Tiếng Việt | English

27/08/2015 - 11:37

Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Những điều cần biết

Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) năm học 2015-2016 sẽ được thực hiện theo quy định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13. Cụ thể, mức đóng BHYT HSSV tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5%; thời hạn sử dụng trên thẻ BHYT có giá trị từ ngày 1-1 đến 31-12 hằng năm. Năm học qua, ngành BHXH đã thực hiện cấp thẻ có thời hạn sử dụng theo năm học. Vì vậy, để cấp thẻ BHYT các năm học sau đúng quy định, năm 2015-2016, phải thu và cấp thẻ BHYT với thời hạn sử dụng 15 tháng từ 1-10-2015 đến 31-12-2016.

Đối tượng tham gia BHYT HSSV

HSSV đang theo học tại các trường học trên địa bàn tỉnh là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT (ngoại trừ những em đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác theo quy định của Luật BHYT như: Bảo trợ xã hội, người nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn, thân nhân người có công, thân nhân lực lượng vũ trang,...)

Mức đóng và thời hạn sử dụng thẻ BHYT

Mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, HSSV đóng 70%, ngân sách Nhà nước (NSNN) hỗ trợ 30%. Thu BHYT HSSV năm học 2015-2016 chia thành 2 đợt, có thời hạn sử dụng (THSD) tương ứng với số tiền đóng của từng đợt:

- Đợt 1: Thu BHYT 6 tháng, từ 1-10-2015 đến 31-3-2016, phần HSSV là 217.350 đồng, NSNN hỗ trợ là 93.150 đồng. Thẻ BHYT có THSD 6 tháng từ ngày 1-10-2015 đến 31-3-2016.

- Đợt 2: Thu BHYT 9 tháng từ 1-4-2016 đến 31-12-2016, phần HSSV là 326.025 đồng, NSNN hỗ trợ là 139.725 đồng. Thẻ BHYT có THSD 9 tháng, từ ngày 1-4-2016 đến 31-12-2016.

HSSV có thể đóng tiền mua BHYT một lần 15 tháng từ 1-10-2015 đến 31-12-2016, phần HSSV là 543.375 đồng, NSNN hỗ trợ là 232.875 đồng. Thẻ BHYT có giá trị từ 1-10-2015 đến 31-12-2016.

HSSV tham gia lần đầu hoặc gián đoạn từ 3 tháng trở lên thì thẻ có giá trị sử dụng sau 30 ngày. Thẻ BHYT với THSD lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước hoặc gián đoạn không quá 3 tháng được tính là thời gian tham gia liên tục.

Một số điểm cần lưu ý

Đối với HS lớp 12, đợt 2 chỉ thu BHYT 6 tháng từ 1-4-2016 đến 30-9-2016 và có THSD thẻ tương ứng với số tiền đóng đợt này. Đối với HS lớp 1 có thẻ BHYT trẻ em dưới 6 tuổi hết hạn sử dụng sau ngày 30-9-2015 đến 31-12-2015 thì đợt 1 thực hiện thu với số tháng còn lại từ khi thẻ BHYT trẻ em hết hạn. Các trường tổ chức thu và nộp tiền về cơ quan BHXH trước 10 ngày để được cấp thẻ BHYT HSSV có THSD liên tục.

Nếu HSSV đóng tiền sau ngày 30-9-2015 đến 31-12-2015, thì đợt 1 thực hiện thu với số tháng còn lại tính từ khi nộp tiền. Nếu đóng tiền sau ngày 31-12-2015 thì thu một lần số tháng còn lại của năm 2016 tính từ khi nộp tiền.

Đối với HSSV tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề,... thẻ BHYT có THSD từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của thẻ BHYT được cấp năm trước đến 31-12-2016 hoặc ngày cuối của tháng kết thúc khóa học hoặc năm học cuối. Thực hiện thu và cấp thẻ BHYT thành 2 đợt như đối với các trường hợp nộp tiền sau ngày quy định của 2 đợt thu.

Quyền lợi của HSSV khi tham gia BHYT

Theo quy định của Luật BHYT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13; Nghị định số 105/2014/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC:

- HSSV được đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu tại các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện có hợp đồng KCB BHYT theo danh sách do cơ quan BHXH cung cấp;

- Được chăm sóc sức khỏe ban đầu từ nguồn kinh phí trích từ tổng thu quỹ BHYT theo quy định;

- Được hưởng 100% chi phí KCB khi tổng chi phí một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở hiện hành, hoặc KCB tại tuyến phường, xã;

- Được thanh toán 80% chi phí khi KCB thực hiện đúng theo quy định, kể cả khi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn (không vượt quá 40 tháng lương cơ sở cho một lần sử dụng dịch vụ);

- Trường hợp cấp cứu được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB có ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH. Trước khi ra viện phải xuất trình thẻ BHYT để được thanh toán 80% chi phí KCB theo quy định;

- Trường hợp KCB trái tuyến (không đúng nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT) có trình thẻ BHYT thì mức hưởng quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến bệnh viện như sau:

a. Tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

b. Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú;

c. Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đến ngày 31-12-2015;

- Trường hợp KCB trái tuyến (không đúng nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT) và không trình thẻ BHYT thì mức thanh toán trực tiếp tối đa cho một đợt khám bệnh, chữa bệnh không vượt quá khung giá quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC, cụ thể như sau:

1. KCB ngoại trú: Cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương là 60.000 đồng/đợt KCB.

2. KCB nội trú: Cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương: 500.000 đồng/đợt KCB; Cơ sở y tế tuyến tỉnh và tương đương: 1.200.000 đồng/ đợt KCB; Cơ sở y tế tuyến trung ương và tương đương: 3.600.000 đồng/ đợt KCB./.

Ngọc Mận-Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết