Tiếng Việt | English

20/05/2020 - 16:29

Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Công ước xóa bỏ lao động cưỡng bức

Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là rất cần thiết và có ý nghĩa trên các mặt chính trị, KT-XH và pháp lý.

Tại phiên họp Quốc hội chiều nay (20/5), sau khi các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thừa ủy quyền Chủ tịch nước trình bày tờ trình Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.


Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thừa ủy quyền Chủ tịch nước trình bày tờ trình Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong 8 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và được ILO thông qua ngày 25/6/1957. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007).

Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế - xã hội và pháp lý.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chủ chương nhất quán về hội nhập kinh tế quốc tế và sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật thời gian qua, việc xem xét gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm hiện nay là chín muồi và hết sức cần thiết.


Việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế - xã hội và pháp lý.

Sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)  và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO.

Đồng thời, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng cường và củng cố cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam. Do đó, việc xem xét quyết định gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm này là chín muồi và cần thiết.

Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức có 10 Điều. Nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 2; từ Điều 3 đến Điều 10 là những quy định về thủ tục.

Việc kiến nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ là một bước tiến tích cực sau khi Việt Nam gia nhập Công ước số 29 về lao động cưỡng bức, 1930 của ILO cũng như các Hiệp định tự do thể hệ mới mà Việt Nam đã tham gia.

Ngoài ra, việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh năm nay Việt Nam đồng thời đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN và cũng là năm Chủ tịch AIPA./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết