Sau đây là một ít thông tin về cây Trôm Khánh Hậu, TP.Tân An - dựa theo tiêu chí cây di sản Quốc gia.
Thông tin chung: Tên địa phương: Cây Trôm Khánh Hậu, tên khoa học Sterculia foetida, thuộc họ thực vật (Sterculiaceae), tọa lạc tại cổng chùa Diêu Quang trên đường Lương Văn Chấn, phường Khánh Hậu, TP.Tân An. Số đo cây do chuyên viên đo đạc Công ty Cổ phần Minh Long cung cấp: Chu vi thân cây cách mặt đất 1,3m: 8,5m. Đường kính tán cây: 32,5m. Chiều cao cây: 25,5m. Chu vi gốc cây tiếp đất hơn 12m, có nhiều rễ nổi u, nổi cục như hình con rồng uốn khúc. Cây một thân, đứng thẳng. So với cây Trôm Gò Tháp (tỉnh Đồng Tháp) đã được cấp Bằng công nhận Cây di sản Quốc gia, cây Trôm Khánh Hậu có dáng uy nghi, hoành tráng, cành lá tươi tốt hơn.
Phần gốc của cây Trôm Khánh Hậu
Tuổi đời của cây: Theo cố nhà văn, nhà Nam bộ học - Sơn Nam khảo cứu, cây có trước khi dòng họ Nguyễn Huỳnh Đức đến sinh cơ lập nghiệp tại giồng Cai Yến xưa (phường Khánh Hậu nay) phải trên 50 năm. Theo gia phả họ Nguyễn Huỳnh ở Khánh Hậu, cụ Huỳnh Công Châu (Châu Ngọc hầu) - ông nội và cụ Huỳnh Công Lương (Lương Thiện hầu) - thân phụ Tiền quân Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức đều làm quan dưới triều Lê Hiển Tông, đưa dòng họ đến lập nghiệp tại giồng Cai Yến vào năm 1731. Như vậy, tính đến nay vừa tròn 285 năm, cộng trên 50 năm như nhà văn Sơn Nam viết, thì cây Trôm này xấp xỉ 350 năm tuổi.
Tuy nhiên, năm 2002, Đoàn Nhật Bản do GS.TS Sakurai Yumio (Trường Đại học Tokyo) làm Trưởng đoàn và Đoàn Viện KHXH TP.HCM do GS.TS Nguyễn Thế Nghĩa - Viện trưởng làm Trưởng đoàn (mỗi đoàn đều có nhiều giáo sư, tiến sĩ đến từ các viện và trường đại học trong nước và các nước: Nhật Bản, Úc, Canada,...) nghiên cứu đề tài “Làng xã Nam bộ, trường hợp xã Khánh Hậu, tỉnh Long An”. GS.TS Sakurai Yumio có dùng khoan tay khoan thân cây Trôm để lấy dăm làm xét nghiệm tính tuổi cây. Sau đó, GS cho biết: Cây Trôm Khánh Hậu phải từ 450-500 năm tuổi.
Vậy có thể nói, cây Trôm Khánh Hậu là chứng tích sống của rừng nguyên sinh lâu đời ở đó, trước khi vùng đất giồng Cai Yến được người Việt đến khẩn hoang, lập làng. Khi còn là rừng thì có nhiều động vật hoang dã và thú dữ. Bằng chứng ở đây vẫn còn ngôi mộ - dân gian gọi “mả Cọp” - tương truyền là nơi chôn cất những phần xác của nạn nhân bị cọp vồ ăn thịt còn sót lại.
Giá trị về mặt lịch sử-văn hóa: Theo nghiên cứu của cố nhà văn Sơn Nam, quan Khâm mạng Yến Vũ hầu từ Phú Yên vào đất Mô Xoài (vùng núi Dinh, gần TP.Bà Rịa ngày nay) trước Nguyễn Hữu Cảnh 40 năm. Rất có thể vào dịp ấy, Cai cơ Yến có đến vùng giồng Cai Yến và yểm trợ lưu dân Việt tới khai khẩn đất Ba Giồng ở đây. Địa danh giồng Cai Yến ra đời từ đó. Sự việc ấy xảy ra vào đời Hiền Vương lúc Trịnh - Nguyễn phân tranh đang hồi gay cấn. Sử sách chép, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược - mở cõi đất phương Nam vào năm 1698, cách ngày nay 318 năm (1698-2016); Yến Vũ hầu vào giồng Cai Yến trước Nguyễn Hữu Cảnh 40 năm thì đến nay đã 358 năm, khi cây Trôm có trước đó lâu năm và đất giồng Cai Yến đã có cư dân Việt làm ruộng,...
Sách Lịch sử Đồng Tháp Mười (Võ Trần Nhã chủ biên, NXB TP.HCM-2003) viết về giồng Cai Yến thuộc đất Ba Giồng, nơi quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh từng tranh chấp nhau quyết liệt để giành nhân tài, vật lực. Đây là 1 trong 3 cụm giồng: Cai Yến, Trâm Bầu, Qua Qua - trải từ phường Khánh Hậu, TP.Tân An qua huyện Châu Thành đến tận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Giồng là đất gò cao, rộng và màu mỡ, nên “Lý đất giồng” có câu: “Trên đất giồng mình trồng khoai lang/ Trên đất giồng mình trồng dưa gang...”.
Giá trị về mặt văn hóa: Có nhiều đoàn trong nước và nước ngoài đến nghiên cứu về đất và người khi còn là làng/xã Khánh Hậu. Từ khi trở thành “phường”, Khánh Hậu chịu tác động của tiến trình đô thị hóa làm biến đổi nhiều nét xưa. Hiện hữu, phường Khánh Hậu có 4 khu phố thì 2 khu, mỗi khu có 1 ngôi chùa lớn, 2 khu còn lại đều có thánh thất Cao Đài, đình thần, miếu, võ.
Đặc biệt, cách cây Trôm không xa lắm có Khu di tích Quốc gia lịch sử kiến trúc Lăng mộ, đền thờ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức. Cách di tích này một quãng ngắn là tòa nhà “Phủ Minh đường”, kiểu nhà cổ lưu dấu tổ tiên Nguyễn Huỳnh Đức từ thời khẩn hoang, nay sửa chữa, có nhiều chi tiết “cách tân”. Cách cây Trôm chừng 300m là khu đình Khánh Hậu cũng có từ thời khẩn hoang, về sau trùng tu, làm mới. Một số nhà cổ do bị hư hỏng đã phá bỏ, xây dựng lại hoặc sửa chữa, chắp vá giữa cũ và mới.
Nghiên cứu của TS. Phan Thị Yến Tuyết (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM - đoàn của GS.TS Nguyễn Thế Nghĩa) kết luận: “Nhìn chung, diện mạo tôn giáo, tín ngưỡng Khánh Hậu mang sắc thái Phật giáo và Cao Đài giáo trên cái nền làng xưa có đình cổ thông thường. Trước đây, thiết chế văn hóa truyền thống của làng xã Nam bộ gồm có đình, chùa, miếu, võ, tạo thành một quần thể văn hóa của làng,...”, nhưng nét “làng truyền thống” Khánh Hậu nay biến đổi theo hướng hiện đại hóa,...
Dấu (x) là điểm bị sét đánh, trên dấu (x) là nhánh khô vì ảnh hưởng sét đánh
Tóm lại, việc đăng ký cây Trôm Khánh Hậu là Cây di sản Quốc gia bởi vì, đối chiếu với các tiêu chí quy định cho cây di sản Quốc gia, thì cây Trôm Khánh Hậu gồm đủ. Việc công nhận cây di sản Quốc gia nhằm có chính sách bảo quản các giá trị tinh thần, vật chất của cây, bảo đảm sự sống lâu bền cho cây có tuổi đời hàng bao thế kỷ. Ai đó nói, cây cối như một người bạn của con người, cùng sinh và cùng lớn lên. Với cây Trôm Khánh Hậu còn như một chứng nhân lịch sử, nó trở nên thiêng liêng với người dân sở tại.
Anh Thinh, nhà kế bên cây Trôm nói, từ mấy năm nay, người dân ở đây bảo nhau không được lấy mủ Trôm vì sợ ảnh hưởng sức khỏe của cây, dù mủ Trôm là dược liệu quý. Mới đây, một cú sét đánh trúng phần ngọn của cây làm tróc một mảng vỏ và cháy sém một nhánh cây. Nhánh cây này đã khô, có thể rơi xuống đất bất cứ lúc nào. Mong ngành quản lý đô thị xử lý nhằm tránh nguy hiểm cho người đi đường, đồng thời có biện pháp chống sét cho cây.
Rất hy vọng, cây Trôm Khánh Hậu sớm được Nhà nước công nhận Cây di sản Quốc gia, để tỉnh Long An cũng có cây di sản Quốc gia như các tỉnh lân cận./.
Quang Hảo