Bộ Tài chính giữ quan điểm phí mà Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam thu được là tiền ngân sách nhà nước, phải hoàn trả do vậy không thể để VEC tạm làm vốn “chữa cháy” cho công trình cao tốc Bến Lức - Long Thành, dẫn đến tắc. Trong ảnh: cầu Phước Khánh của tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành - Ảnh: Q.ĐỊNH
Và câu trả lời "Có vốn đoạn nào sẽ thông đoạn đó" của ông Phạm Hồng Quang, tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), sẽ trở nên rất được chú ý trong thời gian tới.
Con đường xong ngày nào tốt ngày ấy giúp hàng hóa thông suốt, "mạch máu" đường sá được khơi thông.
Nếu trong tháng 3, Chính phủ có nghị quyết thông qua chủ trương để VEC bố trí vốn của VEC để thi công các phần còn lại và phần vốn đối ứng, chúng tôi sẽ tận dụng hết khả năng để trong quý 1-2024 toàn bộ phần đường bộ sẽ thi công xong. Chúng tôi có tiền và chúng tôi chờ quyết định để tăng tốc.
Ông Phạm Hồng Quang (tổng giám đốc VEC)
|
Sao có tiền mà không xài được?
Cùng đi với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có lãnh đạo TP.HCM, Long An, Đồng Nai, các bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Khi đến công trường, chứng kiến cảnh công trình dang dở, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói đây là công trình quan trọng, Nhà nước rất quan tâm nhưng tiến độ rất chậm. Phó thủ tướng yêu cầu các lãnh đạo bộ ngành, đơn vị liên quan có mặt trả lời ngay những câu hỏi nóng.
Về tiến độ, Phó thủ tướng đặt vấn đề với chủ đầu tư, nếu phương án, nếu có tiền có vốn thì quyết tâm xong được phân đoạn nào? Ông Phạm Hồng Quang cam kết "có vốn đoạn nào sẽ xong đoạn đó". Đoạn phía tây sẽ hoàn thành đầu năm 2024 và tổng dự án sẽ hoàn thành theo tiến độ đề ra vào tháng 9-2025.
Nói về vướng mắc của dự án với đoàn công tác, ông cho hay chủ đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cùng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đề xuất dùng 5.116 tỉ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay, vốn hợp pháp của VEC để hoàn thành các hạng mục còn lại.
Đây là giải pháp cấp bách để các gói thầu khởi động, sớm hoàn thành dự án như đã đề ra. Đề xuất này được các bộ ngành cho là rất cần thiết và ủng hộ, tuy riêng Bộ Tài chính nói không phù hợp.
Lý do, theo Bộ Tài chính, nguồn thu phí do VEC quản lý (là dòng tiền tạm thời nhàn rỗi khi VEC chưa trả nợ vay cho Nhà nước) thuộc sở hữu của Nhà nước, không phải là nguồn vốn chủ sở hữu của VEC.
Do đó, việc VEC tự bố trí từ nguồn vốn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để bố trí vốn đối ứng cho dự án là không phù hợp.
"Tôi thấy rất vô lý. Tiền nhàn rỗi của VEC thì VEC đang gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Trong khi công trình quan trọng lại trì trệ nhiều năm, không có tiền làm. Tiền nào chẳng là tiền của Nhà nước", Phó thủ tướng nhìn về phía công trường dang dở và hỏi các lãnh đạo bộ ngành đã có mặt, đi trên suốt công trường này chưa.
Dự án chậm quá rồi, làm sao thủ tục hành chính gì mà đến ba năm chín tháng chưa xong. Bây giờ, việc nào của Chính phủ, Chính phủ sẽ lo, còn việc của bộ ngành cũng phải đẩy nhanh tiến độ, không bàn đi bàn lại.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công trường đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (đoạn giao với quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: Q.ĐỊNH
"Phải bù lại thời gian chậm ba năm chín tháng"
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc dừng thi công một số gói thầu trong ba năm chín tháng có nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng trách nhiệm rất lớn thuộc về các bộ, ngành, chủ đầu tư, các đơn vị, cơ quan liên quan.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương thực hiện dự án, tính đến nguồn vốn của các nhà tài trợ ảnh hưởng đến tiến độ dự án; cơ chế sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của VEC để làm vốn đối ứng, vốn đầu tư cho dự án.
Ngay sau đó, Bộ Giao thông vận tải phải hoàn thành các thủ tục cần thiết để VEC có thể thực hiện đấu thầu các gói thầu còn lại trong thời gian ngắn nhất.
VEC bàn với đơn vị tư vấn kỹ thuật để rút ngắn thời gian thi công, hoàn thành hai cầu Bình Khánh, Phước Khánh, sớm vận hành toàn tuyến cao tốc.
"Phải bù lại thời gian chậm ba năm chín tháng. Các bộ, ngành phải khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất - Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh - Mỗi con đường mới sẽ mở ra không gian phát triển mới".
Tín hiệu tích cực
Cho rằng việc cứu cao tốc Bến Lức - Long Thành với tổng mức đầu tư hơn 1,6 tỉ USD là việc làm cấp bách, tiến sĩ Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường - nói VEC đề xuất dùng tiền nhàn rỗi để làm tiếp là hợp lý. Bởi họ cũng nóng lòng để dự án nhanh thi công lại vì chính họ cũng chịu thiệt hại khi dừng lâu.
"Vấn đề cần lưu ý nữa là thành lập tổ công tác một mặt tháo gỡ khó khăn cho dự án, một mặt đưa ra đầu việc cụ thể, có thời hạn giải quyết thủ tục rõ ràng. Đây là vấn đề rất cần thiết khi dự án tái khởi động trở lại để xử lý các vấn đề về tài chính, kỹ thuật, sự cố phát sinh... Dự án này dừng quá lâu gây thiệt hại về khấu hao công trình, phát sinh kiện tụng, giảm liên kết vùng. Do đó, khi đã làm lại thì tránh việc phải tạm ngưng, các vấn đề cần xử lý nhanh", ông Thuận nói.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ sau hay tin Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đi thực tế dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, KTS Trần Ngọc Chính - chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - nói rất vui khi ý kiến đóng góp của ông trên báo Tuổi Trẻ được Chính phủ và các bộ, ngành đọc và tiếp nhận.
Ngoài câu chuyện kết nối vùng, giảm tải giao thông cho TP.HCM, ông Chính còn góp ý thêm tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành là tuyến đường rất quan trọng kết nối vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, giúp thông suốt hàng hóa cho vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ.
Phải nhớ rằng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều hàng hóa, nông sản như cá tôm, lúa gạo, trái cây..., do đó nhu cầu vận tải hàng hóa đến các vùng khác là rất lớn.
Còn đối với vận tải hành khách còn tuyệt vời hơn khi sân bay Long Thành được xây dựng xong và đưa vào khai thác. Người dân từ các tỉnh như Long An, Tiền Giang đi sân bay Long Thành còn nhanh hơn đi sân bay Cần Thơ, sân bay Tân Sơn Nhất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Thanh - giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải Kim Phát - cho rằng về kết nối liên vùng thì tuyến cao tốc này là cực kỳ tốt và rất trọng điểm. Cao tốc này hoàn thiện thì sẽ là một sự lựa chọn tối ưu cho vận tải hàng hóa. Di chuyển ngắn, nhiên liệu giảm thì giá thành hàng hóa cũng ổn định hơn.
Máy móc nằm phơi nắng trên công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua huyện Bình Chánh, TP.HCM trưa 13-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thúc tiến độ, 2 đơn vị và Đồng Nai phải báo cáo về sân bay Long Thành
Sau khi thị sát tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đến kiểm tra dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và chủ trì cuộc họp nhằm kiểm điểm tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Theo ông Vũ Thế Phiệt - tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), vướng mắc lớn nhất là ở gói thầu thi công phần thân nhà ga do chưa lựa chọn được nhà thầu. Trong khi đây là gói thầu quyết định tiến độ chung của toàn dự án, nên thời gian thực hiện dự án có thể bị kéo dài.
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, tuy nhiên do nguyên nhân khách quan, chủ quan, chưa làm rõ hết trách nhiệm bộ, ngành, đơn vị liên quan nên tiến độ thực hiện chưa đạt được mục tiêu đề ra như giải phóng mặt bằng, đấu thầu các dự án thành phần...
Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Nai hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng đã đề ra, giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành phê duyệt các dự án tái định cư.
Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ACV phải có báo cáo toàn diện về việc triển khai toàn bộ dự án, các dự án thành phần, khẩn trương có báo cáo khoa học, đầy đủ dựa trên báo cáo của đơn vị tư vấn kỹ thuật về thời gian thực hiện gói thầu thi công phần thân nhà ga để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ mời thầu.
Số thiệt hại liệu đang được chặn lại?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành có 11 gói thầu xây lắp thì thời gian qua đã có năm nhà thầu làm các gói: J1, J3, A1, A3, A6 có khiếu nại về các chi phí phát sinh do dừng chờ thi công...
Trong đó, có hai nhà thầu A1 và J3 đã khởi kiện chủ đầu tư là VEC ra Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore đòi bồi thường thiệt hại.
Tổng số tiền năm nhà thầu khiếu nại việc chậm trễ của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là 1.656 tỉ đồng. Tuy nhiên, đánh giá của tư vấn giám sát, chi phí khiếu nại ở mức gần 841 tỉ đồng, còn ban quản lý dự án (thuộc chủ đầu tư) đánh giá sơ bộ ở mức 710,2 tỉ đồng.
Đây là đánh giá sơ bộ của các bên liên quan về chi phí khiếu nại của nhà thầu, số tiền sẽ được cụ thể khi nhà thầu cung cấp đủ hồ sơ hoặc có quyết định của cơ quan có thẩm quyền...
Các chi phí khiếu nại có tiếp tục phát sinh nếu nguồn vốn chậm bố trí để thi công? Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, ông Phạm Hồng Quang nói rằng vấn đề tiền khiếu nại dừng chờ đang được các bên xem xét nghiêm túc.
Với tinh thần đã quy định trong hợp đồng, nếu phần tiền kéo dài không phải lỗi của nhà thầu có thể xem xét thanh toán.
"Tuy nhiên, trong thời gian tới, tiền dừng chờ sẽ không phát sinh thêm. Lý do, các nhà thầu đã thi công trở lại, đồng thời một số nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng. Khi đã chấm dứt hợp đồng, tiền phát sinh dừng chờ trong thời gian qua không còn nữa", ông Quang nói.
|
Theo TTO