Tiếng Việt | English

13/07/2023 - 11:32

Thủ tướng chủ trì họp ban chỉ đạo dự án trọng điểm ngành giao thông

Sáng nay 13/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; các thành viên Ban Chỉ đạo là bộ trưởng, thủ trưởng các ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đại diện các tập đoàn kinh tế Nhà nước, bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, đơn vị tư vấn, nhà thầu, giám sát, thi công.

Toàn cảnh phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bối cảnh hiện nay, chúng ta đang ưu tiên cho tăng trưởng, vì kiểm soát lạm phát giảm dần theo tháng, tăng trưởng tăng lên theo quý, tuy nhiên so mục tiêu đề ra còn thấp. 

Do đó cần tập trung 3 động lực tăng trưởng, trong đó có đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI và lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho phát triển.

Thủ tướng cho biết, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải chiếm đa số trong nguồn vốn đầu tư công, do đó, việc tổ chức giải ngân “đúng và trúng”, nâng cao chất lượng giải ngân, góp phần tăng trưởng là hết sức quan trọng. Phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm, từ tháng 6 trở đi là ưu tiên cho tăng trưởng. Các bộ, ngành phải ưu tiên cho tăng trưởng, tích cực tham gia, giám sát, thực hiện nghị quyết của Chính phủ để các chỉ đạo đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo ra của cải vật chất.

Mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng là rất cao, trong khi quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức chống chịu với các tác động bên ngoài còn hạn chế, do đó phải nỗ lực, tự lực, tự cường, “biến không thành có, biến không thể thành có thể”. Lúc này rất cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo việc làm, sinh kế cho người dân, giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Thủ tướng đề nghị với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp, các Ban quản lý dự án, nhà thầu cùng vào cuộc tích cực vì lợi ích quốc gia, dân tộc, hành động quyết liệt, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Thủ tướng yêu cầu, các đại biểu góp ý thẳng thắn, chỉ rõ vấn đề phải giải quyết; dứt khoát đã ra nghị quyết phải thực hiện, ai không thực hiện thì phải phê bình, góp ý, “không có vùng cấm”, “không để những cái sai nhỏ tích tụ thành cái sai lớn”.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau cuộc họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo vào ngày 04/4/2023, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có nhiều chỉ đạo, điều hành tại các cuộc họp chuyên đề; trực tiếp kiểm tra hiện trường các dự án, kịp thời ban hành các văn bản, chỉ thị, công điện tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt về giải phóng mặt bằng (GPMB) và cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) cho dự án.

Đến nay, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Như các cấp chính quyền địa phương đã thay đổi rất lớn trong tư duy, đổi mới cách làm, xác định việc hoàn thành công tác GPMB các dự án là nhiệm vụ chính trị quan trọng; đã thành lập Ban Chỉ đạo, một số địa phương đã thành lập tổ công tác đặc biệt để trực tiếp chỉ đạo; cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc, quyết liệt triển khai công tác GPMB, xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng tiến độ; đã phối hợp với các chủ đầu tư trong triển khai các thủ tục liên quan đến mỏ VLXD; tăng cường kiểm tra hiện trường để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư các dự án

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã phối hợp với các cơ quan chủ quản hoàn thành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư/điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án trọng điểm; Bộ Tài chính đã phối hợp với các chủ đầu tư giải quyết các thủ tục về nguồn vốn, đặc biệt cho dự án sử dụng vốn vay ODA; Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với Bộ GTVT xử lý các vướng mắc liên quan đến nguồn vật liệu đắp cho các dự án; báo cáo Chính phủ về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 ; Bộ Công Thương đã đề nghị các đơn vị phân phối chú trọng, quan tâm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho các công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT...

Dự phiên họp có đơn vị tư vấn, nhà thầu, giám sát, thi công.

Đặc biệt 12 địa phương có dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua đã bàn giao mặt bằng được 624,34/721,2 km (87%); đã hoàn thành 38 khu tái định cư, đang xây dựng 106 khu; đã hoàn thành thủ tục thỏa thuận hồ sơ thiết kế 53/71 vị trí (75%), 14 địa phương có 03 dự án cao tốc Đông - Tây và 2 đường vành đai đã triển khai GPMB đáp ứng tiến độ khởi công, trong đó một số địa phương triển khai tốt như Hà Nội, Đồng Nai, Hậu Giang và Thành phố Hồ Chí Minh đạt trên 85%, đang tích cực triển khai GPMB phần còn lại để hoàn thành trước 31/12/2023.

Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để hoàn thành công tác GPMB dự án nhà ga T3 CHKQT Tân Sơn Nhất.

12/14 địa phương là cơ quan chủ quản 3 cao tốc trục Đông - Tây  và 2 đường vành đai  đã nỗ lực triển khai để khởi công các dự án trước ngày 30/6/2023 theo đúng yêu cầu của Chính phủ, nâng tổng số đường cao tốc khởi công từ đầu năm đến nay lên 1.332 km . Hiện nay đang chỉ đạo nhà thầu, chuẩn bị công trường, huy động máy móc, lập thiết kế bản vẽ thi công, chuẩn bị nguồn vật liệu,... để thi công.

Các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình đã tích cực triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đường bộ cao tốc được giao làm cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền, phấn đấu phê duyệt trong quý III năm 2023.

Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị; đang triển khai thi công, phấn đấu khai thác 2 tuyến vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 .

Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 33 tỉnh, thành phố có các công trình, dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu tổ chức thi công “3 ca 4 kíp”, khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác 4 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với chiều dài 312 km trong quý II năm 2023, nâng tổng số đường cao tốc lên 1.729 km, tạo được hiệu ứng lớn, sự tin tưởng của các cấp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phấn khởi của Nhân dân; đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành 04 dự án cao tốc với tổng chiều dài 123 km, tăng tổng số đường cao tốc lên 1.852 km.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bến Lức - Long Thành, bố trí nguồn vốn để thi công trở lại các gói thầu; chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai dự án CHKQT Long Thành và nhà ga T3 CHKQT Tân Sơn Nhất bám sát tiến độ yêu cầu, trong đó dự kiến khởi công 02 tuyến giao thông kết nối vào ngày 14/7/2023 và hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ trong tháng 8/2023; đã nỗ lực trong việc lựa chọn nhà thầu gói thầu nhà ga hành khách CHKQT Long Thành và dự kiến sẽ có kết quả trong tháng 7/2023.

Vũ Khuyên/VOV

Chia sẻ bài viết


lcl