Tiếng Việt | English

10/06/2024 - 09:39

'Bệnh' sợ trách nhiệm - 'điểm nghẽn' trong công tác cán bộ hiện nay

Thời gian gần đây, tình trạng sợ trách nhiệm, không dám hành động vì lợi ích chung trong một bộ phận cán bộ, công chức (CBCC) rất đáng lo ngại, gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với đội ngũ CBCC về trách nhiệm đối với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Nguồn gốc chủ yếu của “bệnh" sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân

Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến căn nguyên của "bệnh" sợ trách nhiệm rất cụ thể: “Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực; tôi muốn địa vị cao nhưng lại sợ trách nhiệm”. Theo Bác, những người mắc "bệnh" sợ trách nhiệm là những người: “Họ muốn địa vị cao nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải là người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn”.

Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có bài viết "Bệnh" sợ trách nhiệm đăng trên Tạp chí Cộng Sản, số 11/1973; bút danh Người Xây Dựng, tác giả nêu rõ: Nhiệm vụ trước mắt đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, nhưng hiện nay trong cán bộ, đảng viên ta còn có đồng chí sợ trách nhiệm.

Biểu hiện của “bệnh" sợ trách nhiệm là: Thường làm việc cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm khuyết điểm gì lớn vì sợ phải chịu trách nhiệm về những việc xảy ra nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ. Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân, các đồng chí này thường vịn vào lý do chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động. Người sợ trách nhiệm cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể, dựa dẫm vào tập thể. Người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới.

Hậu quả của “bệnh" sợ trách nhiệm là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, giậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm nâng cao. Từ việc chỉ ra các biểu hiện của “bệnh” sợ trách nhiệm, tác giả cuốn sách trên cũng chỉ rõ: Nguồn gốc chủ yếu của “bệnh" sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo "bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh, thiếu hẳn “tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc trong khi giải quyết các vấn đề”, không dám đương đầu trước những khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, chỉ tránh khó ngại phiền. Vì vậy, khắc phục “bệnh" sợ trách nhiệm trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người đều có tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng, đều thật sự “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Khắc phục “bệnh" sợ trách nhiệm

Thời gian qua, “bệnh" sợ trách nhiệm đã hình thành một bộ phận cán bộ núp bóng, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện thờ ơ, vô cảm với nhiệm vụ được giao và trách nhiệm với nhân dân. Để kịp thời khắc phục tình trạng này, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Bên cạnh đó, chữa căn bệnh này cần phải thống nhất nhận thức, trách nhiệm về nâng cao đạo đức cách mạng của CBCC nhằm hình thành, củng cố trong đội ngũ CBCC các yếu tố cơ bản về nhận thức, thái độ và hành vi chính trị. Mỗi CBCC có nhận thức chính trị đúng sẽ hình thành tình cảm, ý chí cách mạng tốt. Thái độ chính trị của CBCC là những biểu hiện cử chỉ, lời nói, việc làm xuất phát từ nhận thức, suy nghĩ, tình cảm trước những vấn đề chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng. Thái độ chính trị phản ánh cách nhìn nhận, suy nghĩ và chi phối hành động của CBCC. Hành vi chính trị của CBCC là hành động mang tính chính trị như tiên phong, gương mẫu trong công tác, lao động, học tập, sinh hoạt; đi đầu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực về chính trị. Phẩm chất chính trị của CBCC là kiên định, tin tưởng mục tiêu do Đảng ta đề ra, không hoang mang, dao động về chính trị, tư tưởng, có niềm tin vào sự nghiệp đổi mới đất nước, có bản lĩnh chính trị, nhạy bén, luôn nêu cao cảnh giác, có thái độ đúng đắn trước những diễn biến phức tạp của tình hình KT-XH, phân biệt rõ đối tượng, đối tác. Bản lĩnh chính trị sẽ góp phần tạo nên sức mạnh, uy tín, sự thống nhất ý chí, hành động và từ đó khắc phục được "bệnh" sợ trách nhiệm đang diễn ra hiện nay.

Rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ và tính răn đe, giáo dục, không để người xấu, người thiếu trách nhiệm lợi dụng kẽ hở để trục lợi và cũng tạo ra sự an tâm cho CBCC thực thi nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII của Đảng, Đảng ta đã ban hành các văn bản: Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập về làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 55-QĐ/TW về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Kết luận số 14-KL/TW của Ban Bí thư về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung”;...

Đổi mới phương pháp đánh giá CBCC để khuyến khích tinh thần dám đương đầu với khó khăn, dám sáng tạo, đột phá vươn lên, xóa tư tưởng “an phận thủ thường”, “làm nhiều sai nhiều”, “làm ít sai ít”, “không làm không sai” trong một bộ phận CBCC, viên chức. Cách đánh giá cần phải giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó vững tâm tin rằng, nếu mình làm vì lợi ích chung sẽ được nhìn nhận đúng, phát huy được tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi CBCC được đánh giá đúng sẽ khơi dậy được sự chủ động, sáng tạo trong công việc, dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước công việc của mình, tránh tình trạng chọn việc nhẹ, việc dễ và có “bổng lộc” mà đùn đẩy việc khó cho người khác, cho tập thể.

Mỗi CBCC tăng cường tự soi, tự sửa, tự rèn luyện đạo đức, lối sống góp phần khắc phục “bệnh" sợ trách nhiệm. Phẩm chất đạo đức, lối sống của CBCC quan hệ mật thiết với phẩm chất chính trị. Người CBCC có giác ngộ chính trị, có niềm tin sâu sắc vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa sẽ có tình yêu thương đồng chí, kính trọng nhân dân, quan tâm giúp đỡ mọi người, biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích cách mạng. Những phẩm chất tốt đẹp như “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” sẽ giúp CBCC củng cố, phát triển các phẩm chất chính trị như sự kiên định lập trường, tư tưởng, tính tiên phong, gương mẫu.

Tăng cường kiểm tra, giám sát CBCC về việc quán triệt, tổ chức thực hiện Cương lĩnh, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, điều lệ, quy chế, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; rèn luyện đạo đức, lối sống; thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm; việc giữ gìn đoàn kết nội bộ; quan hệ với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trên cơ sở mở rộng, đề cao dân chủ nhằm kích thích tinh thần dám nghĩ, dám làm và các nhân tố mới. Thực hiện linh hoạt các phương pháp kiểm tra, giám sát trực tiếp và hình thức kiểm tra cán bộ, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Tập thể cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu cấp ủy; cơ quan, địa phương, đơn vị; ủy ban kiểm tra các cấp cần thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm của mình trong kiểm tra, giám sát CBCC.

Phòng, chống sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên

 

Phòng, chống sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên 

Mỗi CBĐV phải luôn thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Việc khen thưởng, kỷ luật CBCC bảo đảm nguyên tắc khen thưởng đúng người, đúng thành tích và đúng lúc; kỷ luật đúng người, đúng mức độ vi phạm, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng nhằm tạo động lực cho CBCC dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và góp phần khắc phục “bệnh” sợ trách nhiệm hiện nay./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết