Tiếng Việt | English

24/10/2021 - 17:26

Viện trưởng Lê Minh Trí: Tài sản tham nhũng “ẩn nấp” ngoài xã hội rất khó thu

Nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì tài sản tham nhũng mà các đối tượng có thủ đoạn che dấu, ẩn nấp ở ngoài xã hội, nhờ người khác đứng tên như xe ô tô, nhà đất thì khó “đụng” vào được.

Phải cắt “quãng thời gian vàng” khiến tài sản bị tẩu tán

Đề cập công ác thi hành án dân sự, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn TP Hải Phòng) cho rằng việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Ngày 2/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế. Đây là cơ sở chính trị quan trọng.

“Các cơ quan tiền tố tụng, cơ quan tố tụng cần phải vào cuộc và kịp thời áp dụng biện pháp cần thiết, như thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, làm tiền đề quan trọng để thi hành án đạt kết quả” – đại biểu nêu ý kiến.


Đại biểu Lã Thanh Tân thảo luận trực tuyến tại điểm cầu thành phố Hải Phòng. Ảnh: Quốc hội

Về thể chế, theo đại biểu, trong nhiều vụ việc dù tài sản đã được bản án kê biên, tuyên kê biên có thể xử lý ngay nhưng do nằm ở nhiều địa phương khác nhau nên theo quy định các cơ quan thi hành án dân sự phải xử lý xong tài sản ở nơi đang tổ chức thi hành rồi mới có thể ủy thác đến nơi có tài sản khác. Do vậy, thời gian thi hành án kéo dài.

Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định của Luật Thi hành án dân sự đối với trường hợp ủy thác xử lý tài sản khi người phải thi hành án có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau, để rút ngắn thời gian và xử lý hiệu quả tài sản thi hành án, nhất là trong trường hợp thu hồi tiền và tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Cũng đề cập vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đánh giá, từ thực tiễn tố tụng và thi hành các bản án trong thời gian qua cho thấy pháp luật về kê biên tài sản, bảo đảm thi hành án đang bộc lộ sự bất cập, khiến cho việc thu hồi tài sản của nhà nước do người phạm tội gây ra gặp rất nhiều khó khăn.

Dẫn quy định pháp luật hiện hành, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, quy định tại Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nghĩa, việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa đi xét xử, còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được miễn trừ trách nhiệm.

“Hay nói cách khác, người phạm tội được hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản sở hữu, đây chính là kẽ hở của pháp luật, vô hình trung biến thành quãng “thời gian vàng” giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có” – vị đại biểu đoàn Trà Vinh phân tích.

Cũng theo đại biểu, thực tế, thời gian qua, rất nhiều vụ án tham nhũng, đại án kinh tế hàng ngàn tỷ đồng bị thất thoát, chiếm dụng nhưng không được thu hồi bởi tài sản này đã bị sang tên cho người khác trong gia đình. Sự chậm trễ hoặc bỏ qua việc kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố là nguyên nhân dẫn đến nhiều đại án khó thu hồi tài sản phạm pháp.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định "chỉ kê biên bán tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại" cũng làm khó cơ quan tố tụng vì nội hàm rất trừu tượng.

“Tài sản bị tội phạm chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là đặc biệt lớn, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, người có chuyên môn, nghiệp vụ nên thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để che giấu hành vi phạm tội, che giấu nguồn gốc hình thành tài sản do phạm tội mà có, che giấu đường đi của dòng tiền nên rất khó phát hiện, thu hồi”- đại biểu nhấn mạnh và đề nghị cần phải xem xét, hoàn thiện các quy định liên quan, nhất là việc kê biên tài sản bảo đảm thi hành án.

Tài sản bất minh “ẩn nấp” ngoài xã hội thì rất khó thu

Phát biểu giải trình về vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra, ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện KSND tối cao khẳng định, thời gian qua, chủ trương của Đảng và quyết tâm chính trị là yêu cầu các cơ quan tố tụng phải làm tốt hơn nữa công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát của Nhà nước.

“Trong thực tế những năm gần đây chúng ta có làm tốt hơn, có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì cảm thấy vẫn chưa hài lòng. Bởi vì rõ ràng số mất với số lấy lại vẫn chưa tương xứng” – ông Lê Minh Trí nói.

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện KNSD tối cao lưu ý, quyết tâm kê biên, rồi thu hồi cũng phải theo luật hiện hành vì không phải lúc nào cũng thực hiện được, thậm chí phải chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước, bị khởi kiện nếu kê biên, niêm phong không đúng.

“Cho nên làm thì khẩn trương, quyết tâm chính trị nhưng cũng phải chặt chẽ và chính xác. Hệ thống pháp luật hiện nay phải tiếp tục rà soát để tiếp tục hoàn chỉnh và hoàn thiện, không phải dễ gì cứ muốn thu là thu” – ông Lê Minh Trí bày tỏ.


Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng nhắc lại, khi báo cáo tại Hội nghị phòng, chống tham nhũng, ông có đề xuất hai việc. Trước hết đề nghị Quốc hội nên nghiên cứu, xem xét để đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội dự án Luật Đăng ký tài sản. Hiện nay, chúng ta chỉ mới có kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, nhưng tài sản đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, chiếm, sở hữu mà có thể hợp pháp hay không hợp pháp, có chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay không thì vẫn bỏ một khoảng trống rất lớn.

Theo ông, nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì tài sản tham nhũng mà các đối tượng có thủ đoạn che dấu, ẩn nấp ở ngoài xã hội, nhờ người khác đứng tên như xe ô tô, nhà đất thì khó “đụng” vào được.

Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị Chính phủ nên có một lộ trình cho việc hạn chế sử dụng tiền mặt, đặc biệt trong xu thế hiện nay đang áp dụng trực tuyến để thanh toán, thông qua ngân hàng.

“Các hoạt động kinh tế phải minh bạch thì chống tham nhũng, thu hồi tài sản mới tốt được. Quyết tâm nhưng thu, kê biên không đúng luật thì người ta kiện. Đúng hay không thì phải xác minh, mà trong quá trình xác minh thì họ tẩu tán mất rồi. Cho nên việc này phải giải quyết bằng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có biện pháp căn cơ là pháp luật, để chúng ta có thể thu hồi tốt hơn” – ông Lê Minh Trí nhấn mạnh./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Chia sẻ bài viết