Tiếng Việt | English

05/08/2015 - 09:29

Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở

Cán bộ cơ sở (CBCS) là "cầu nối" giữa Đảng với dân, ý Đảng có phù hợp với lòng dân hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ CBCS. Sự liêm khiết, tận tụy của CBCS, năng lực, hiệu quả hoạt động của họ góp phần to lớn tạo nên uy tín của Đảng, chính quyền trước nhân dân,...

Thực tế thời gian qua cho thấy, một số chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước chưa kịp thời đến với dân, hoặc đến được với dân nhưng triển khai thực hiện sai,...

Điều đáng quan tâm là không phải do CBCS suy thoái phẩm chất đạo đức, mà do trình độ nhận thức và kỹ năng hướng dẫn, triển khai thực hiện của CBCS chưa đáp ứng yêu cầu.

Vì vậy, phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng CBCS. Đặc biệt, phải chú ý nội dung và hình thức đào tạo, bồi dưỡng. Phải đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng CBCS. Bởi vì, các vấn đề mà cấp cơ sở phải giải quyết rất cụ thể, chi tiết, đòi hỏi CBCS phải giỏi tác nghiệp, phải có kỹ năng ứng xử phù hợp với phong tục, tập quán của dân cư và phải làm tốt công tác dân vận; chú trọng cả lý luận và thực tiễn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng thực hành.

Từ tiêu chuẩn cán bộ mà chọn nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Từ nội dung mà lựa chọn phương thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, kết hợp việc đưa cán bộ đi học tại các trường, lớp với việc đào tạo, bồi dưỡng thông qua việc sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ; hoặc thông qua việc rèn luyện trong thực tiễn công tác. Thường xuyên đưa cán bộ đi tập huấn các lớp nghiệp vụ về kỹ năng công tác Đảng, chính quyền và đoàn thể. Hơn nữa, từng địa phương, cơ sở phải có chế độ khuyến khích và bắt buộc cán bộ tự học, tự nghiên cứu. Đặc biệt, phải định kỳ kiểm tra việc tự học, tự rèn đối với từng loại cán bộ, mạnh dạn thay đổi cán bộ khi chưa đủ chuẩn theo quy định./.

Đoàn Xê

Chia sẻ bài viết