Tiếng Việt | English

21/11/2022 - 20:10

Tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể

Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới" (NQ số 20) khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng: “KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Long An đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tập thể

Xu thế tất yếu 

Việc ban hành NQ số 20 là yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện NQ Đại hội XIII của Đảng, phù hợp thực tiễn và tạo nguồn lực, động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

NQ số 20 nêu rõ 5 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đối với khu vực KTTT trong giai đoạn mới; cùng với đó là 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công các đơn vị tổ chức thực hiện. NQ khẳng định, phát triển KTTT là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. KTTT với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX,...) trong đó HTX là nòng cốt.

Mục tiêu tổng quát phát triển KTTT trong giai đoạn tới là phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát huy vai trò nòng cốt 

Sau hơn 20 năm triển khai, thực hiện NQ số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về "tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT", khu vực KTTT của nước ta có sự thay đổi nhanh chóng. Hệ thống liên minh HTX ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò kết nối, hướng dẫn, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của HTX và các thành viên, làm cầu nối để đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách, khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển KTTT và HTX.

Các hợp tác xã ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động, tạo thu nhập ổn định cho thành viên cũng như người lao động

Cùng với Liên minh HTX Việt Nam, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT; đồng thời, tích cực hướng dẫn, tư vấn HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, Liên minh HTX tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Qua đó, góp phần tích cực vào sự chuyển biến của KTTT trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - Trần Quốc Toản cho biết: “Toàn tỉnh có 294 HTX, 5 liên hiệp HTX và 1.149 tổ hợp tác. Bên cạnh sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, khu vực KTTT từng bước vượt qua tình trạng yếu kém kéo dài, có nhiều tín hiệu phục hồi và phát triển ổn định. Các HTX ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động. Từ đó, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế nông thôn và tạo thu nhập ổn định cho thành viên cũng như người lao động”.

Nhằm thúc đẩy KTTT phát triển, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KTTT, từng bước đưa NQ số 20 vào cuộc sống./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích