Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất da cam/dioxin huyện Thủ Thừa - Trần Thị Láng tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam
Nỗ lực vươn lên
Trong căn nhà cấp 4 tại khu phố 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, ông Đặng Văn Sơn ngồi đăm chiêu nhìn ra phía trước. Ở tuổi 73, sức khỏe ông suy yếu không chỉ do tuổi cao mà hơn hết là do nhiễm CĐDC khi tham gia kháng chiến năm xưa. Không chỉ ông Sơn mà vợ ông cũng bị nhiễm CĐDC.
Hay tin có cán bộ Hội NNCĐDC/dioxin huyện đến thăm, ông Sơn vui lắm! Mỗi lần có đoàn đến thăm, ông rất xúc động. Ông Sơn bộc bạch: “Tôi xác định tham gia kháng chiến thì được sống đã là may mắn rồi. Tôi thấy nỗi đau của mình không thấm gì so với sự hy sinh của đồng đội. Chính vì thế, dù mang trong người những nỗi đau nhưng tôi vẫn cố gắng vươn lên. Thời gian qua, gia đình tôi được các cấp chính quyền, Hội NNCĐDC/dioxin huyện quan tâm, giúp đỡ. Đây là động lực giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn”.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thủ Thừa thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân
Vợ chồng ông Sơn có 4 người con, trong đó, có 1 người không may bị nhiễm chất độc quái ác này. Dẫu không trực tiếp cầm súng ra chiến trường nhưng chị Đặng Thị Ngọc Lan - con gái ông Sơn, đã và đang âm thầm chịu đựng nỗi đau da cam. Từ nhỏ, việc sinh hoạt, đi lại của chị gặp khó khăn. Với ý chí và nghị lực lớn lao, chị chứng minh năng lực bản thân bằng học tập, thoát được sự mặc cảm về ngoại hình. Hiện chị là dược sĩ công tác tại Trung tâm Y tế huyện Thủ Thừa.
Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Thủ Thừa - Trần Thị Láng chia sẻ: “Cuộc kháng chiến đã qua từ rất lâu nhưng trong thân thể, da thịt các nạn nhân, “lửa chiến tranh” vẫn ngày đêm âm ỉ. Việc xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề hoạt động nhân đạo mà chính là hoạt động thiết thực để đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với nước”.
Chăm lo thiết thực, nghĩa tình
Những nỗi đau, di chứng da cam trên thân thể các nạn nhân và con, cháu họ khó có thể diễn tả hết bằng lời. Trước mỗi số phận nghiệt ngã, những người làm ông bà, cha mẹ luôn dành tình thương, sự quan tâm cho họ. Cùng với đó là các hoạt động chăm lo thiết thực của các cấp, các ngành, địa phương và chia sẻ từ cộng đồng để tiếp thêm động lực, niềm tin cuộc sống cho các nạn nhân.
Tại huyện Cần Đước, hành trình xoa dịu nỗi đau da cam luôn được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Hội NNCĐDC/dioxin, những mạnh thường quân trong và ngoài huyện.
Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Cần Đước - Huỳnh Thị Kim Loan thông tin: “Toàn huyện có 81 hội viên ở 2 Hội cơ sở; 28 người bị nhiễm chất độc hóa học (18 người hoạt động kháng chiến, 10 người là con đẻ của người hoạt động kháng chiến).
Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội phối hợp MTTQ, Hội Chữ thập đỏ huyện và các đoàn thể liên quan vận động trên 1,3 tỉ đồng để chăm lo cho các nạn nhân và người nghi phơi nhiễm chất độc hóa học”.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Cần Đước tổ chức Họp mặt nhân kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam
Bên cạnh đó, nhiều phong trào được phát động và đạt kết quả cao như Tết vì người nghèo và NNCĐDC; Nuôi dưỡng, giúp đỡ các con nạn nhân nghèo có điều kiện tiếp tục việc học. Hội NNCĐDC/dioxin huyện Cần Đước được Công ty TNHH Một thành viên Thanh Thái Long An hỗ trợ 100 triệu đồng.
Từ nguồn kinh phí này, Hội hỗ trợ 20 gia đình NNCĐDC và hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không tính lãi, mỗi hộ 5 triệu đồng để cải thiện kinh tế gia đình, vượt qua khó khăn do bệnh tật. Hàng năm, Hội duy trì tổ chức họp mặt, tặng quà cho các NNCĐDC trên địa bàn nhân Ngày “Vì NNCĐDC” (10/8).
Chung tay xoa dịu nỗi đau với những gia đình NNCĐDC, những năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Thủ Thừa thường xuyên hỗ trợ, tư vấn cho các đối tượng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị các cấp có thẩm quyền xét giám định đủ điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước.
“Hội tích cực vận động mạnh thường quân thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân; duy trì và nhân rộng mô hình Nuôi dưỡng thường xuyên nạn nhân và người nghi phơi nhiễm đến 7/11 Hội cơ sở. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp Hội trong huyện vận động trên 1,5 tỉ đồng để thăm hỏi, tặng quà, học bổng cho 3.979 lượt nạn nhân, người nghi phơi nhiễm chất độc hóa học” - bà Trần Thị Láng cho biết thêm.
62 năm trôi qua nhưng nỗi đau, di chứng da cam trên thân thể các nạn nhân và con, cháu của họ khó có thể diễn tả hết bằng lời. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cả xã hội sẽ tiếp thêm niềm tin, sức mạnh giúp họ vượt qua những di chứng của chiến tranh để lại. Hành trình xoa dịu nỗi đau da cam vẫn còn dài, rất cần sự quan tâm, đồng hành của toàn xã hội./.
Từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống các cánh rừng, các thôn, ấp, khu đất trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu hécta, gần bằng 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ; trong đó, có 86% diện tích bị phun rải trên 2 lần, 11% diện tích bị phun rải trên10 lần. Chất độc da cam làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trên 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là thế hệ thứ 2, thứ 3. |
Thùy Minh