Tiếng Việt | English

16/07/2015 - 10:44

Chuyện hy hữu trong chiến tranh: Đã chết khi đang còn sống

Trong chiến tranh mọi việc đều có thể xảy ra, như chuyện ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Bến Lức mà chủ nhân của ngôi mộ vẫn còn sống khỏe mạnh ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đó là ngôi mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi, quê quán miền Bắc, hy sinh năm 1972.

Thiếu úy - Thương binh 1/4 Nguyễn Văn Đãi, đang sống tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình

1. Năm 1987, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh Nguyễn Văn Nổi ngụ ở ấp 5, xã An Thạnh vào phục hóa ở phần đất 1ha do cha mẹ để lại ở rừng tràm Bà Vụ (nay thuộc xã Tân Hòa, huyện Bến Lức).

Một sáng đào kênh thoát nước, anh phát hiện 2 bộ hài cốt liệt sĩ cùng với 3 chiếc ba lô bọc trong túi nylon Trung Quốc (loại túi chuyên dụng trang bị cho quân đội thời kháng chiến chống Mỹ mà quân giải phóng thường gọi là bọc lội). Cùng với khá nhiều đạn 7,62mm của tiểu liên AK), mở ba lô ra thì còn khô ráo nguyên vẹn giấy tờ, quân tư trang, hình ảnh, kỷ vật của liệt sĩ.

Trong đó, 2 ba lô được xác định là của liệt sĩ Trần Mậu và Nguyễn Văn Đãi, cái thứ 3 không xác định được chủ nhân.

Với tinh thần trách nhiệm của một người lính đối với đồng đội, anh Nỗi đã cẩn thận quy tập 2 hài cốt liệt sĩ, thu gom hầu hết kỷ vật rồi báo với chính quyền đưa 2 hài cốt về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Bến Lức.

Căn cứ vào cuốn sổ nhật ký dừng lại ở tháng 5 năm 1972, nên đã xác định liệt sĩ hy sinh năm 1972 (như đã ghi trên bia mộ). Số giấy tờ kèm theo hài cốt liệt sĩ lúc đó không đủ thông tin để xác định đơn vị, quê quán nên không thể báo tin được cho thân nhân liệt sĩ.

Trong ba lô của liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi có tấm ảnh có thể giúp tìm được thân nhân liệt sĩ dù rất mong manh. Đó là tấm ảnh một chiến sĩ chụp hình với mẹ và bé gái. Phía sau có dòng chữ - “Tặng anh tấm hình làm kỷ niệm, nếu sau này còn sống anh về quê em theo địa chỉ thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên”. Ký tên Cao Ngọc Viên.

Từ thông tin đó, một bức thư được gửi về theo địa chỉ ghi trên tấm hình báo tin liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ và nhờ đồng chí Cao Ngọc Viên báo tin cho gia đình biết.

Ngôi một liệt sĩ mang tên Nguyễn Văn Đãi (trái) ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Bến Lức

2. Chiến sĩ Cao Ngọc Viên thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, nhập ngũ tháng 4-1970 vào Nam chiến đấu ở đơn vị K4 Long An.

5 năm chiến đấu trên chiến trường với bao gian khổ, hy sinh nhưng anh vẫn vẹn nguyên lành lặn cho đến ngày giải phóng. Trong những đồng đội, đồng chí, anh thương nhớ nhất Nguyễn Văn Đãi. Ngày anh Viên ở Đại đội 2, K4 (chung đơn vị với anh Đãi), 2 người rất thân nhau. Anh Viên lấy ra tấm ảnh chụp chung với mẹ và cháu gái ra tặng anh Đãi làm kỷ niệm.

Tháng 5-1972, K4 bất ngờ đụng độ với lính sư đoàn 25 ngụy ở rừng tràm Bà Vụ, quân địch rất đông có xe tăng, xe bọc thép yểm trợ tấn công vào khu vực phòng ngự của Đại đội 2.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Đãi và một đồng đội khác (chung công sự) phải hứng chịu hỏa lực dữ dội của xe tăng địch.

Cao Ngọc Viên chứng kiến xe tăng địch tràn lên công sự của Nguyễn Văn Đãi,... Cũng sau trận đánh đó, Cao Ngọc Viên chuyển về đơn vị mới và luôn canh cánh nỗi đau về sự hy sinh của bạn.Năm 1998, nhận được thư từ Bến Lức, Long An gửi ra quê và từ quê gửi vào, cựu chiến binh Cao Ngọc Viên (hiện ngụ tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM) gấp rút xuống Bến Lức tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi.

Đến nơi tận mắt nhìn thấy phần mộ đồng đội, anh rất yên lòng và nhanh chóng viết thư về tìm thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Đãi ở xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Thư đi chưa lâu thì một đêm đã khuya, chuông điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia là giọng nói quen thuộc: “Viên ơi! Đãi đây. Anh có chết đâu,...” và niềm vui vỡ òa khi anh Viên biết anh Đãi chắc chắn còn sống,...

3. Nguyễn Văn Đãi, quê ở thôn Lai Tạo, xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, nhập ngũ năm 1968, vào Nam chiến đấu ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 Long An (K4), năm 1972, trong khi di chuyển từ phía Bắc xuống Nam Long An thì bị địch càn.

Khi đụng độ với Tiểu đoàn 4, địch lùi ra dùng bom, pháo bắn phá, sau đó dùng xe tăng càn lên. Trong 1 công sự, chiến sĩ Nguyễn Văn Đãi và 1 đồng đội nữa chiến đấu rất dũng cảm và anh bị thương rất nặng, đạn xuyên thủng đầu, mù mắt trái, đồng đội đưa ra phía sau và cử một chiến sĩ khác lên thay thế vị trí phòng ngự của anh. Trong trận này, 2 đồng đội của anh cũng hy sinh, chiếc ba lô của anh nằm lại nơi công sự,…

Sau trận đó, anh được đưa đi điều trị thương tật, đến đầu năm 1974, được vinh dự đi dự đại hội thi đua của Trung ương cục Miền Nam (đi cùng đồng chí Nông Nhung - Chính trị viên tỉnh đội Long An).

Thấy vết thương của Nguyễn Văn Đãi quá nặng, đồng chí Chính trị viên tỉnh đội giao ban cán bộ Tỉnh đội làm thủ tục để cho Thiếu uý Nguyễn Văn Đãi – Chính trị viên phó đại đội ra Bắc điều dưỡng, với vết thương thủng mắt trái, thấu não (còn mảnh kim khí trong não), thấu phổi (còn mảnh kim khí trong phổi) và nhiều vết thương khác trên thân thể, Thiếu uý Nguyễn Văn Đãi là thương binh loại A, mất 81% sức khỏe, xếp loại thương tật hạng 1/4.

Hiện đang là quân số của Trại điều dưỡng thương binh Nho Quan, Ninh Bình, anh Đãi có vợ và 3 người con. Cả nhà anh Đãi sống dựa vào tiền trợ cấp của anh Đãi trong căn nhà cấp 4. Ước mong của người chiến sĩ năm xưa là được một lần vào thăm lại chiến trường xưa. Nhìn ngôi mộ của đồng đội mang tên anh và mong muốn cơ qua chức năng làm thủ tục trả lại tên ngôi mộ cho người liệt sĩ mang tên mình./.

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết