Chốt kiểm soát dịch Covid-19 kiểm tra xe vận chuyển hàng hóa, nông sản
Gỡ khó cho vận tải
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp. Các tỉnh, thành phía Nam phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch. Theo đó, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản cũng gặp khó khăn. Những nơi cần thì không có nông sản, hàng hóa để cung ứng, trong khi những nơi dư thừa thì lại không bán được.
Trước tình hình đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Long An ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, nông sản lưu thông nhằm cung ứng hàng hóa cho người dân và tiêu thụ nông sản. Qua đó, nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động vận tải trong sản xuất nông nghiệp cũng được tháo gỡ kịp thời.
Cụ thể, người sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản và phương tiện thu mua, vận chuyển nông sản, thủy hải sản, cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản được phép lưu thông trên địa bàn tỉnh nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình lưu thông và khai báo y tế trước khi bắt đầu hành trình, bảo đảm xuất trình được mã QR kết quả khai báo y tế (trên điện thoại thông minh hoặc thiết bị phù hợp hoặc bản giấy) khi có yêu cầu kiểm tra; yêu cầu đơn vị vận tải, chủ phương tiện chỉ cho phép người điều khiển và người đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nêu trên thực hiện nhiệm vụ khi đã có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.
Chốt kiểm soát dịch Covid-19 kiểm tra xe vận chuyển hàng hóa, nông sản
Riêng đối với các đơn vị vận tải hàng hóa bằng xe ôtô phải thực hiện đăng ký cấp giấy nhận diện phương tiện được ưu tiên lưu thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Còn đối với người lao động tham gia các công việc nêu trên, phải có giấy xác nhận của chính quyền cấp xã (nơi người lao động cư trú) để được di chuyển đến địa bàn thực hiện công việc.
Tại cửa hàng vật tư nông nghiệp Bảy An (ấp Cá Tôm, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh), hầu hết khách hàng đều ở huyện Thạnh Hóa. Để việc cung cấp vật tư nông nghiệp cho nông dân Thạnh Hóa được thuận lợi, ông Nguyễn Văn An (chủ cửa hàng) được UBND xã hướng dẫn đến Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện làm đơn đăng ký vận chuyển hàng hóa. Ông An bộc bạch: “Thủ tục cũng dễ dàng, có mẫu sẵn chỉ cần điền các thông tin là được. Đồng thời, địa phương tạo điều kiện cho người tham gia vận chuyển hàng hóa được test nhanh nên chỉ trong 2 giờ là hoàn thành các thủ tục”.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa - Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Để bảo đảm công việc thu mua và phân phối nông sản cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, HTX đã đăng ký với Sở GTVT để cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” cho các phương tiện vận chuyển nông sản của HTX.
Mặt khác, nhằm bảo đảm an toàn cho đội ngũ tài xế, HTX phối hợp Trung tâm Y tế huyện thực hiện việc xét nghiệm Covid-19 định kỳ và yêu cầu các tài xế cam kết thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch”. Được biết, hiện nay, mỗi ngày, HTX thu mua gần 20 tấn rau, củ, quả các loại, phân phối cho khách hàng trong địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành lân cận như TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai và Bình Dương.
Mỗi ngày, Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh cung ứng gần 20 tấn nông sản
Nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động
Huyện Tân Thạnh là cửa ngõ đi vùng Đồng Tháp Mười và các tỉnh miền Tây. Sau khi có văn bản của Sở GTVT, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện tham gia sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thu hoạch, thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản, thủy sản, cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông, hiện nay, huyện phối hợp Công an tỉnh, Sở GTVT bố trí 4 chốt kiểm soát trên các tuyến: Quốc lộ 62, Quốc lộ N2 để kiểm soát người từ ngoài tỉnh, ngoài huyện vào địa bàn cũng như các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười. Riêng đối với các đường mòn, lối mở giáp ranh tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, huyện cho làm các rào chắn kiên cố theo phương châm địa phương cách ly với địa phương; xã cách ly xã; ấp, khu phố cách ly với ấp, khu phố; gia đình cách ly với gia đình.
“UBND huyện giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các xã, thị trấn xác nhận cho các doanh nghiệp trong huyện không đăng ký “luồng xanh” được phép vận chuyển hàng hóa, nông sản ra khỏi địa bàn huyện trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải làm đơn đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa, trong đó ghi rõ thông tin của chủ phương tiện, phương tiện, địa chỉ, hành trình lưu thông, địa điểm thu mua. Đồng thời, người làm đơn phải cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình vận chuyển hàng hóa theo quy định” - ông Đông cho biết thêm.
Doanh nghiệp nộp đơn đề nghị cấp giấy lưu thông tại Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Thạnh
Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, nhiều doanh nghiệp, HTX vận chuyển nông sản, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó ở khâu kiểm tra tại các điểm chốt, trạm của các tỉnh, thành phố và các cửa ngõ ra, vào tỉnh. Để giải quyết tình trạng này, Sở Công Thương đã làm việc với đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ các đơn vị vận chuyển liên tỉnh được cấp giấy chứng nhận ưu tiên “luồng xanh” có mã QR dán trên xe. Khi qua các trạm, các cơ quan chức năng chỉ cần quét mã QR là ra thông tin hàng hóa vận chuyển, doanh nghiệp,... Khi có giấy chứng nhận ưu tiên đi “luồng xanh”, doanh nghiệp được lưu thông liên tỉnh và chỉ phải kiểm tra điểm đầu, điểm cuối trong hành trình vận chuyển hàng hóa, nông sản.
Theo Sở GTVT, “luồng xanh” ưu tiên cho xe qua các chốt kiểm soát giao thông nhưng không có nghĩa là buông lỏng công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bởi hiện nay, ngành GTVT chỉ mới cấp giấy nhận diện cho phương tiện, còn lái xe và người trên xe thì chưa. Do đó, người trên xe phải chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Y tế như có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, hạn chế tiếp xúc trong khâu giao, nhận hàng hóa.
Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn cho biết, mỗi lái xe đều có thể có rủi ro khi đi vào vùng dịch, có thể là tác nhân đưa mầm bệnh ra cộng đồng. Do đó, phải bảo đảm nghiêm ngặt an toàn phòng, chống dịch từ lái xe, người đi trên xe. Các doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra và chuẩn bị đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho lái xe trước, trong và sau khi hoạt động.
“Sở đề nghị các đơn vị vận tải, chủ phương tiện, lái xe và nhân viên đi cùng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt quá trình hoạt động vận tải; chỉ cho phép lái xe, nhân viên đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa thực hiện nhiệm vụ khi có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 (trong vòng 72 giờ), khai báo y tế đầy đủ khi có yêu cầu. Song song đó, các đơn vị của Sở sẽ chủ động kiểm tra, theo dõi lộ trình hoạt động của các phương tiện trên hệ thống cập nhật dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và thực hiện hậu kiểm đối với các đơn vị có phương tiện được cấp thẻ nhận diện có mã QR hoạt động trên “luồng xanh”. Nếu phát hiện vi phạm, Sở sẽ áp dụng biện pháp thu hồi thẻ nhận diện, không gia hạn hoặc từ chối cấp thẻ nhận diện có mã QR hoạt động trên “luồng xanh” - ông Tuấn cho biết thêm./.
Khi có giấy chứng nhận ưu tiên đi “luồng xanh”, doanh nghiệp được lưu thông liên tỉnh và chỉ phải kiểm tra điểm đầu, điểm cuối trong hành trình vận chuyển hàng hóa, nông sản”.
Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh
|
Lê Ngọc - Bùi Tùng