Chiều 4/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, tổng kết công tác đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cũng như triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 của ngành Giao thông Vận tải.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thành Chung)
Báo cáo và các tham luận tại hội nghị khẳng định: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” với mục tiêu trọng tâm về hạ tầng giao thông là: “bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ, năng lực vận tải được nâng cao, giao thông được thông suốt, an toàn", Bộ GTVT đã khẩn trương rà soát, điều chỉnh chiến lược, các quy hoạch phát triển chuyên ngành, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển tổng thể của ngành đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngành đã tập trung sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ NSNN (bao gồm cả nguồn vốn ODA), vốn TPCP và thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn 2011-2015 đã kêu gọi đầu tư ngoài nhà nước cho phát triển hạ tầng đường bộ trên 186 nghìn tỷ đồng; lĩnh vực cảng biển thu hút trên 121 nghìn tỷ đồng...Ngành giao thông vận tải cũng đã tập trung chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, hệ thống các quy định về giao thông vận tải, trong đó có quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác 704 km đường bộ cao tốc, vượt 104 km so với mục tiêu Nghị quyết đề ra; đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước sớm hơn 1 năm rưỡi so với kế hoạch; đồng thời hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sớm hơn 1 năm. Ngành giao thông cũng đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400 km đường bộ và hơn 94.000 m dài cầu đường bộ...; xây dựng mới, nâng cấp được trên 47 nghìn km đường giao thông nông thôn và hoàn thành 187 cầu treo dân sinh và đang tiếp tục triển khai 48 cầu gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.
Năm 2016, với phương châm hành động “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng”, ngành GTVT đề ra các chỉ tiêu cụ thể là: Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; phấn đấu tăng trưởng bình quân 7-8% về tấn hàng hoá và lượt hành khách so với năm 2015; hoàn thành kế hoạch thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao dự kiến gần 81.000 tỷ đồng; tiếp tục thực hiện năm an toàn giao thông 2016 với chủ đề “ Xây dựng văn hoá giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “tính mạng con người là trên hết”; phấn đấu giảm tai nạn giao thông ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước từ 5 đến 10% so với năm 2015 trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương; giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...
Thủ tướng trao cờ thi đua cho các đơn vị.
Ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc của Ngành giao thông vận tải trong 5 năm qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng tình với các mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ triển khai kế hoạch năm 2016 của Bộ Giao thông vận tải. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo bộ và toàn ngành giao thông vận tải cần tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành. Trước hết phải tập trung vào thể chế, cơ chế, chính sách, luật pháp để lĩnh vực giao thông vận tải đáp ứng các yêu cầu của cơ chế thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó là rà soát, cập nhật, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch giao thông vận tải cả đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường không; gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các nhu cầu phát triển. Song song với việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý lãnh đạo bộ GTVT tập trung chỉ đạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ xã hội trong từng dự án cụ thể.
Thủ tướng phát biểu: “Đồng thời với việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực của ngân sách nhà nước, của trái phiếu chính phủ, nguồn vốn ODA thì tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng thông qua từng dự án cụ thể ở trung ương, ở tỉnh thành phố, ở cấp huyện cấp xã cũng hết sức chú ý cái này. Tôi có đi nhiều chỗ có đò ngang, các cháu đi học rất khổ sở, trời mưa gió mà đi đò rất nguy hiểm. Bây giờ người ta chỉ đầu tư cây cầu nhỏ thôi, cho người ta thu phí 1 ít thôi, cho hoàn vốn thôi thì các cháu có đường đi.”
“Bây giờ ở địa phương chỉ HĐND thông qua cái đó cho họ thu như thế nào? Giá vé thế nào để ra cái dự án đó thôi thì con cháu chúng ta đỡ biết bao nhiêu. Tôi không nói công trình lớn đâu, công trình lớn chúng ta phải làm rồi, nhưng những công trình nhỏ như thế mà cứ chờ ngân sách. Hôm trước tôi có nói bây giờ cứ nhìn vào cái túi của TW mà cứ xách cặp ra Hà Nội thì chấm dứt cái đó. Giờ phân bổ TW là phân bổ ngân sách 5 năm rồi. Bây giờ tỉnh 5 năm anh có bao nhiêu đã rõ tương đối rồi, ngành GT 5 năm có bao nhiêu cũng tương đối rõ rồi. Thì bây giờ bằng mọi cách chúng ta làm tiếp cái này. Cơ chế chính sách đi vào từng dự án cụ thể. Thưa các đồng chí tôi nói lại có cái là cơ chế chính sách chung rồi nhưng khi đi đến phê duyệt từng dự án theo phân cấp thì phải có những cái cụ thể nữa thì mới thu hút được. Kể cả hỗ hợ GPMT, cái này, cái khác, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư thì mới ra công trình được.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu ngành GTVT tiếp tục nâng cao năng lực vận tải đa phương thức, giảm giá thành, giảm chi phí vận tải để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hoá; tiếp tục làm tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quyết tâm giảm tối đa tai nạn giao thông cả trên cả ba tiêu chí; tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm về vận tải và an toàn giao thông. Thủ tướng lưu ý lãnh đạo Bộ cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành giao thông vận tải, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ngành.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao huân chương lao động cho các tập thể và cá nhân thuộc bộ Giao thông vận tải và Cờ thi đua của Chính phủ cho 4 tỉnh, 9 huyện, 1 thị xã cùng các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giao thông vận tải thời gian qua./.
Thành Chung/VOV.VN