Tiếng Việt | English

26/07/2023 - 09:12

Việt Nam luôn hành động vì giá trị cốt lõi, nhân văn của con người

Chiến tranh đã lùi xa, người dân được hưởng hòa bình gần 50 năm nhưng các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước vẫn nỗ lực chống phá Đảng, Nhà nước ta nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, tiến tới lật đổ chính quyền, thay đổi thể chế chính trị. Vì thế, nhận diện, đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ và nền hòa bình, độc lập của đất nước là yêu cầu mang tính tất yếu, phải thực hiện liên tục, xuyên suốt, lâu dài.

Một tổ chức phản động luôn kêu gào trả tự do cho những kẻ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống đối Đảng, Nhà nước và nhân dân đã bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ảnh: CÔNG AN KONTUM)

Từ khi Việt Nam giành được độc lập hoàn toàn với cột mốc lịch sử ngày 30/4/1975, bắt đầu bước vào công cuộc xây dựng lại đất nước thì các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để lật đổ chính quyền cách mạng, chống phá Đảng, Nhà nước ta bằng mọi phương thức, thủ đoạn nhằm khôi phục lại lợi ích, ảnh hưởng, tầm chi phối của khối các nước đế quốc, thực dân kiểu mới, tư bản chủ nghĩa. Đó là đối với thế lực "sen đầm thế giới", chúng luôn muốn gây ra chiến tranh, bất ổn chính trị nội bộ tại các quốc gia để có điều kiện nhảy vào can thiệp, kiểm soát đất nước, tiến đến mua bán vũ khí, khí tài; khai thác tài nguyên khoáng sản, tri thức; thử nghiệm công nghệ.

Có nhận thức được mưu đồ chính trị, nguyên nhân sâu xa nêu trên thì mới nhận thức hết cội nguồn của những luận điệu xuyên tạc, vu khống, bịa đặt, chống phá mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đang đối diện và cần phải đấu tranh, phản bác. Trước hết, về luận điệu vu cáo rằng “Việt Nam vi phạm nhân quyền” nhằm đầu độc nhận thức của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, gây nên sự bất mãn, oán ghét chế độ, tâm lý ác cảm, bất hợp tác rồi đi đến chống đối Nhà nước và sau cùng là mục đích tối thượng: Xóa bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng như trong Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo dòng chảy lịch sử, từ Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 đến Hiến pháp và các văn kiện của Đảng như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc hay các bộ luật, từ trước đến nay đều xuyên suốt khẳng định nhân quyền là giá trị cơ bản của con người mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải giữ gìn, thực thi, bảo vệ. Nhân quyền được hiểu là những giá trị cơ bản mà con người giành được trong lịch sử đấu tranh cải tạo tự nhiên và xã hội nhằm khẳng định địa vị chính trị, KT-XH, văn hóa, pháp lý của mình.

Có thể hiểu đó là tổng thể các nhu cầu, năng lực, tự do, nhân phẩm của con người với tư cách cá nhân và cộng đồng xã hội được ghi nhận và bảo đảm thực hiện trong hệ thống luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế. Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam.

Như vậy, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người công bằng, bình đẳng cho tất cả công dân, kể cả những người đang chấp hành hình phạt tù là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Điều này đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống các văn bản pháp lý như Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015; Luật Thi hành án hình sự năm 2019;...

Hàng năm, vào các dịp lễ lớn như Quốc khánh 02/9, Tết Cổ truyền của dân tộc, Nhà nước đều có các đợt đặc xá, tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân chấp hành tốt án phạt tù. Đây là chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Hoạt động đặc xá hàng năm tiếp tục phản ánh rõ nhất ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam; đồng thời, bác bỏ mọi luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cho rằng Việt Nam không bảo đảm nhân quyền.

Liên Hợp Quốc (LHQ) đã xác nhận: Việt Nam đứng thứ 2 trong khối châu Á - Thái Bình Dương và thứ 9 trên 135 nước về tỷ lệ phụ nữ làm việc trong Chính phủ. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước LHQ về quyền trẻ em. Đến nay, Việt Nam đã ký kết, gia nhập hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người. Mới đây, Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Kiểm định phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 04/7/2019 tại Geneva (Thụy Sĩ) khẳng định nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Ngày 11/10/2022, tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77 ở New York (Mỹ), với đa số phiếu đồng ý, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ 2 Việt Nam giữ vai trò này, với lần đầu là nhiệm kỳ 2014-2016. Điều này cho thấy, cộng đồng quốc tế tiếp tục tin tưởng, ghi nhận và đánh giá cao Việt Nam trong việc thực thi, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Mặt khác, đây cũng là bằng chứng đanh thép phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; các cá nhân và tổ chức thiếu thiện chí, có nhìn nhận phiến diện, phủ nhận thực tiễn tươi sáng về tình hình nhân quyền nước ta, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Với những kinh nghiệm và nỗ lực đã đạt từ nhiệm kỳ đầu tiên tham gia vào Hội đồng Nhân quyền LHQ (2014-2016), Việt Nam sẽ càng làm tốt vai trò của mình trong nhiệm kỳ thứ hai này (2023-2025), minh chứng cho thế giới thấy được những giá trị tích cực và không phải quốc gia nào cũng làm được, cho người dân nước mình thụ hưởng. Đồng thời, đây sẽ là bằng chứng sống động, đanh thép, có giá trị cao bác bỏ thủ đoạn xuyên tạc, vu khống đầy ác ý và bẩn thỉu về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết; đối thoại và hợp tác; tất cả các quyền con người - cho tất cả mọi người”, Việt Nam tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt về bảo đảm quyền con người, có nhiều đóng góp tích cực để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đặc biệt là các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ, thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư,...

Việt Nam luôn hành động vì những giá trị cốt lõi, nhân văn của con người; luôn xem con người là trung tâm, động lực của quá trình đổi mới, công cuộc phát triển đất nước và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau./.

Nguyễn Chí Thanh

(Trong bài viết có tham khảo một số văn kiện, bộ luật, văn bản, nghiên cứu của một số tác giả)

Chia sẻ bài viết