Tiếng Việt | English

17/09/2022 - 14:09

Thủ tướng phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam

Về đối ngoại, Đề án đặt ra mục tiêu hoàn thành việc thực thiện khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền LHQ về tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về quyền con người.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028, trong đó khẳng định: Công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài.

Truyền thông về quyền con người cần được triển khai trên cả 3 nội dung: phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam.

Người dân đi sinh hoạt tôn giáo tại một nhà thờ Tin lành tại tỉnh Gia Lai. 

Đề án nêu rõ: Truyền thông về quyền con người cần nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người, thông tin đầy đủ giúp người dân ở trong nước, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và các kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người ở phạm vi trong nước, khu vực và quốc tế. 

 Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2028, 100% cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về công tác bảo đảm quyền con người; Biên soạn, xuất bản và tái bản 1.000 đầu sách về quyền con người; Tổ chức chuỗi triển lãm ảnh, tài liệu lưu trữ về quyền con người ở Việt Nam bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài tại 63 tỉnh, thành phố và một số địa bàn trọng điểm ở nước ngoài.

Về đối ngoại, Đề án đặt ra mục tiêu hoàn thành việc thực thiện khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền LHQ về tăng cường truyền thông, nâng cao  nhận thức về quyền con người.

Phạm vi thực hiện Đề án là 63 tỉnh, thành trong nước và một số địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, một số địa bàn ưu tiên phát triển quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước; trụ sở của các cơ quan quyền con người quốc tế như New York (Mỹ), Geneve (Thụy Sỹ), Bangkok (Thái Lan)…

Đề án cũng nêu rõ việc tổ chức các giải thưởng truyền thông về quyền con người, đưa hạng mục Giải báo chí về quyền con người vào hệ thống các giải thưởng báo chí quốc gia./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết