Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng bền vững
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và quản lý nợ công; Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm, Chính phủ đã, đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và nợ công theo hướng bền vững.
Cụ thể, thu ngân sách nhà nước 2 năm 2016 - 2017 đều vượt khá so với dự toán: năm 2016 vượt 9,3%; năm 2017 vượt 6,3% so với dự toán. Tỷ trọng huy động vào ngân sách nhà nước bình quân là 25,2% GDP, trong đó, từ thuế và phí là 21,3% GDP đã góp phần đảm bảo các nhiệm vụ chi ngân sách. Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực.
Tỷ trọng thu bình quân 2 năm đạt 80% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, trong khi giai đoạn 2011-2015 là 68%. Thu ngân sách trung ương chiếm tỷ trọng 55-56%; thu ngân sách địa phương chiếm khoảng 44-45% tổng thu ngân sách nhà nước.
Chính sách thu tiếp tục được hoàn thiện theo hướng giảm nghĩa vụ nộp thuế, trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm từ 23 xuống 20% năm 2016. Thực tế trong 2 năm, do thực hiện nhiều ưu đãi miễn giảm thuế, thực tế đã thu được bằng 15% thuế thu nhập doanh nghiệp; riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thu được trên 10%...
Theo cam kết hội nhập, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan. Đến nay, cơ bản tất cả các doanh nghiệp đã thực hiện tự khai, tự nộp thuế, thực hiện thủ tục hoàn thuế qua hệ thống điện tử. Tất cả các đơn vị của hải quan đã được áp dụng thủ tục hải quan điện tử và triển khai cổng thanh toán điện tử hệ thống quy tắc ECUSK tại các cơ quan Hải quan, chuyển sang cơ chế một cửa quốc gia.
Bộ Tài chính đã mở rộng kết nối thu thuế điện tử giữa cơ quan thuế hải quan, các ngân hàng thương mại với Kho bạc nhà nước, góp phần nâng cao chỉ số xếp hạng cạnh tranh của quốc gia - Bộ trưởng khẳng định.
Đối với vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, Bộ trưởng thừa nhận thực tế tỷ trọng thu của ngân sách Trung ương trong tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm.
Thu ngân sách trung ương bình quân hai năm 2016-2017 đạt khoảng 56-57% tổng thu ngân sách Nhà nước, thấp hơn bình quân của giai đoạn trước là 61,3%. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ trọng thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu mà ngân sách trung ương hưởng 100% giảm.
Việc thực hiện cắt giảm một số sắc thuế với mức cao, nhanh hơn so với lộ trình thời gian qua đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh song cũng ảnh hưởng đến số thu cân đối ngân sách nhà nước nói chung và ngân sách Trung ương nói riêng.
Bên cạnh đó, đối với ngân sách Trung ương, tỷ trọng các khoản thu, hưởng 100% dầu thô, hoạt động xuất nhập khẩu giảm đã làm giảm nguồn thu của ngân sách Trung ương; trong khi đó, việc điều chỉnh chính sách thu, tăng thu, tăng cường vai trò chủ đạo của Trung ương theo dự kiến còn chậm.
Về chi ngân sách Nhà nước, kết quả 2 năm 2016-2017 đã kiểm soát chặt chẽ hơn về chi và vay nợ trong phạm vi khả năng nguồn lực của nền kinh tế; tập trung cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước tỷ trọng chi đầu tư phát triển, bình quân đạt 27% tổng chi ngân sách Nhà nước cao hơn mục tiêu đề ra là 25-26%.
Tỷ lệ chi thường xuyên 2 năm khoảng 62-63%; riêng dự toán năm 2018 là 61,7%, mục tiêu giảm xuống dưới 64% trong khi Việt Nam vẫn thực hiện mục tiêu tăng lương cơ sở là 7%/năm.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật chi ngân sách, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nâng cao hiệu quả chi ngân sách... - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính
Liên quan đến việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết vừa qua Quốc hội đã ban hành các một số Luật, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và đơn vị quản lý ngân sách.
Cùng với việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các sai phạm, về cơ bản tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính đã có những chuyển biến rất tích cực.
Tuy nhiên, việc chấp hành kỷ luật ngân sách nhà nước ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương, địa phương, kể cả các cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, tình trạng kê khai thiếu số thuế phải nộp, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế... còn xảy ra ở nhiều nơi.
Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền hỗ trợ pháp luật của cơ quan quản lý thu ngân sách chưa tốt; ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế chưa cao.
Cùng đó, vừa qua đã có một số thay đổi cơ chế quản lý về thuế từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro. Theo đó, các doanh nghiệp tự khai, tự nộp thuế, làm thủ tục hoàn thuế qua mạng điện tử, hạn chế tiếp xúc trực tiếp của cán bộ thuế hải quan với doanh nghiệp, người nộp thuế.
Việc chuyển đổi cơ chế quản lý này là phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh nhưng vẫn còn các kẽ hở các đối tượng nộp thuế lợi dụng để chiếm đoạt. Dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng đây là hướng đi đúng cần kiên trì thực hiện; vấn đề là phải có những giải pháp để khắc phục điểm yếu của cơ chế này.
Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý thuế, có tiêu chí phân loại, phân nhóm rủi ro để có phương thức quản lý phù hợp, đảm bảo công khai và minh bạch. cùng với đó tiếp tục hoàn thiện thể chế về thu ngân sách; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, người nộp thuế thông qua công tác tuyên truyền pháp luật về thuế và các biện pháp cưỡng chế thuế, đẩy mạnh hoạt động của các trung gian tư vấn thuế.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kế toán, xác định đúng trọng tâm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực có rủi ro, rủi ro cao để tiến hành và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng đang tích cực rà soát, hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để trình quốc hội cho xoá số nợ thuế không có khả năng thu để đảm bảo phản ánh đúng thực chất số nợ thuế, minh bạch trong quản lý thuế- Bộ trưởng nêu rõ.
Nhận định tình trạng chi sai quy định vượt tiêu chuẩn dự toán nhiều công trình; việc giải ngân vốn vay nước ngoài vượt kế hoạch; nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, thất thoát lãng phí vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị, Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên một phần do hệ thống các văn bản pháp luật chưa đồng bộ, cản trở quá trình triển khai. Tiêu chuẩn chế độ chi tiêu vẫn còn lạc hậu, chưa phù hợp với thực tiễn. Nhiều chương trình dự án dã được phê duyệt nhưng chậm triển khai. Bên cạnh đó, một bộ phận cơ quan, đơn vị, cá nhân chưa có ý thức chấp hành pháp luật về quản lý sử dụng ngân sách, để xảy ra tình trạng tham nhũng, chiếm đoạt tiền tài sản của nhà nước.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, theo Bộ trưởng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn để siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, như: thường xuyên rà soát sửa đổi bổ sung chế độ định mức chi tiêu; quản lý chặt chẽ chi ngân sách, đảm bảo chỉ được chi khi có dự toán và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính, ngân sách, quản lý tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào ngân sách nhà nước đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức...
Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng giải trình về một số vấn đề liên quan đến quản lý tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước và cơ cấu lại nợ công./.
Theo TTXVN