Tiếng Việt | English

15/04/2021 - 10:38

Chức sắc và tín đồ tôn giáo tham gia bầu cử là trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc

Công văn của Bộ Nội vụ nêu rõ: "Việc các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo tham gia bầu cử không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm lớn lao đối với Tổ quốc".

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng vừa ban hành Công văn về việc vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.


Chức sắc công giáo tham gia bầu cử tại Nghệ An năm 2016 (Ảnh: Báo Nghệ An)

Công văn khẳng định, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện trọng đại đối với cử tri cả nước trong đó có đông đảo chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân tại Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Thành công của cuộc bầu cử sẽ góp phần tích cực vào xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo tham gia bầu cử không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm lớn lao đối với Tổ quốc. Quyền và nghĩa vụ đó không chỉ thể hiện trong ngày bầu cử, mà còn được minh chứng trong suốt quá trình tham gia đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu.

Kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 nhiệm kỳ xây dựng và phát triển và từ khóa I đến khóa XIV đều có chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo tham gia. Các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo được giáo hội giới thiệu, nhân dân lựa chọn bầu vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là những người ưu tú, có nhiều đóng góp trong công tác lập pháp và sự nghiệp xây dựng đất nước, luôn thể hiện rõ trách nhiệm của người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân nói chung và của đồng bào tôn giáo nói riêng.


Chức sắc tôn giáo tỉnh Bình Định chụp ảnh với lãnh đạo MTTQ Việt Nam năm 2018.

Các công việc cụ thể cũng được nêu trong công văn như: Phổ biến cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động cử tri có đạo thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia bầu cử; Tham gia cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ có đạo hạnh và uy tín với quần chúng nhân dân, với tổ chức tôn giáo; hướng dẫn, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ thường xuyên nêu cao cảnh giác, không nghe theo sự xúi giục, kích động, lôi kéo của các phần tử xấu; các thế lực phản động phá hoại cuộc bầu cử.

Hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 27 triệu tín đồ các tôn giáo. Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa hảo và cấp đăng ký hoạt động với 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự...

Trong các đợt dịch Covid bùng phát ở Việt Nam năm 2020 và đầu năm 2021, các cơ sở tôn giáo trên toàn quốc cũng thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống Covid-19. Các lễ hội tôn giáo đầu năm mới âm lịch cũng bị hạn chế tối đa./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết