Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo luật Căn cước, nhằm sửa đổi, bổ sung cho luật CCCD năm 2014 đang có hiệu lực.
Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới về CCCD
Đổi tên CCCD thành căn cước
Theo luật CCCD năm 2014, đối tượng áp dụng là công dân VN. Còn trong dự thảo luật sửa đổi, đối tượng áp dụng được mở rộng gồm công dân VN và cả người gốc VN.
Bộ Công an tính toán, hiện có khoảng 40.000 người VN "không có bất kỳ loại giấy tờ nào để chứng minh họ là ai"; trong đó khoảng 32.000 người là gốc VN, sinh sống ổn định ở VN nhưng chưa xác định được quốc tịch; gần 8.000 người còn lại thuộc diện con lai. Những người này là bộ phận không thể tách rời của dân tộc, nhưng về mặt pháp lý không có tên, gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống; cần có hành lang pháp lý để họ được hưởng những quyền căn bản về lao động, học tập, khám, chữa bệnh, thực hiện các giao dịch hợp pháp…
Từ thực tiễn trên, Bộ Công an đề xuất cấp thẻ căn cước cho công dân VN và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc VN. Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước đối với người gốc VN, để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ VN. Bộ Công an nhận định, chính sách mới này không chỉ tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi cho người gốc VN đang gặp nhiều khó khăn, mà còn giúp công tác quản lý nhà nước đối với nhóm đối tượng này chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Cũng vì bổ sung đối tượng áp dụng là người gốc VN như đã nêu, Bộ Công an đề xuất đổi tên luật CCCD thành luật Căn cước. Theo Bộ Công an, nếu giữ nguyên tên gọi là luật CCCD sẽ dẫn đến cách hiểu chỉ quản lý căn cước đối với công dân VN, làm thu hẹp yêu cầu trong quản lý căn cước đối với toàn bộ người dân sinh sống tại VN, trong đó có người gốc VN. Việc lược bỏ cụm từ "công dân" không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân.
Theo đề xuất của Bộ Công an, thẻ CCCD sẽ đổi thành thẻ căn cước
Nhiều thay đổi về thẻ căn cước
Để tương thích với tên gọi mới của dự thảo luật, Bộ Công an cũng đề xuất đổi cả tên gọi thẻ CCCD thành thẻ căn cước. Việc thay đổi như vậy sẽ giúp thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân; giúp phân biệt người này với người khác; xác định danh tính trong thực hiện giao dịch…
Tên gọi mới của thẻ còn giúp bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế phải sửa đổi, bổ sung luật khi VN ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu.
Ngoài tên gọi, Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới về nội dung thể hiện trên mặt thẻ căn cước. Trong đó, lược bỏ dấu vân tay, dòng chữ "CĂN CƯỚC CÔNG DÂN" đổi thành "CĂN CƯỚC", "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú".
Bộ Công an cho hay, nơi đăng ký khai sinh là thông tin chính xác với bất kỳ con người nào và tính ổn định cao; vì thế sẽ được thay thế cho quê quán, có tính chính xác thấp hơn (có người sinh ở Hà Nội nhưng lại ghi quê quán theo cha mẹ, ông bà ở địa phương khác). Tương tự, việc đổi nơi thường trú thành nơi cư trú nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú vẫn được cấp thẻ căn cước.
Hiện nay có nhiều loại giấy tờ như chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số, CCCD mã vạch, CCCD gắn chip, tới đây sẽ có thêm thẻ căn cước. Việc này đặt ra câu hỏi có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người dân hay không, hơn 83 triệu thẻ CCCD gắn chip đã cấp có phải làm lại?
Theo Bộ Công an, các thay đổi như đề xuất không làm phình ngân sách, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Tất cả thẻ CCCD đã cấp sẽ tiếp tục có giá trị sử dụng đến thời hạn ghi trên thẻ, sau đó mới đổi sang thẻ căn cước. Mọi giấy tờ liên quan đến thẻ CCCD hoặc chứng minh nhân dân đã cấp đều có giá trị pháp lý như nhau.
Bộ Công an khẳng định thẻ CCCD đã cấp vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời gian ghi trên thẻ
Tiện ích từ căn cước điện tử và tích hợp thông tin
Một nội dung mới khác được Bộ Công an đưa vào dự thảo, đó là căn cước điện tử. Căn cước điện tử là căn cước của công dân VN được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử. Mỗi công dân chỉ có một căn cước điện tử.
Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân; có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước vật lý. Trường hợp người dân bị mất thẻ căn cước mà chưa có điều kiện thực hiện việc cấp lại thẻ thì có thể thực hiện việc khai thác, sử dụng thông tin tích hợp qua căn cước điện tử.
Đặc biệt, dự thảo luật Căn cước quy định rõ, thẻ căn cước sẽ tích hợp các thông tin gồm thẻ BHYT, sổ BHXH, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng quyết định. Các thông tin tích hợp có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó. Khi công dân xuất trình thẻ căn cước, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân hoặc thẻ căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Theo Bộ Công an, việc sử dụng thẻ căn cước gắn chíp đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác. Quy định này không xung đột với quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên; không ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương với các loại giấy tờ, dữ liệu đang quản lý.
Việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước được phân cấp, phân quyền cụ thể, bảo đảm đối tượng khai thác chỉ được phép khai thác khi thực hiện trong chức năng, nhiệm vụ được giao và phải được người dân đồng ý thông qua việc xác thực bằng quét vân tay, khuôn mặt trên thiết bị hoặc qua ứng dụng VNeID./.
Cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi
Theo luật CCCD năm 2014, công dân Việt Nam đủ 14 tuổi trở lên mới được cấp thẻ CCCD. Tại dự thảo luật Căn cước, Bộ Công an đề xuất cấp thẻ căn cước cho cả trẻ em dưới 14 tuổi, việc cấp theo nhu cầu của người dân chứ không bắt buộc.
Bộ Công an cho hay, trẻ em dưới 14 tuổi khi được cấp thẻ căn cước có thể sử dụng (hoặc thông qua cha mẹ, người giám hộ) trong rất nhiều dịch vụ như: tiêm chủng, khám, chữa bệnh, giáo dục, đi lại… Việc này sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí (in ấn, biểu mẫu, sổ sách…), tạo sự thuận lợi trong sử dụng cũng như bảo quản giấy tờ tùy thân.
|
Theo Thanh niên
Nguồn: https://thanhnien.vn/bo-cong-an-de-xuat-hang-loat-diem-moi-ve-can-cuoc-cong-dan-185231024130706258.htm