Tự hào vùng đất anh hùng
Long An có nhiều “địa chỉ đỏ”, ghi dấu những chiến công hào hùng của thế hệ cha anh thuở trước. Trong đó, Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) là Khu di tích Quốc gia mang nhiều dấu ấn lịch sử. Đây là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của cách mạng miền Nam trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Nam bộ.
Phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường, tỉnh lập nhiều thành tích trên các lĩnh vực (Trong ảnh: Diện mạo TP.Tân An ngày nay)
Ông Lê Văn Cẩm (ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập) chia sẻ: “Nhơn Hòa Lập vừa là căn cứ địa cách mạng, vừa là hành lang chiến lược quan trọng của Khu 8 và của toàn miền Nam. Ông, cha tôi thường kể nhiều câu chuyện về kháng chiến và nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn của thế hệ trước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh giành độc lập, tự do cho hôm nay. Tôi tự hào với mảnh đất quê hương khi trước đây là chiến khu Đồng Tháp Mười, 1 trong 3 chiến khu lớn của Nam bộ. Chính nơi đây, những cơ quan bí mật của Đảng, chính quyền, lực lượng du kích vũ trang vẫn hoạt động với sự chở che, đùm bọc của nhân dân từ giai đoạn khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 đến Nam bộ kháng chiến năm 1945”.
Ngày nay, vùng đất anh hùng có nhiều thay đổi. Nông dân trồng lúa đạt hiệu quả, bên cạnh chuyển đổi một số cây ăn trái phù hợp. Đường sá, cầu giao thông được xây mới; điện, nước được đầu tư;... Vùng đất hoang hóa ngày nào nay vươn mình thành những cánh đồng trù phú và Nhơn Hòa Lập cũng đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Đức Hòa là một trong những vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Mảnh đất này từng gắn liền với nhiều sự kiện, địa danh lịch sử. Đó là Vườn nhà ông Bộ Thỏ ở xã Đức Hòa Thượng - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn (Long An ngày nay) do đồng chí Võ Văn Tần làm bí thư. Hay cuộc biểu tình của hơn 5.000 nông dân ở Ngã tư Đức Hòa, chống sưu cao, thuế nặng,... Đức Hòa cũng là một trong những căn cứ địa, chỗ dựa, hậu phương nuôi giấu, bảo vệ lực lượng cách mạng; là bàn đạp tiến vào Sài Gòn, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Không chỉ anh hùng trong kháng chiến, sau ngày giải phóng, hệ thống chính trị và toàn dân chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển KT - XH. Hiện nay, Đức Hòa “khoác” lên mình "chiếc áo mới" khi diện mạo đổi thay từng ngày, đời sống người dân được nâng lên và trở thành một trong những huyện phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh. Những thành tựu hôm nay là nhờ thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết qua các kỳ đại hội Đảng.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Trường Chinh, với vị trí thuận lợi, tiếp giáp TP.HCM, tỉnh Tây Ninh nên huyện có nhiều điều kiện để phát triển, nhất là kinh tế công nghiệp. Nhiều năm qua, công nghiệp ngày càng khẳng định vai trò, vị trí chủ đạo trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng đối với sự phát triển của địa phương cũng như của tỉnh. Hiện nay, cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đóng góp 92,23%, thương mại - dịch vụ đóng góp 5,55% và nông nghiệp đóng góp 2,22%.
Viết tiếp truyền thống “trung dũng, kiên cường”
Long An hôm nay đã “thay da, đổi thịt” với một diện mạo mới từ nông thôn đến thành thị. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Long An tiên phong trong kháng chiến thì ngày nay tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau ngày thống nhất đất nước, phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm, Tỉnh ủy lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và quân Long An vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đạt những thành tựu vẻ vang. Tỉnh nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống người dân, vừa chiến đấu, bảo vệ biên giới và chủ quyền lãnh thổ, vừa cải tạo, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Khu di tích lịch sử Vườn nhà ông Bộ Thỏ, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa - nơi ghi dấu sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn
Thành tựu nổi bật của tỉnh là đột phá trong việc xóa bỏ cơ chế bao cấp về sản xuất và phân phối lưu thông; tiến quân khai mở, đánh thức tiềm năng kinh tế, quốc phòng của vùng Đồng Tháp Mười. Từ sau năm 1986 đến nay, Tỉnh ủy đề ra những chương trình đột phá, công trình trọng điểm, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực và quyết liệt để lãnh đạo các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc biên cương và lãnh thổ quốc gia,… Từ đó, đưa tỉnh vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành địa phương năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng những năm qua, tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, bình quân 5 năm giai đoạn 2015 - 2020 đạt 9,11%. Nhiều năm qua, Long An là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao so với trung bình chung của cả nước. 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,43%, vượt mức dự báo trong bối cảnh vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trên địa bàn tỉnh hiện có 18 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 1.700 dự án đầu tư với diện tích hơn 2.400ha, lấp đầy trên 91%; 22 cụm công nghiệp hoạt động, thu hút gần 700 dự án;...
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định, với truyền thống vẻ vang được kết tinh thành tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đã cùng cả nước giành được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc đổi mới, kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An tiếp tục lập nên nhiều thành tích mới, là một trong những điển hình trong công cuộc đổi mới, góp phần đưa kinh tế địa phương không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên. Long An từng bước khẳng định vị thế trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vươn lên cùng các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu, nỗ lực vươn lên với mục tiêu: “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Thực hiện mục tiêu ấy, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng: “Long An trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và đổi mới sáng tạo; là cửa ngõ kết nối Đông Tây; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm môi trường, cải thiện an sinh; giữ vững trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh”. Cụ thể, quy hoạch tỉnh định hướng phát triển 2 hành lang chiến lược phía Đông - phía Nam, 1 trung tâm chính trị - hành chính, 1 vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 3 vùng đô thị, 6 trục động lực.
“Với những định hướng trên, tôi mong muốn và tin tưởng rằng các cấp, ngành, các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục tin tưởng, đồng hành và phát huy truyền thống "trung dũng, kiên cường" với khát vọng vươn lên mạnh mẽ để đưa Long An trở thành tỉnh thịnh vượng theo hướng xanh và bền vững khu vực phía Nam” - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh./.
Thanh Nga