Lê Công Đỉnh thông tin, thành phố đã triển khai, thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển KT - XH, nhất là phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động. Tăng cường chỉ đạo chặt chẽ công tác thu, chi ngân sách nhà nước, phấn đấu đạt chỉ tiêu của năm. Tiếp tục rà soát, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Tiến hành cụ thể hóa NQ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố giai đoạn 2021 - 2030,...
Phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Cần Giuộc là địa phương đầu tiên của tỉnh xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng và cũng là huyện có số ca nhiễm nhiều nhất ở giai đoạn đầu. Nhờ áp dụng những biện pháp đúng đắn, kịp thời, huyện từng bước vượt qua khó khăn, chuyển từ vùng “nguy cơ rất cao” thành vùng “bình thường mới”, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển KT - XH, ổn định đời sống người dân.
9 tháng năm 2021, công nghiệp, thương mại, dịch vụ huyện Cần Giuộc tăng trưởng khá
Theo đánh giá của Huyện ủy Cần Giuộc, 9 tháng năm 2021, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá. Thu ngân sách nhà nước gần 424 tỉ đồng, đạt 62% dự toán tỉnh giao phấn đấu. Việc thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại nhiều kết quả khả quan (rau công nghệ cao trên 1.036ha). Huyện có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Phước Lại và Đông Thạnh.
Bên cạnh đó, nhiều công trình xây dựng cơ bản được triển khai thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Việc hỗ trợ người lao động tự do theo NQ số 68/NQ-CP được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các gia đình chính sách và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh đều được chăm lo, giúp đỡ kịp thời. Hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, người dân chung tay phòng, chống dịch.
Từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 1 tháng nữa, trong khi dịch Covid-19 còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Theo Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Phạm Văn Bốn, để có thể đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu NQ đề ra, huyện xác định phải tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; đồng thời, quán triệt cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở phải xem đây là nhiệm vụ hàng đầu với quan điểm “Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch”.
Ông Phạm Văn Bốn cho biết, hiện tại, huyện nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư nâng chất nông thôn mới. Quản lý chặt chẽ công tác thu, chi ngân sách, phấn đấu thu vượt chỉ tiêu trên các lĩnh vực. Mặt khác, huyện tập trung hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để sớm khởi công các công trình trọng điểm Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tăng cường lãnh đạo, quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, xây dựng và trật tự đô thị, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.
Chỉ đạo quyết liệt, tích cực thực hiện
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân, thị xã Kiến Tường thực hiện NQ năm 2021 đạt kết quả khá toàn diện trong những tháng đầu năm. Kinh tế của thị xã giữ vững ổn định. Sản xuất nông nghiệp đạt thắng lợi. Năng suất lúa bình quân vụ Đông Xuân 2020 - 2021 đạt 106,6% kế hoạch (tăng 4,6% so cùng kỳ); vụ Hè Thu năng suất đạt trên 56 tạ/ha, sản lượng trên 81.000 tấn.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thị xã Kiến Tường là thực hiện các tiêu chí đô thị loại III (Trong ảnh: Khu đô thị Sân Bay)
Bí thư Thị ủy Kiến Tường - Phạm Xuân Bách thông tin, từ đầu năm đến nay, công tác chỉnh trang, phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm thực hiện theo đúng lộ trình, nhất là triển khai Đề án đề nghị công nhận thị xã Kiến Tường đạt đô thị loại III. Hệ thống chính trị của thị xã tiếp tục được kiện toàn, hoạt động ngày càng ổn định, hiệu quả. Cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Xuân Bách, thời gian qua, việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến số ca mắc Covid-19 còn xảy ra trong cộng đồng. Để khắc phục tình trạng trên, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thị xã đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trong hệ thống chính trị và người dân nội dung các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống dịch.
Song song đó, thị xã chỉ đạo triển khai các giải pháp giáo dục, đào tạo gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các cấp học. Thường xuyên kiểm tra các hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với các công ty trên địa bàn. Tổ chức thực hiện trạm y tế lưu động, bảo đảm nhân lực phục vụ khi có yêu cầu. Tiếp tục triển khai hiệu quả việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, dần đưa người dân thích ứng với dịch trở lại cuộc sống “bình thường mới”.
Đối với chỉ tiêu còn đạt thấp như tổng thu ngân sách nhà nước, thị xã đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, tạo nguồn và khai thác có hiệu quả các nguồn thu, tiếp tục thu các khoản nợ ngân sách tồn đọng, các khoản thu có địa chỉ, thu cân đối phấn đấu đạt cao nhất có thể. Hiện tại, thị xã tập trung thi công các công trình xây dựng cơ bản đã được phân bổ kinh phí; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để đến cuối nhiệm kỳ thị xã Kiến Tường đạt đô thị loại III.
Từ đây đến cuối năm, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cùng những giải pháp cụ thể, tin rằng, các địa phương sẽ thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra./.
Kỳ Nam