Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt nhìn từ bên ngoài. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cung cấp)
Ngày 13/11, tại Ninh Thuận, Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tập đoàn Năng lượng quốc gia Nga (ROSATOM) tổ chức hội thảo quốc tế "Sự chấp nhận của công chúng đối với công nghệ hạt nhân-Chia sẻ kinh nghiệm từ châu Á."
Bên lề hội thảo, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Arnold Soetrisnanto, Chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Indonesia về thực trạng phát triển điện hạt nhân tại Indonesia.
- Xin ông cho biết kế hoạch phát triển điện hạt nhân tại Indonesia?
Ông Arnold Soetrisnanto: Indonesia có kế hoạch xây dựng, phát triển ngành năng lượng hạt nhân nói chung và điện hạt nhân nói riêng từ 60 năm nay, khi chỉ các nước phát triển phương Tây mới có năng lượng hạt nhân; công tác đào tạo nhân lực, lựa chọn địa điểm… đã được chuẩn bị nhưng đến nay chủ trương phát triển điện hạt nhân vẫn chưa được duyệt dù tình trạng thiếu điện xảy ra ở nhiều nơi.
Hiện Indonesia có 3 lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, trong đó lò đầu tiên được xây dựng từ năm 1964 và hai lò tiếp theo được xây dựng vào các năm 1979, 1987. Tất cả các lò này trong quá trình vận hành đến nay không gặp phải bất kỳ một sự cố nghiêm trọng nào. Năm 1972, Chính phủ Indonesia đã lập cơ quan nghiên cứu với mục đích chuẩn bị cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Tính đến nay, công tác chuẩn bị cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên này đã được thực hiện hơn 40 năm nhưng chưa có quyết định cuối cùng vì Indonesia gặp nhiều khó khăn không phải về mặt kỹ thuật mà về mặt chính trị.
Theo đánh giá tiêu chuẩn xem một nước có thực hiện phát triển được năng lượng hạt nhân hay không của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Indonesia đã đáp ứng 16/19 quy định, chỉ còn lại 3 điểm cần khắc phục là: Quyết định của chính phủ, cơ quan pháp quy hạt nhân và sự chấp nhận của công chúng.
- Từ thực tế khó khăn về chính trị, xin ông cho biết kinh nghiệm của Indonesia trong việc kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân và sự chấp thuận của công chúng?
Ông Arnold Soetrisnanto: Trong tương lai năng lượng hạt nhân được phát triển để hỗ trợ, thay thế các nguồn năng lượng tương ứng dần cạn kiệt nên năng lượng hạt nhân có ý nghĩa quan trọng. Nhưng lựa chọn phát triển điện hạt nhân cần cân nhắc nhiều yếu tố, đảm bảo hiệu quả, an ninh và an toàn.
Hiện nay an ninh nguồn cung, kinh tế và bảo vệ môi trường là 3 trụ cột quan trọng cần phải được nhấn mạnh và triển khai tại Indonesia để đạt được vấn đề bền vững về năng lượng. Bất kỳ một trong 3 trụ cột này bị ảnh hưởng lung lay sẽ dẫn tới sự thất bại của việc xây dựng hệ thống năng lượng bền vững.
Trong chinh sách về năng lượng bền vững tất cả các trụ cột đều có ý nghĩa như nhau liên qua đến quan ngại về môi trường cần xác nhận của bên thứ ba để đảm bảo sự độc lập, có nhiều nghiên cứu và xác nhận của bên thứ ba đã được công bố, việc đo nồng độ phác thải CO2 của các nhà máy năng lượng cũng được công bố, việc xác nhận của các bên thứ ba sẽ được đánh giá tiếp theo do tổ chức của Paris (Pháp). Đây là quốc gia sử dụng rất nhiều năng lượng công nghệ hạt nhân và đánh giá độc lập với kinh nghiệm của Pháp sẽ rất hữu ích cho Indonesia.
Dự án điện hạt nhân đầu tiên của Indonesia được chọn đặt tại Muria (đảo Java), nhưng Chính phủ không cương quyết về xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và người dân ở Muria cũng không ủng hộ. Qua thực tế này, Indonesia thấy rõ tầm quan trọng và vai trò sự chấp thuận của công chúng để dự án điện hạt nhân triển khai thành công.
Qua quá trình thảo luận, đến năm 2010, Chính phủ đã chuyển địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân từ Muria sang Bangka. Các cuộc nghiên cứu và phương án khả thi cho Bangka đã kết thúc năm 2013. Do đó có thể nói, Indonesia đã chuẩn bị sẵn 2 địa điểm cho kế hoạch phát triển điện hạt nhân nhưng đến bây giờ vẫn chưa có quyết định cuối cùng bởi khó khăn về chính trị.
- Liệu những sự cố hạt nhân có ảnh hưởng đến dư luận cũng như công chúng Indonesia?
Ông Arnold Soetrisnanto: Năm 2010, Chính phủ đã chuyển địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân từ Muria sang Bangka, sự cố hạt nhân Fukushima xảy ra vào tháng 3/2011 đã ảnh hưởng khá rõ rệt tới tiến trình phát triển nhà máy điện hạt nhân của chúng tôi.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhà nước chưa đưa ra quyết định về việc có phát triển điện hạt nhân hay không, các sự cố như Chernobyl hay Fukushima ảnh hưởng đến tâm lý người dân, giảm sự ủng hộ của quần chúng trong tiến trình phát triển điện hạt nhân.
Nghiên cứu của Indonesia sau sự kiện Fukushima tại Bangka cho thấy, từ mức ủng hộ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đạt hơn 70%, nay khoảng 50% số này đã không còn ủng hộ nữa, vì vậy Indonesia cung cấp các thông tin, bức tranh toàn cảnh phát triển năng lượng, mức độ an toàn... để đạt được sự chấp thuận của công chúng.
- Ông đánh giá thế nào về tiến trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam?
Ông Arnold Soetrisnanto: Việt Nam có chủ trương phát triển điện hạt nhân sau Indonesia vài chục năm nhưng lại có những bước đi mạnh mẽ, bước tiến nhanh hơn… Tôi có cơ hội làm việc với đoàn chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về các đánh giá tiêu chuẩn xem một nước có thực hiện phát triển được năng lượng hạt nhân hay không, Việt Nam của các bạn đạt được 12/19 điểm.
Tuy nhiên, Việt Nam có ưu điểm là sự ủng hộ của Nhà nước nên các vấn đề khác được giải quyết nhanh chóng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hà/Theo Vietnam+