Tiếng Việt | English

10/07/2021 - 18:34

Bến Lức học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã về với Bác Hồ nhưng hình ảnh, trí tuệ và nhân cách cao đẹp của Luật sư vẫn mãi trường tồn cùng hồn thiêng sông núi của dân tộc Việt Nam và bạn bè Quốc tế. Trên quê hương Vàm Cỏ Đông xanh thẳm, qua bao thế hệ, cán bộ và nhân dân Bến Lức mãi tự hào và noi theo tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân của luật sư, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực trên mọi mặt trận là đơn vị anh hùng trong chiến đấu và anh hùng trong lao động.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - một trí thức yêu nước của quê hương Long An (Ảnh tư liệu)

Tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân của luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Sinh thời, dù chưa một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn khẳng định, điều may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình là được đi theo con đường của Ðảng và Bác Hồ kính yêu. Chính đạo đức, lý tưởng cao đẹp, cuộc đời vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ánh sáng và động lực thu phục luật sư đến với cách mạng và dẫn dắt luật sư trong suốt cuộc đời hoạt động của mình. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ xứng đáng là một học trò giỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Sử sách ghi chép, Nguyễn Hữu Thọ (bí danh là Ba Nghĩa) sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức trung lưu, tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức).

Thuở nhỏ, Nguyễn Hữu Thọ học tại Trường tiểu học Long Mỹ, huyện Long Mỹ, Rạch Giá (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang ngày nay). Năm 1921, ông được gia đình cho sang Pháp học. Sau nhiều năm miệt mài học tập, năm 1932, Nguyễn Hữu Thọ tốt nghiệp cử nhân luật hạng ưu.

Với suy nghĩ học thành tài để về giúp nước, ông mong ngóng ngày trở lại quê hương nhưng vì không có tiền nên phải ở lại Pháp thêm 1 năm. Năm 1933, ông trở về nước, tập sự luật sư tại văn phòng của một luật sư người Pháp - ông Duquesnay. Sau 5 năm tập sự hành nghề luật sư, năm 1939, Nguyễn Hữu Thọ thi đỗ kỳ sát hạch của Luật sư Đoàn và trở thành luật sư thực thụ, mở văn phòng luật tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sài Gòn - Chợ Lớn, tiếng tăm của vị luật sư trẻ tài năng, luôn bênh vực lẽ phải đã lan ra khắp Nam kỳ lục tỉnh.

Học sinh đến viếng Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Ảnh tư liệu)

Trực tiếp chứng kiến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, cùng những phiên tòa do thực dân Pháp dựng lên để buộc tội các chiến sĩ khởi nghĩa, luật sư Nguyễn Hữu Thọ cảm phục tinh thần bất khuất vì lý tưởng cao cả của các chiến sĩ cộng sản, xót thương đồng bào, thấy rõ bản chất đen tối, tàn bạo của chính quyền thực dân. Con đường đưa luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến với cách mạng bắt đầu từ đó.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Sài Gòn được hưởng độc lập 28 ngày ngắn ngủi. 28 ngày ấy, luật sư Nguyễn Hữu Thọ biết có một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời và tồn tại độc lập. Kể từ đó trong danh sách thân chủ của luật sư có tên những người kháng chiến. Bằng trí lực, trái tim của mình, luật sư Nguyễn Hữu Thọ ngày ấy đã cứu được những tên tuổi lớn của cách mạng Việt Nam sau này như Hoàng Xuân Bình, Nguyễn Châu Sa (Nguyễn Thị Bình), Lý Hải Châu,…

Từ năm 1947 đến năm 1950, luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia vào nhiều hoạt động trong các phong trào yêu nước ở miền Nam; được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (16/10/1949), tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ đầu năm 1950. Ông cũng là người đi đầu trong phong trào học sinh, sinh viên.

Tiêu biểu nhất kể đến sự kiện ngày 09/01/1950, hàng nghìn học sinh, sinh viên Sài Gòn xuống đường biểu tình chống chính quyền thực dân Pháp. Cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu, học sinh Trần Văn Ơn bị đánh trọng thương và hy sinh tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Cả thành phố Sài Gòn sôi sục căm phẫn. Ngày 12/01/1950, luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia Ban tổ chức lễ tang Trần Văn Ơn. Trước hàng vạn người tham dự, ông tố cáo tội ác của chính quyền bù nhìn đối với học sinh, sinh viên, ca ngợi tấm gương yêu nước Trần Văn Ơn và kêu gọi các tầng lớp nhân dân “Hãy sống xứng đáng với người đã khuất”. Sự kiện ngày 09/01 đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc và trở thành Ngày học sinh, sinh viên Việt Nam.

Và tất yếu, ông trở thành mục tiêu đe dọa, đàn áp của nhà cầm quyền. Hết bắt giữ tới an trí, lưu đày, hết Mường Tè (Lai Châu) xuống Hải Phòng, tới Củng Sơn (Phú Yên),...

Tại Đại hội lần thứ nhất (tháng 2/1962) Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 3/1964, Đại hội lần thứ hai Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã bầu ông làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến tháng 6/1969, ông được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ - nơi giáo dục thế hệ trẻ về một trí thức yêu nước (Ảnh tư liệu)

Bằng uy tín và tài năng, luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã lãnh đạo quân và dân miền Nam giành nhiều thắng lợi to lớn, góp phần hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đảng bộ và nhân dân Bến Lức học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ

Bến Lức – một vùng đất chuyển tiếp giữa Đông và Tây Nam bộ, một miền quê sông nước thơ mộng, nơi có dòng Vàm Cỏ Đông xanh biếc chảy qua. Đây còn là vùng đất được khai phá rất sớm, có bề dày truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, người dân hào hiệp, nghĩa khí.

Do nằm vị trí án ngữ cửa ngõ dẫn vào Sài Gòn, Bến Lức đã trở thành trọng điểm đánh phá của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Nhưng chính mảnh đất kiên cường này là nơi nhiều tiền bối cách mạng đến ươm mầm những hạt giống đỏ và cũng chính là nơi tổ chức hội nghị thành lập Tỉnh ủy Chợ Lớn năm 1930.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trên địa bàn Bến Lức có những khu căn cứ kháng chiến như Ba Làng, Vườn Thơm – Bà Vụ nằm cạnh trung tâm đầu não địch. Nhân dân Bến Lức vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh góp xương máu cho nền độc lập nước nhà. Nhiều chiến sĩ, đồng bào ngã xuống cho đất nước độc lập.

Những người con ưu tú của quê hương Bến Lức : Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, nghĩa quân Phạm Tiến, nhân sĩ yêu nước Võ Công Tồn, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Lê Văn Kiệt, đồng chí Nguyễn Văn Tiếp, đồng chí Nguyễn Văn Tạo,… cùng nhiều Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mãi là biểu tượng đẹp cho bao thế hệ noi theo.

Với bề dày lịch sử truyền thống, huyện Bến Lức vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lực lượng an ninh Nhân dân, các xã, thị trấn đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Dù thời gian sống ở Bến Lức không nhiều, lại sớm xa quê nhưng lòng hoài hương của luật sư Nguyễn Hữu Thọ lúc nào cũng sâu đậm. Từ sau năm 1975, mặc dù công tác bề bộn nhưng năm nào luật sư cũng thu xếp thời gian về Bến Lức một lần để thăm họ hàng và viếng mộ tổ tiên.

Con đường mang tên ông tại thị trấn Bến Lức là một tuyến đường huyết mạch của địa phương (Ảnh tư liệu)

Theo lời kể của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, có thời gian là Bí thư Huyện ủy Bến Lức - Phạm Thanh Phong : “Bác về quê, không cho đưa đón rầm rộ,… Đến thăm Huyện ủy, Ủy ban chúng tôi, Bác nghe báo cáo tình hình KT - XH, Bác chú ý hỏi những khó khăn và cách giải quyết, Bác hỏi nhiều về dân và chính quyền. Bác nói đã nhận được nhiều thư của đồng bào các nơi kêu ca cán bộ sách nhiễu, ức hiếp dân, lợi dụng chức quyền làm ăn phi pháp, lãng phí, tham ô,… Bác hỏi trong huyện nhà có hiện tượng như vậy không? Bác hỏi chúng tôi có thường xuyên tiếp xúc với dân để biết dân sống như thế nào, Bác nhắc nhở chúng tôi phải hết lòng chăm lo các gia đình chính sách, để dân đói, cán bộ chịu trách nhiệm; nếu người đói là gia đình thương binh, liệt sĩ thì càng có tội. Làm việc với lãnh đạo địa phương, Bác thường khiêm tốn nói là góp ý một số vấn đề nhưng đó là những lời chỉ bảo rất cần thiết để cán bộ nắm vững đường lối, chủ trương, huy động sức mạnh đại đoàn kết, đạt nhiều thắng lợi trong xây dựng và phát triển”.

Nhờ những chỉ dẫn, gợi mở sâu sát của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, sự quan tâm lãnh đạo của cấp trên, bằng ý chí và nghị lực kiên cường, huyện Bến Lức tập trung công sức khắc phục hậu quả chiến tranh để lại. Hàng chục ngàn lao động ra quân với khí thế của đoàn quân chiến thắng tiến về những vùng đất mà trước đó chịu nhiều bom cày, đạn xới để làm thủy lợi khai hoang, phục hóa, tạo điều kiện cho nhân dân trở về xóm làng cũ sinh sống, ổn định sản xuất.

Ngôi trường mang tên luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại huyện Bến Lức (Ảnh tư liệu)

46 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Bến Lức không ngừng phấn đấu noi theo tấm gương trung với nước, hiếu với dân của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, lãnh đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra. Tập trung đẩy mạnh phát triển KT - XH, củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn ngày càng văn minh hiện đại.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao trong lãnh đạo và sự đồng thuận của nhân dân, huyện Bến Lức vinh dự là huyện đầu tiên của tỉnh Long An được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; xã Mỹ Yên và Trường tiểu học Mai Thị Non đã đạt danh hiệu cao quý này.

Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 là 15,07%. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người được nâng lên hàng năm.

Bí thư Huyện ủy – Trần Hoàng Nhân cho biết, kinh tế tăng trưởng, cùng với chính sách tập trung huy động mọi nguồn lực, huyện có thêm điều kiện để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT  -XH, trong đó tập trung đầu tư hệ thống giao thông, cấp nước, điện, trường, trạm, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH. Đến nay, hệ thống đường giao thông liên xã, ấp cơ bản được tráng nhựa, bêtông hoặc trải đá xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và phát triển sản xuất, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được thu ngắn lại.

Bến Lức ngày nay là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh về phát triển công nghiệp (trong ảnh: Đường tỉnh 830, đoạn qua Bến Lức góp phần vào phát triển KT - XH địa phương)

Công tác giáo dục đào tạo cơ bước phát triển nhanh đáp ứng khá tốt cho nhu cầu dạy học; chất lượng giáo dục toàn diện có bước nâng lên; có trên 50% trường đạt chuẩn Quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng nâng cao chất lượng, 15/15 xã, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế. Chương trình xây dựng nông thôn mới được huyện triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả; có 10/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hàng năm giải quyết việc làm cho trên 4.500 lượt lao động. Hiện toàn huyện còn 486 hộ nghèo, hộ cận nghèo 688, tỷ lệ 1,32%.

An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt chất lượng cao. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên, thiết thân mỗi ngày, tạo sự lan tỏa sâu rộng cả trong Đảng và trong nhân dân. Đảng bộ huyện Bến Lức trưởng thành và phát triển nhanh về số lượng và chất lượng với 34 tổ chức cơ sở Đảng và trên 3.800 đảng viên.

Huyện Bến Lức ngày nay có nhiều thay đổi vượt bậcKhắc ghi lời kêu gọi của luật sư Nguyễn Hữu Thọ: “hãy sống xứng đáng với gương người đã khuất”, Đảng bộ và nhân dân Bến Lức chú trọng công tác chăm lo gia đình chính sách. Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Huyện đã xây dựng nghĩa trang liệt sĩ khang trang và quy tập hơn 1.700 mộ liệt sĩ; đề nghị phong tặng, truy tặng trên 500 mẹ Việt Nam Anh hùng, giải quyết hàng ngàn hồ sơ ưu đãi người có công cách mạng; xây dựng khoảng 1.200 căn nhà tình nghĩa, vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa trên 600 triệu mỗi năm,... Việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá được huyện tăng cường phối hợp thực hiện; huyện có 2 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 8 di tích lịch sử cấp tỉnh. Trong đó, Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ mỗi năm có nhiều lượt người đến thăm viếng.

Bí thư Huyện ủy hàng năm duy trì tiếp xúc đối thoại với nhân dân. Qua đó kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của nhân dân từ cơ sở, tạo sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân, tăng cường niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương của Đảng góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của huyện.

Bến Lức tự hào là nơi sinh của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Các thế hệ người Bến Lức hôm nay luôn kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp mà các bậc tiền nhân để lại. Đó là tinh thần bất khuất, trung dũng, kiên cường; là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân bằng những việc làm đột phá, sáng tạo trong lao động sản xuất.

Kỷ niệm 111 năm ngày sinh Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 - 10/7/2021), Đảng bộ và nhân dân Bến Lức nguyện tiếp tục học tập và noi theo tấm gương của một trí thức lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên định, một nhà lãnh đạo suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân để tiếp tục vững bước trên chặng đường xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Song Nhi

(Bài viết có sử dụng nhiều tư liệu về cuộc đời, hoạt động, sự nghiệp luật sư Nguyễn Hữu Thọ)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích