Đồng Khởi - Bước ngoặt chiến lược cách mạng miền Nam
Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bến Tre, 8 giờ sáng ngày 17/01/1960, tiếng súng diệt tên Đội Tý - Chỉ huy Tổng đoàn dân vệ ác ôn tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre nổ ra và ngay sau đó, lực lượng ta đã giải phóng được các xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, mở màn cho cuộc Đồng khởi lịch sử. Hàng chục ngàn người dân xuống đường, vũ trang, giáo mác, nổi trống mõ, diệt ác ôn, chiếm đồn địch,... phong trào nhanh chóng lan rộng ra toàn tỉnh và toàn miền Nam.
Phong trào Đồng khởi (Ảnh tư liệu)
Sáng ngày 25/3, địch mở chiến dịch phản kích quy mô lớn “Bình trị Kiến Hòa” huy động gần 10.000 quân, có xe tăng, máy bay, tàu chiến phối hợp, bao vây 3 xã: Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh. Ban lãnh đạo phong trào Đồng khởi vận dụng sáng tạo, không chủ động tác chiến lớn, chỉ dùng lực lượng nhỏ và vũ khí thô sơ để ngăn không cho địch tiến vào các lõm căn cứ. Nhờ thế trận được chuẩn bị, triển khai từ trước, lại được nhân dân tại chỗ hết lòng che chở, đùm bọc, các đơn vị vũ trang chẳng những tránh được mũi nhọn càn quét của địch mà còn chủ động đánh chặn, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đặc biệt tổ chức cuộc “tản cư ngược” ra thị trấn Mỏ Cày với quy mô hơn 5.000 phụ nữ, đấu tranh đòi địch chấm dứt càn quét. Chính quyền địch ở cơ sở lúng túng, hoảng sợ, liên tục gọi điện lên cấp trên đề nghị rút quân. Ngày 12/4/1960, tên Đại tá Nguyễn Văn Y từ Sài Gòn xuống ra lệnh rút quân khỏi 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh. Danh hiệu “Đội quân tóc dài” ra đời và nổi tiếng từ đây, báo hiệu mở ra bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh chính trị ở miền Nam do phụ nữ làm nòng cốt.
Nhắc đến Đồng khởi, không thể không nhắc đến nữ tướng Nguyễn Thị Định. Theo tài liệu ghi chép lại, những năm sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954), Bến Tre là một trọng điểm cần phải bình định của chính quyền Ngô Đình Diệm. Thời gian này, bà là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Bến Tre, cùng với các cán bộ khác ra sức bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân.
Từ phong trào Đồng khởi đã khai sinh “Đội quân tóc dài” với thủ lĩnh là bà Nguyễn Thị Định. Tên tuổi của bà gắn liền phương thức đánh địch bằng “Ba mũi giáp công”, đặc biệt là phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của phụ nữ, của “Đội quân tóc dài” gắn liền với phong trào du kích chiến tranh của nhân dân miền Nam.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre - Trần Ngọc Tam, tháng 12/1959, Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam bộ triệu tập Hội nghị đại biểu các tỉnh tại căn cứ Tam Thường, Hồng Ngự, Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) triển khai tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 và chủ trương mới của Trung ương. Bà Định (khi đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) được cử dự hội nghị này. Sau khi tiếp thu, bà trở về quán triệt tinh thần chỉ đạo tại Hội nghị Liên Tỉnh ủy trong Tỉnh ủy Bến Tre. Từ ngày 01/01 đến 03/01/1960, bà Định đã họp với một số cán bộ chủ chốt trong Tỉnh ủy và cấp ủy Đảng ở địa phương bàn kế hoạch thực hiện Nghị quyết 15 và chủ trương của Khu ủy Khu VIII thống nhất triển khai với phương châm “Đồng lòng, đồng bộ, đồng loạt”. Sau khi phân tích rõ tình hình địch, những khó khăn, thuận lợi của ta, Tỉnh ủy Bến Tre đã quyết định phát động một tuần lễ đồng lòng nổi dậy, đồng loạt tấn công địch trong toàn tỉnh với điểm khởi đầu tại 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh mở đầu cho phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960.
Đại tá Phan Văn Thậm, 87 tuổi, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre (nhân chứng lịch sử trong phong trào Đồng khởi năm 1960), kể: Năm 1958, ông làm nhiệm vụ nội tuyến dân vệ Ðồng khởi đợt 1. Từ đầu năm 1958 đến cuối năm 1959, địch đàn áp khốc liệt, bắn giết, bỏ tù cán bộ và những người dân yêu nước, triệt phá nhiều cơ sở cách mạng. Ngày 17/01/1960, ông được sự chỉ đạo của cấp trên tham gia phong trào Đồng khởi ngay công sở đóng tại ấp Thanh Thủy (xã Định Thủy), đơn vị nhanh chóng chiếm đóng công sở, kêu gọi tiểu đội dân vệ đầu hàng, thu 12 khẩu súng. Đêm đó, hàng ngàn đồng bào trương băng cờ, đốt đuốc họp mít-tinh mừng thắng lợi.
Phát huy tinh thần Đồng Khởi
Theo Hội Cựu chiến binh tỉnh Long An, từ Đồng khởi Bến Tre, phong trào lan rộng ra khắp miền Nam Việt Nam, Tây Nguyên và các nơi khác ở miền Trung Việt Nam. Cuối năm 1960, phong trào đã làm chủ nhiều thôn, ấp các xã miền Nam, Tây Nguyên, ven biển miền Trung Việt Nam. Sự thành công của phong trào đã chiếm được nhiều vùng rộng lớn và thúc đẩy sự thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vào tháng 12/1960.
Tượng đài Đồng Khởi tại TP.Bến Tre
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An, sau Đồng khởi, nhiều bài học kinh nghiệm được đúc kết. Đó là tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đánh giá đúng tình hình trong thực hiện nhiệm vụ với tinh thần chủ động; dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp từ nhân dân;...
Phát huy truyền thống cách mạng và tinh thần của Đồng khởi năm xưa, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An lập thành tích trong phát triển KT-XH, góp phần cùng các địa phương trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và phát huy vai trò hạt nhân chính trị của cấp ủy Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu. Không ngừng củng cố, xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Khơi dậy mọi nguồn lực để đầu tư phát triển KT-XH; tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc, đẩy mạnh xây dựng thế trận lòng dân; tập trung thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước,...
Phong trào Đồng khởi năm 1960, mà đỉnh cao là Đồng khởi ở Bến Tre đánh dấu bước ngoặt chiến lược của cách mạng miền Nam. Đó là mốc son trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. 60 năm trôi qua, song giá trị những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử từ phong trào Đồng khởi 1960 đến nay vẫn còn vẹn nguyên, đã và đang được nhân dân Bến Tre nói riêng và nhân dân cả nước nói chung phát huy trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế./.
Song Nhi