Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa Xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập một số khía cạnh từ góc nhìn thực tiễn của Việt Nam và tập trung vào trả lời các câu hỏi: Chủ nghĩa Xã hội là gì; Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường Xã hội Chủ nghĩa; Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được Chủ nghĩa Xã hội tại Việt Nam?
Những luận điểm khoa học, sáng rõ trong bài viết như soi rọi vào thực tiễn xây dựng phát triển đất nước. Đồng thời hiệu triệu tất cả các tầng lớp nhân dân tiếp tục tin tưởng, đồng hành đóng góp mạnh mẽ hơn vào công cuộc đổi mới của đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
(Ảnh minh họa)
Bàn về những luận điểm này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Đình Phong đã có bài viết với tiêu đề: “Cơ sở cho niềm tin vững chắc”. VOV.VN xin gửi đến quý độc giả nội dung bài viết:
Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 – 19/5/2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa Xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội tại Việt Nam”. Bài viết đưa ra những lý lẽ sâu sắc, luận cứ lý giải thuyết phục, tạo cơ sở niềm tin vững chắc vào Chủ nghĩa Xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội tại Việt Nam.
Bài viết khẳng định, Chủ nghĩa Xã hội tại Việt Nam là Chủ nghĩa Xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay. Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, Lê-nin đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới - Cách mạng tháng mười Nga năm 1917. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, khẳng định giải phóng dân tộc ở Việt Nam muốn giành được thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội là đột phá lý luận cơ bản thể hiện trí tuệ, bản lĩnh Hồ Chí Minh và Đảng ta. Như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng của Người và cách mạng Việt Nam.
Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” tập hợp 29 bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của Cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nói về Chủ nghĩa Xã hội mang đặc điểm Việt Nam cần phải hiểu thấu đáo vấn đề này thì mới trả lời được câu hỏi: Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường Xã hội Chủ nghĩa. Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa, nhiệm vụ hàng đầu là phải dành cho kỳ được độc lập dân tộc. Đó là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước.
Nhưng đất nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Tức là độc lập dân tộc phải đi tới và gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội. Chủ nghĩa Xã hội là thước đo giá trị của độc lập dân tộc.
Lý luận căn cốt về Chủ nghĩa Xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội tại Việt Nam qua lý giải mối quan hệ giữa độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội được Hồ Chí Minh khẳng định ngay khi Đảng ra đời. Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản.
Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lại quan điểm của Đảng trong đổi mới: Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường Xã hội Chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Đình Phong
Về thực tiễn, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh từ góc nhìn ở Việt Nam trên 3 phương diện chủ yếu. Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta định hình và định hướng Chủ nghĩa Xã hội trên nền tảng Chủ nghĩa xã hội khoa học Mác – Lê-nin nhưng xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Chúng ta luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Đảng đổi mới tư duy, từng bước nhận thức đúng đắn và hành động phù hợp với hệ thống quy luật khách quan có tính đặc thù của Chủ nghĩa Xã hội.
Việt Nam xuất phát từ một nước vốn là thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu, khoa học kỹ thuật kém phát triển tiến thẳng lên Chủ nghĩa Xã hội, bỏ qua chế độ Tư bản chủ nghĩa.
Hai là, thực tiễn xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trước đổi mới giúp Đảng ta nhận thức đúng đắn hơn, khoa học hơn về Chủ nghĩa Xã hội và thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa Xã hội. Trong khi còn một số quan niệm đơn giản về Chủ nghĩa Xã hội, con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam.
Cần phải khẳng định rằng Đảng và nhân dân ta đã làm được những việc tưởng như không thể thành công. Đó là đồng thời vừa xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc vừa tiến hành Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân miền Nam.
Đây là nguồn cảm hứng vô tận để nhân dân miền Nam và đồng bào cả nước hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, giải phóng miền Nam.
Ba là, thực tiễn sống động nhất là thông qua 35 năm Đổi mới. Chúng ta có thể thấy, tình hình Việt Nam trước đổi mới vốn là một nước nghèo bị chiến tranh tàn phá nặng nề, để lại những hậu quả hết sức to lớn về người, về của và môi trường sinh thái.
Lương thực, hàng hóa, nhu yếu phẩm thiếu thốn làm cho khoảng ba phần tư dân số sống dưới mức nghèo khổ. Trong 35 năm Đổi mới, đất nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến nước ta; đại dịch Covid-19; thiên tai bão lụt; các thế lực thù địch chống phá điên cuồng...
Trong muôn vàn khó khăn phức tạp đó, chúng ta vẫn xác định đi lên Chủ nghĩa Xã hội là khát vọng của nhân dân; là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lựa chọn này phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chúng ta kiên trì con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội để đạt tới các giá trị tiến bộ, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội, hài hòa với lợi ích chính đáng của con người.
Khác hẳn về bản chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, chúng ta hướng tới sự phát triển bền vững cho hiện tại và tương lai, với một hệ thống chính trị mà quyền lực thuộc về nhân dân. Tóm lại, Xã hội Chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là vì lợi ích của nhân dân. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu./.
PV/VOV1